Quyết định "Kéo pháo ra" của Thủ tướng

20:50 | 19/04/2014

20,154 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ hiếm có quyết định nào của người đứng đầu Chính phủ lại dành được sự đồng thuận cao đến thế của nhân dân và của cả giới truyền thông quốc tế.

Ấy là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có kết luận về việc Việt Nam không đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á - Asiad 18 nữa.

Trong những ngày này, chúng ta đang vui mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì nhiều người đã ví von quyết định của Thủ tướng là Việt Nam không đăng cai Asiad 18 như quyết định "kéo pháo ra", chuyển phương châm từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

So sánh như vậy cũng là để cho vui, nhưng rõ ràng, quyết định của Thủ tướng không chỉ căn cứ vào thực lực của nước nhà về nhiều mặt để xin không đăng cai Asiad 18, mà quyết định này của Thủ tướng còn là sự gián tiếp tuyên chiến với thói sĩ diện hão của người Việt bấy lâu nay.

Do cái thói sĩ diện hão này mà lực thì không có, nhưng cái gì cũng thích làm, cái gì cũng thích "vươn ra bốn biển năm châu" hay nói một cách khác, tính háo danh của người Việt là rất lớn.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, chúng ta đã đổ tiền, đổ của, đổ công sức vào rất nhiều thứ vô bổ.

Những công trình của Sea Games 22 bây giờ đang xuống cấp và nhiều nơi chuyển thành nhà hàng, quán bar, nơi giữ xe, quán mát - xa…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

 

Rồi cũng vì thói háo danh mà người ta nghĩ đủ mưu đủ kế để bắt cả nam phụ lão ấu lao vào cái trò bình chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới do một công ty “giời ơi đất hỡi” nào đó khởi xướng.

Cũng phải nói thêm rằng, càng ngày, chủ nghĩa hình thức ở Việt Nam càng nặng nề. Đi chỗ nào cũng thấy pano, khẩu hiệu, áp-phích đỏ lòe loẹt. Cái chất phù phiếm, chuộng ảo không chuộng thực của người Việt xem ra ngày càng nặng nề.

Và qua việc này mới thấy, các quan chức của Bộ VH-TT-DL (xin viết tắt là Bộ Văn – Thể - Du) cùng với các cán bộ có trách nhiệm của ngành Thể thao Việt Nam đã có một cách làm  không giống ai.

Đành rằng trước đó, chúng ta đã có nghị quyết là Việt Nam sẽ phải phấn đấu để tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao quốc tế, tiến tới có thể đảm nhiệm đăng cai những sự kiện văn hóa, thể thao lớn của khu vực và thế giới.

Đấy là tiêu chí để phấn đấu, để chúng ta vươn tới. Nhưng trước khi làm một cái gì, thì phải có sự cân nhắc cẩn trọng, có sự tính toán khoa học và tỉ mỉ dựa trên nguồn lực của kinh tế và con người.

Một nền kinh tế còn đang khó khăn chồng chất, một nền thể thao đứng vào hàng gần như bét nhất thế giới, một cơ sở hạ tầng xã hội còn đang quá nhiều những bất cập và thiếu thốn. Ấy vậy mà dám ngang nhiên nhận đăng cai Asiad 18 – trong khi nhiều nước khác giàu có hơn ta – đã phải bỏ cuộc.

Và rồi người ta định đánh lừa dân khi đưa ra con số 150 triệu đô-la cho sự kiện thể thao lớn này. Thậm chí, Bộ Tài chính đã 5 lần có văn bản không đồng ý, 4 lần phát biểu không chấp thuận với kế hoạch tài chính mà Bộ “Văn-Thể-Du” đưa ra, nhưng người ta vẫn “cố đấm ăn xôi”, quyết trình lên bằng được.

Quả là một cách tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ” và có tầm nhìn “không quá sống mũi” của các quan chức có trách nhiệm trong Bộ “Văn-Thể Du” .

Có lẽ sau lần này, cần phải xem lại năng lực của những người đứng đầu ngành "Văn-Thể-Du" tại Việt Nam.

 

Như Thổ

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc