EVN: Tiên phong tiến lên công nghiệp hóa

07:20 | 21/02/2015

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ra đời trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, cơ sở vật chất lại hết sức nghèo nàn, lạc hậu nhưng qua 60 năm, dù trong thời chiến hay thời bình, ngành điện Việt Nam với nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao phó. EVN đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo trong ngành điện, là lực lượng vật chất để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Năng lương Mới số Xuân 2015

Dấu ấn 60 năm qua

Ngày 21/12/1954, giữa bộn bề công việc của Đảng và Chính phủ sau khi tiếp quản Hà Nội, Bác Hồ đã về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại đây, Người đã căn dặn: “... Nhà máy bây giờ là của Chính phủ, của nhân dân, của các cô, các chú. Các cô, các chú phải cùng nhau gìn giữ và phát triển nó lên...”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, công nhân ngành điện đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, tiếp quản, củng cố các cơ sở điện lực nghèo nàn do chế độ cũ để lại, sửa chữa phục hồi các nhà máy, đường dây tải điện để duy trì sản xuất điện phục vụ cho công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh. Ngay trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở miền Bắc, ngành điện đã đưa 9 nhà máy điện đi vào vận hành, kết nối với nhau bằng hàng trăm km lưới điện từ 6kV tới 110kV, tạo thành hệ thống điện đầu tiên của miền Bắc. Điện được cung cấp cho các thành phố, các khu công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, trung tâm các tỉnh đồng bằng, một số tỉnh trung du, miền núi, tạo điều kiện cho công, nông nghiệp phát triển, cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đóng điện Trạm biến áp 110kV Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

Đặc biệt, trong giai đoạn 1964-1975, ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại khốc liệt, tất cả hạ tầng của ngành điện gồm các nhà máy điện, kho tàng, mạng lưới điện đều là các trọng điểm bị oanh tạc thường xuyên, các nhà máy điện Yên Phụ, Hàm Rồng, Vinh, Uông Bí bị đánh phá ác liệt nhiều lần, thiết bị, nhà xưởng ở các nhà máy bị hư hỏng nặng nề. Nhưng bom đạn và mất mát không khuất phục được ý chí tinh thần cách mạng của những người thợ điện, vừa kiên cường bám trụ sản xuất vừa cầm súng đánh giặc. Để giữ vững dòng điện, nhiều cán bộ, công nhân ngành Điện đã ngã xuống với tinh thần bất khuất “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”, “Mỗi công nhân ngành điện là một chiến sỹ kiên cường trong sản xuất và chiến đấu bảo vệ nguồn điện”. Hình ảnh những ống khói nhà máy điện vươn cao nhả khói báo hiệu nhà máy trở lại hoạt động ngay sau những trận bom đạn ác liệt đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là niềm tự hào của những người thợ điện Việt Nam.

Đất nước thống nhất, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy, mở ra giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất cho ngành điện với một loạt các công trình mang tính lịch sử như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Ialy, Sơn La, đường dây 500kV Bắc - Nam... Theo Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, sau 60 năm, ngành điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc, từ chỗ chỉ có 31,5MW công suất năm 1954, đến nay tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia khoảng 34.000MW, đứng thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á và thứ 31 thế giới về quy mô nguồn và lưới điện. Ngành điện đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, hoàn thành thắng lợi các nghị quyết của Đảng là “đảm bảo điện đi trước một bước”. Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến năm 2014 sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 141,4 tỉ kWh, cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân...

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngành điện mà nòng cốt là EVN còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo. Tính đến hết năm 2014, EVN đã và đang cung cấp điện lưới quốc gia tới 99,42% số xã và xấp xỉ 98% số hộ dân nông thôn, vượt trên 6% so với chỉ tiêu chiến lược phát triển điện lực quốc gia đề ra. Mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa đã cao hơn một số nước trong khu vực, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm, nhất là khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc, trên các tuyến biên giới, hải đảo.

Vì mục tiêu công nghiệp hóa

Ngành điện đã có những bước phát triển vượt bậc, xứng đáng với lòng tin mà Đảng, Chính phủ giao phó. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, trong đó, hệ thống điện phải đạt công suất trên 60.000MW và sản lượng điện đạt từ 330 tỉ kWh, nâng sản lượng điện tính bình quân tính theo đầu người từ 1.400kWh/người/năm hiện nay lên trên 3.000kWh/người/năm, thách thức đặt ra cho ngành điện là không hề nhỏ. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đất nước vẫn còn khó khăn, các nguồn lực đầu tư dành cho ngành điện rất hạn chế, giá điện còn thấp, chưa theo giá thị trường...

Thách thức đặt ra cho ngành điện là vậy nhưng Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng cho rằng, đây là cơ hội để ngành điện phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cơ hội đó chính là đường lối, chủ trương mà Đảng, Chính phủ đã đề ra cho ngành điện tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Nghị quyết nêu rõ, hạ tầng cung cấp điện là một trong 4 lĩnh vực trọng tâm cần được tập trung nguồn lực để phát triển nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trên tinh thần đó, những năm gần đây, ngành điện đã bước vào quá trình tái cơ cấu, từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, loại bỏ các yếu tố bao cấp, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và tiêu thụ điện. Các doanh nghiệp trong ngành điện đã được tổ chức lại trong các lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện theo hướng chuyên môn hóa. Thị trường phát điện cạnh tranh cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường điện đã chính thức hoạt động từ tháng 7/2013 với hơn 50 nhà máy điện lớn tham gia chào giá phát điện. Từ năm 2015, ngành điện sẽ bắt đầu giai đoạn thí điểm thị trường bán buôn điện và tiến tới thị trường điện bán lẻ sau năm 2020. Tái cơ cấu, sắp xếp lại ngành điện là tiến trình khó khăn phức tạp, nhưng các doanh nghiệp ngành điện, trong đó có EVN quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục phát huy được vai trò của ngành trong nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những gì đã làm được trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành điện, ông Thanh tin tưởng EVN và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điện sẽ quyết tâm vượt qua mọi trở ngại thách thức, tiếp tục đưa ngành điện phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!

Thanh Ngọc