Quan chức không hay biết

07:00 | 14/01/2014

1,520 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hàng ngàn người dân cho mượn hoặc cho thuê sổ đỏ thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, thế mà quan chức địa phương không hề hay biết. Không lẽ là chuyện lạ.

Năng lượng Mới số 290

"Sổ đỏ”, tên gọi tắt của giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở, nhà ở của mỗi người dân. Chỉ khi cầm trong tay cuốn sổ đỏ thì các hộ dân mới hoàn toàn yên tâm khi sinh sống và làm ăn trên mảnh đất và trong ngôi nhà của mình. Nếu không thì họ luôn luôn sống trong tâm trạng ở nhờ, sống tạm; không có quyền xây dựng hoặc mua bán, trao đổi tài sản của mình hợp pháp.

Cũng chính từ giá trị của sổ đỏ như vậy mà tình trạng lợi dụng sổ đỏ để mưu lợi cá nhân đã diễn ra và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng trong phạm vi cả nước.

Từ mấy năm trước, những hộ dân ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) được một số đối tượng đến thông báo, vận động họ đưa sổ đỏ ra thế chấp sẽ được vay một khoản tiền lớn trong thời gian dài với lãi suất rất thấp. Vì đang có nhu cầu vay vốn để trồng rừng, hàng nghìn hộ dân ở huyện miền núi Thạch Thành đã mang sổ đỏ của gia đình giao nộp. Nhiều người còn vận động cả người thân cho mượn sổ đỏ mong vay được nhiều vốn.

Để tạo lòng tin, các đối tượng môi giới đã đến tận các xã vận động người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Cũng vì mục đích tháo gỡ khó khăn cho dân nên các cán bộ xã thấy việc gì có lợi cho dân thì hăng hái làm ngay. Do đó mà có xã còn xác nhận và cử cán bộ tuyên truyền cho dự án. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cán bộ Huyện đoàn Thạch Thành cũng nhiệt tình tham gia tuyên truyền, vận động. Dân thấy có cán bộ xã và huyện đứng ra tổ chức như thế thì càng tin tưởng.

Khi sự việc vỡ lở, ông Tuấn mới cho biết rằng: “Thông qua một số anh em bạn bè nên tôi tin theo và vận động bà con giao nộp được 83 bìa đất chứ tôi cũng chưa gặp giám đốc công ty nào và cũng không biết rõ về dự án”.

Hai công ty đứng ra tổ chức hoạt động thu gom sổ đỏ của người dân là Công ty TNHH Thịnh Phước và Công ty CP Đầu tư và Thương mại Quế Hương (có trụ sở ở Nghệ An). Họ nói đây là chương trình dự án môi trường xanh, do một tổ chức phi chính phủ tài trợ; thời hạn vay trong 20 năm, mức tối đa được vay 30-50 triệu đồng/ha với lãi suất 0,3%/tháng, trả lãi suất theo quý.

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, UBND huyện Thạch Thành đã tìm giải pháp ngăn chặn, đồng thời lệnh cho các xã phải thu hồi sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên, săn tìm mãi mà nhiều hộ dân chưa được nhận lại sổ đỏ và nhiều người vẫn chưa biết mình bị lừa đảo. Chỉ biết rằng, sơ bộ đã có 12/28 xã với hơn 1.000 sổ đỏ đã được người dân bàn giao cho các đối tượng môi giới.

Trong khi đó, ngày 28/10/2013, Công an TP Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra phát hiện và lập biên bản, thu giữ 2.918 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). Người đang giữ số giấy CNQSDĐ không rõ nguồn gốc này là bà Nguyễn Thị Minh, quê ở xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh), hiện đang cư trú tại xã Tân Đức, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Sau khi kiểm tra, Cơ quan điều tra thấy số giấy CNQSDĐ trên đứng tên rất nhiều hộ dân ở các tỉnh thành khác nhau như Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La… Bà Nguyễn Thị Minh khai nhận là đang hẹn gặp một số người dân có tên trong giấy CNQSDĐ nhằm trao đổi tiền để lấy lại giấy tờ.

Thế nghĩa là những cuốn sổ đỏ của nhiều hộ dân, sau một thời gian được thế chấp để vay tiền nhưng tiền vay không thấy đâu mà bây giờ phải chi ra một khoản tiền oan thì mới nhận lại sổ đỏ của mình. Đó là chưa kể một số lượng sổ đỏ đã được hai công ty thế chấp vay ngân hàng rồi thì khó mà lấy lại.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), hiện tượng doanh nghiệp “thuê” sổ đỏ để thế chấp hoặc bổ sung tài sản thế chấp ở ngân hàng không phải hiếm. Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết trả lại giấy tờ cho người dân thì không sao. Nhưng không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bị vỡ nợ và bỏ trốn, người cho mượn sổ đỏ mất nhà thì mới kêu kiện. Còn một nguyên nhân khác là văn phòng công chứng không giải thích kỹ về quyền, nghĩa vụ liên quan, làm cho chủ sổ đỏ chỉ nghĩ đơn giản thế chấp là thủ tục, còn ai vay tiền thì người đó mới phải trả. Thế nên, đến khi người vay không trả được nợ, ngân hàng phát mại tài sản thì đã muộn.

Việc này, các phòng công chứng phải liên hệ tới ngành hàng không và người đi máy bay. Khách đi hàng trăm lần rồi thì vẫn phải nghe hướng dẫn cách mặc áo phao và không được hút thuốc.

Nói tóm lại, hàng ngàn người dân cho mượn hoặc cho thuê sổ đỏ như trên thì chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”, thế mà quan chức địa phương không hề hay biết. Không lẽ là chuyện lạ.

Đức Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc