Nguyễn Cao Kỳ Duyên: Làm cũng chết, không làm cũng chết!

08:51 | 31/10/2013

1,807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên facebook của mình, dẫn lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên cho biết: "Anh Ngạn có lần nói với tôi về sự khác biệt giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Việt Nam: "Văn hóa Tây thiên về khuyến khích còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích".

 

Rồi để chứng minh cho viện dẫn này. MC Kỳ Duyên phàn nàn rằng khi cô lặng lẽ làm từ thiện thì mọi người bảo là "vô tâm". “Khi tôi "hé" ra việc làm tốt đó lại bị chỉ trích là "phô trương"... Và kết luận: “làm cũng chết, không làm cũng chết".

Thật ra, MC Kỳ Duyên đã nói đúng, rất đúng về hiện tượng hay chỉ trích này của người Việt. Có điều, đúng nhưng chưa đủ.

Đúng là người Việt ta hay có tính chỉ trích thật. Chẳng thế, trong văn học dân gian có rất nhiều các câu như “Bới bèo ra bọ”, “Chân mình còn lấm bề bề, lại đem bó đuốc mà rê chân người”… Ví như người Pháp, một dân tộc “Tây” 100% cũng có câu đại loại là “Mũi dài đến gót giày người khác” để chỉ những người hay chỉ trích thiên hạ.

Thật ra, thói chỉ trích người khác như là một thuộc tính của con người.

Nhưng thôi, tranh luận điều đó thì dài và khó “ngã ngũ”. Xin đặt một vấn đề khác mà cô MC Kỳ Duyên đã một thời nổi danh nhan sắc đề cập đến, đó là việc phô trương khi làm từ thiện.

Nói thì dài, nhưng đại ý rằng cô đi làm từ thiện phô trương ra chẳng có gì là xấu, là đáng bị chỉ trích cả.

Đúng và rất đúng, MC Kỳ Duyên ạ. Đến con gà đẻ được quả trứng còn kêu lên quang quác khoe với cả làng, cả xóm, huống hồ là một người đi làm từ thiện hàng chục, hàng trăm triệu đồng sao lại cấm người ta “quang quác”?

Chẳng ai cấm và cũng chẳng ai chỉ trích cả nếu như không vì những động cơ từ thiện thì ít mà lăng xê tên tuổi, quảng bá cho hình ảnh, thương hiệu thì nhiều.

Người Việt là vậy, trọng thực việc hơn trọng hư danh. Đã có hàng ngàn, hàng vạn những con người nghèo khổ nhưng sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những người khó khăn hơn. Đã có nhiều và rất nhiều người thậm chi hi sinh cả tính mạng mình để cứu giúp người khác. Và họ làm việc đó một cách âm thầm, lặng lẽ. Thậm chí rất ngại khi báo chí nêu tên. Đơn giản là bởi họ làm vì tấm lòng chân thực mà không cầu tiếng tăm hay lợi lộc.

Trái tim họ mách bảo họ cần chia sẻ và thế là đủ đối với họ.

Vì vậy, thói hay chỉ trích mà MC Kỳ Duyên nói là có thật nhưng có điều, nó là chỉ của một số người chứ tuyệt nhiên không phải là “văn hóa Việt Nam” như suy nghĩ của Kỳ Duyên.

Văn hóa của người Việt là văn hóa của sự cống hiến, hi sinh thầm lặng.

Và vì MC Kỳ Duyên nói rằng chị là “Mỹ con”, xin trích một comment gửi về cho chị của bạn đọc Ptthanh: “Hình như chị Kỳ Duyên cũng đang thiên về chỉ trích, không phải chỉ trích một vài người, mà tất cả người Việt, trong đó có chị”.

Khi người ta “ngồi xổm” lên văn hóa tổ tiên thì cũng là ngồi xổm lên chính mình!

Bùi Hoàng Tám