Bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2013: Dấu ấn chính sách

18:41 | 31/10/2013

2,249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) vừa đưa ra những nhận định đầy lạc quan về bức tranh kinh tế tháng 10, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò định hướng điều hành của Chính phủ.

Nền kinh tế tháng 10 tiếp tục đà khởi sắc.

Theo nhận định của NFSC thì trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và đặc biệt là những nền kinh tế lớn như Mỹ, khu vực Eurozone, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ… đã bớt “nóng” và điều này sẽ có những tác động tích cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới.

NFSC cũng đánh giá rất cao đà phục hồi của nền kinh tế khi GDP quý III/2013 ước đạt 5,54%, đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14%. Từ đó, NFSC nhận định, GDP quý IV/2013 sẽ tăng tới 6% do tổng cầu của nền kinh tế có những chuyển biến tích cực. Từ thực tế này, NFSC thừa nhận tăng trưởng kinh tế cả năm nay sẽ khả quan hơn dự báo ban đầu (5,3%) do chính cơ quan này đưa ra trước đó.

Phân tích cụ thể hơn, NFSC dẫn chứng: Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) phục hồi qua các quý và tính chung 10 tháng, IIP tăng 5,4%; dòng vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực (báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2013, thu hút FDI cả nước đạt trên 19 tỉ USD, tăng 65,6% so với cùng kỳ); xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá (15,2%), nhập siêu ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn trong trung hạn đang gặp nhiều thách thức.

Theo báo cáo đánh giá của cơ quan này thì, mặc dù thu hút FDI lạc quan nhưng giá trị gia tăng thực tế của khu vực này đóng góp vào nền kinh tế là không cao, chủ yếu là hoạt động gia công, các mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ nhập khẩu cao. Tổng cầu của nền kinh tế tuy đã được cải thiện nhưng còn chậm (từ tháng 4 đến tháng 10 chỉ dao động quanh mức 11,8 – 12,6%) và nếu loại trừ yếu tố giá thì ở mức thấp…

NFSC cũng đánh giá rất cao chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của nền kinh tế, đặc biệt là chính sách điều hành thị trường tài chính, tiền tệ. Cơ quan này đánh giá, trong 10 tháng 2013, rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm bớt, thanh khoản hệ thống dồi dào, cơ cấu tín dụng cũng có chuyển biến tích cực với cơ cấu đồng tiền trở nên hợp lý hơn (tín dụng VNĐ  tăng trong khi tín dụng ngoại tệ giảm)…

Thị trường ngoại hối cũng được NFSC đánh giá rất cao ở sự ổn định và theo cơ quan này thì điều này sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng cuối năm 2013 do lượng cung ngoại tệ dồi dào, còn cầu thì chưa có dấu hiệu khởi sắc.

NSFC cũng nhận định rằng, những kết quả trên là do độ trễ của các chính sách bắt đầu phát huy tác dụng.

Và để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ổn định, lâu dài, NFSC khuyến nghị, Chính phủ cần có tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm cải thiện môi trường kinh tế trong nước, củng cố lòng tin của nhà đầu tư. Đồng thời, để thúc đẩy tăng trưởng, NFSC cũng cho rằng cần phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất nền kinh tế.

Ngoài ra, trong năm 2014 - 2015, khi tốc độ hồi phục kinh tế còn chậm, vấn đề cân đối ngân sách được cho là sẽ khó khăn thì Chính phủ cũng cần rà soát lại các khoản chi thường xuyên không hợp lý; xây dựng khuân khổ ngân sách trung hạn, trong đó cụ thể hóa các mục tiêu dài hạn về thâm hụt ngân sách, kế hoạch vay, trả nợ công… để đảm bảo bền vững, an toàn cho ngân sách nhà nước.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường ký tháng 10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết: Theo đánh giá chung của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Kinh tế tiếp tục được cải thiện; lạm phát được kiềm chế và đặc biệt, xuất khẩu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra...

Thanh Ngọc