Quà biếu quan

06:15 | 05/01/2013

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ranh giới giữa sự tri ân với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mong manh. Đã là người lãnh đạo thì phải rất tinh tường để nhận ra cái ranh giới nhiều khi vô hình ấy.

Anh Lương Đức Quynh, bạn tôi vốn là Thư ký của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt. Sau đó anh chuyển sang làm công tác Đảng ở Tổng cục Du lịch, nay về hưu, vui thú với việc đi câu. Còn nhớ một cái tết, có mấy cơ sở quen biết cứ nhờ tôi mời hộ anh Quynh đến dự tổng kết năm. Họ bảo anh Quynh có mặt là quý lắm rồi vì anh đã nhiều lần lắng nghe, ghi chép những khó khăn, khúc mắc của cơ sở để báo cáo với Bí thư Thành ủy. Vả lại, họ không “dám” mời Bí thư Thành ủy, ông bận thế làm sao đi dự khắp lượt được. Anh Quynh nhận lời rồi đều không thể đến dự. Hỏi lý do thì anh bảo phải đi… trả quà tết. Tôi hỏi sao lại trả quà tết hả ông? Ông có bị làm sao không đấy, có chai rượu, gói mứt, quý ở tấm lòng, sao không nhận?

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

Tôi cứ nghĩ, hay là anh nổi máu… lãnh đạo như tin đồn có ông sếp mới nộp cho văn phòng cơ quan mấy tỉ đồng tiền phong bì chúc tết… Thì ra không phải vậy, anh Quynh bận thật vì sếp giao việc mang phong bì tiền quà tết đến trả cơ sở. Quynh bảo là ông Duyệt có thư riêng hẳn hoi gửi cho các cơ sở này. Đại ý ông viết rằng, đã nhận được thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động của xí nghiệp, hợp tác xã… Thay mặt Thành ủy, ông biểu dương và chúc tết cơ sở. Ông thông báo đã nhận được quà tết (gồm… hiện vật và phong bì tiền mặt). Quà hiện vật ông xin nhận để chuyển cho các trung tâm dưỡng lão, trẻ mồ côi… Riêng tiền mặt (ghi số tiền cụ thể) xin gửi lại để đơn vị làm quà cho các gia đình chính sách, công nhân tiêu biểu. Thế là anh Quynh phải mang đi và lấy bằng được biên nhận của đơn vị.

Ngày tết người ta đi đây đi đó, tìm được quân hành chính tài vụ nộp lại tiền rất mất thì giờ nhưng anh Quynh vẫn tận tụy hoàn thành việc của Bí thư giao. Sau tết, có dịp Bí thư Duyệt trong cuộc họp Thành ủy, tôi hỏi ông về chuyện này. Ông cười bảo mình có giúp được gì đâu mà nhận tiền của anh em cơ sở.

Cậy là nhà báo, quen ông đã lâu ngày, từ khi ông còn công tác ở Mạo Khê, tôi mạnh dạn hỏi thêm điều mà anh Quynh không nói. Đó là tiền trong phong bì là bao nhiêu? Ông Duyệt hạ giọng bảo, nhiều lắm, hàng chỉ vàng đấy, nhận làm sao được! Hiện vật thì tôi chuyển tặng các cơ sở chính sách rồi. Quý hóa thay tấm lòng của người đứng đầu Đảng bộ thành phố! Sau này ông lên vị trí cao hơn, Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, gặp anh em báo chí, ông vẫn vui vẻ, tin cậy như ngày nào.

Chuyện quà biếu ông Bảy Nhị, quan đầu tỉnh An Giang thì nhiều người biết lắm.

Đó là thời kỳ An Giang trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư. Chạy dự án, lobby (vận động hành lang)… để có suất ngon lành, để hưởng lợi không thiếu. Nhưng ông Nguyễn Minh Nhị, Chủ tịch UBND tỉnh bảo rằng, ông dám nói mình chưa hề chịu sự chi phối của bất kỳ thế lực nào trong chủ trương đầu tư. Ông là người ký duyệt dự án mà chẳng cần nhận bao thư của ai. Riêng chuyện biết trước quy hoạch, cho người nhà hoặc “tay chân” lén đi tắt đón đầu mua sẵn, chờ cơ hội bán (hoặc đền bù) lấy lời là đủ kiếm bộn tiền nhưng ông dứt khoát nói không.

Theo ông kể lại thì, chuyện theo thông lệ mà luật cho phép doanh nghiệp, nhận bao thư cảm ơn (núp bóng thưởng cuối năm) chút đỉnh từ phía doanh nghiệp, cá nhân với ông là có. Ông bảo, nói chưa bao giờ nhận là không thật thà. Nhưng nếu có màu đút lót, xin xỏ hoặc mưu cầu này nọ là ông kiên quyết gạt ngay. Ông tâm sự rằng, nhận mấy cái thứ đó mình chết chắc. Nhưng mình cũng không thể quá máy móc, cứng nhắc trong ứng xử có thể gọi là “tế nhị” này. Ông nhớ lại có những lần “tiền thưởng” khá hậu hĩnh hoặc có lần người ta đưa bao thư “quá dày” cho ông… Trả không được, nhận không xong, ông giao cho thủ quỹ cơ quan lập riêng một cuốn sổ. Gặp người này, người kia khó khăn, có cái chi tiền ngân sách không được, ông quyết định cho chi, cuối tháng có quyết toán rành mạch.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Tới ngày rời khỏi ghế Chủ tịch, ông đã hỏi thủ quỹ coi tiền nong còn hết ra sao. Cô nhân viên thưa rằng, quỹ của chú bằng không rồi. Ông nói: “Vậy là huề! Giải tán!”. Sau này ông đọc báo, hình như có người biết, phê phán là làm vậy chỉ biết giữ riêng mình chớ “không kiên quyết trong chống tham nhũng”? Sao không lập biên bản, bắt tận tay, day tận mặt người đút lót? Ông nói, đây không phải cách làm hay của người lãnh đạo. Vả lại, ai đút lót mình, họ đều nghe ngóng trước xem ông này “hảo ngọt” hoặc “thích phần trăm” hay ham đi du lịch không? Khổ nhất là họ mua mình không được thì họ sẽ phá mình bằng nhiều cách, nhất là nói xấu. Ông Bảy Nhị đã phải trả giá cho vấn đề này cũng khá đắt. Ông kể lại vụ khai thác tài nguyên ở nơi nhạy cảm có yếu tố nước ngoài. Chủ tịch Nhị kêu lên đến 6 bộ mà cũng không cứu được tài nguyên!

Ông bảo ranh giới giữa sự tri ân với biếu xén, hối lộ, đút lót nhiều khi rất mong manh. Đã là người lãnh đạo thì phải rất tinh tường để nhận ra cái ranh giới nhiều khi vô hình ấy. Sau khi nghỉ hưu, ông có thú vui cây kiểng. Một hôm đang ở xa, ông nhận được cú điện thoại từ một số lạ hoắc nói muốn mua một cây thế đã suy của ông với giá cả chục ngàn đô. Ông nói, cây sắp chết, ôm về làm chi, anh ta bảo vì thích nên sẽ cố chăm sóc để nó sống khỏe. Ông suy nghĩ lắm, từng ấy đô cỡ 200 triệu đồng, nghe dễ ham, tiền nhiều ai không thích. Nhưng ông vẫn băn khoăn, một người lạ làm vậy là có ý gì, đằng sau vụ cây tàn này nhằm mục đích gì.

Cuối cùng, ông kiên quyết nói không. Ít lâu sau, ông lại nhận cuộc gọi, từ chính số điện thoại xin mua cây. Lần này, anh ta tha thiết nhờ ông nói một tiếng để kiểm lâm cho chuyển mấy cây gỗ từ Campuchia về. Vậy là rõ rồi, chục ngàn đô bỏ ra mua cây kiểng tàn héo của cựu chủ tịch tỉnh nhằm dọn đường, chỉ cần được trả nghĩa bằng một chuyến vận chuyển trót lọt là dư thừa. Ông bảo với người này rằng, về hưu rồi nói ai nghe, nhưng bụng thầm nghĩ, may quá, bán cây cho nó rồi thì biết cư xử sao đây?

Ngày xuân kể lại chuyện quà biếu, bởi gần đây có một vị sếp mới nhậm chức đã tiếp trên 500 đoàn khách cá nhân và tập thể đến nhà riêng, công sở chúc mừng nhộn nhịp lắm, nhưng không có thông tin gửi lại phong bao hoặc chuyển các bao thư đến địa chỉ từ thiện. Hai câu chuyện xảy ra ở hai thời điểm khác nhau, hai nơi xa nhau và khác nhau nhiều về cách nghĩ, cách làm, lối sống. Thế nhưng, dẫu có khác nhau chút chút về cách ứng xử của hai người lãnh đạo địa phương nhưng đều giống nhau ở một điểm, làm quan phải biết từ chối. Cả hai ông quan cách mạng này đều là những học trò xứng đáng của Bác Hồ trong cách sống và ứng xử chí công vô tư, cần - kiệm - liêm - chính được Đảng tin, dân trọng, đáng nêu gương trong lúc toàn Đảng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương IV.

Bảo Dân

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc