Bàn về tính duy tình của người Việt:

Người hết thời

08:03 | 11/08/2012

1,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người Việt Nam ta luôn đề cao chữ “tình”. Điều này đã dẫn tới việc nhiều khi chữ “lý” bị xem nhẹ, bỏ qua. Mọi chế độ trong các cơ quan Nhà nước đều có những quy định rất rõ ràng, minh bạch. Và tất cả mọi người phải bình đẳng trước các quy định đó.

Ông có quyết định về hưu vì đã đến tuổi theo đúng chế độ. Lên thay ông là người phó giám đốc, vừa kém tuổi, là học trò của ông, lại là cấp dưới suốt mấy chục năm. Khi người này về nhận công tác, ông đã là phó giám đốc. Ông chỉ lên nấc giám đốc trong khi người học trò tiến rất nhanh do là thạc sĩ rồi tiến sĩ. Ông vừa mừng cho cậu học trò mới 40 tuổi đã lên thay mình làm giám đốc, còn mình thì vừa đúng đến tháng tròn 60 tuổi đã về hưu ngay, không được giữ lại thêm ngày nào mà theo thông lệ, người ta vẫn được nấn ná thêm, có khi cả năm. Ông là người hết thời mà.

Thấy sếp đồng thời là thầy cũ của mình có vẻ buồn, người phó giám đốc nghĩ tới việc giữ ông ở lại làm việc theo hình thức hợp đồng, làm một việc nhẹ nhàng nào đó, để ông vui, không có cảm giác hụt hẫng vì phải ngồi nhà suốt quanh năm ngày tháng. Nhưng anh cũng phải đưa ra bàn việc này với bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn và phó giám đốc. 3 người kia có ý ngần ngại, không thuận theo ý người tân giám đốc. Họ cho rằng, vị giám đốc về hưu không có khả năng làm những việc thuộc chuyên môn cụ thể vì lâu nay chỉ quen quản lý, điều hành (vị thuộc típ lãnh đạo không có chuyên môn). Hơn nữa, sẽ chướng vì nếu ở lại, từ vị thế “tướng”, nay thành quân, dưới quyền cậu trò, trước là cấp dưới của mình. Nhưng tân giám đốc vẫn cố thuyết phục mọi người.

Anh nói: “Tôi rất hiểu ý các đồng chí và cũng thấy rõ như vậy. Nhưng thật khó xử khi nguyên sếp của chúng ta có ý muốn vậy và cũng đã nói với tôi. Chúng ta chưa về hưu nên không hiểu được nỗi buồn của người phải rời cơ quan, trở nên nhàn rỗi. Hơn nữa, sếp tuy không giỏi chuyên môn nhưng bao năm qua gắn bó với chúng ta, sống cũng có tình nên giờ đây, ta cũng không thể vô tâm, bỏ qua nguyện vọng của sếp”. Mọi người hiểu tấm lòng của tân giám đốc, muốn ăn ở có tình, ân nghĩa với thủ trưởng cũ nên cũng nể mà chiều theo ý anh.

Thế là, ngay sau đó, vị cựu giám đốc được mời trở lại cơ quan làm việc. Người giám đốc mới lại thấy khó xử vì không thể để ông làm những việc quá nhỏ mọn, mà làm chuyên môn như anh em phòng nghiệp vụ thì vị lại không thể. Vậy nên anh đành phải nghĩ ra công việc cố vấn giám đốc cho ông. Để mọi người thấy ông là “cố vấn” thực sự, tránh cho ông cảm giác mình chỉ là “bù nhìn”, anh đã luôn xin ý kiến ông việc này, việc khác. Nhưng thực ra, hỏi chỉ để hỏi chứ anh không thể thực thi mọi việc theo ý ông vì anh có quan điểm, cách xử lý khác với ông. Và chính ông cũng nhận ra điều đó. Lại còn vấn đề phòng làm việc cho ông. Không lẽ ông đến cơ quan cứ đi lại vật vờ, không có chỗ ngồi cố định? Vậy nên phòng hành chính lại phải bố trí cho ông một phòng đàng hoàng, có đủ các tiện nghi như hồi còn đương chức.

Được mấy tháng, thấy không tiện khi mình chẳng có tích sự gì với vai trò cố vấn, ông chủ động nói với anh để làm bất cứ việc gì khác cũng được. Thế là ông được giao việc sửa lại các văn bản sau khi bộ phận hành chính đã đánh máy. Nhưng mắt đã kém, khả năng ngôn từ, các lỗi chính tả không vững nên ông đã để nhiều sơ sót, khiến người khác lại phải sửa. Nhưng họ đã tế nhị không cho ông biết điều này, coi như ông đã hoàn thành tốt. Họ vừa nể ông, lại vừa nể người giám đốc mới nên cũng không cho anh biết tình trạng trên.

Nhưng công việc nào cũng phải có người chịu trách nhiệm quản lý. Việc của ông nằm trong sự điều hành của một cậu chỉ đáng tuổi con út của ông. Cậu ta rất phiền lòng về việc bác cựu giám đốc luôn làm hỏng việc, nhưng không dám nói. Nhiều khi, ông quên mất mình đã hết vai trò thủ trưởng, đã về hưu nên tỏ ra muốn áp đặt ý của mình khiến anh, chị em cán bộ bị ức chế. Lâu rồi họ cũng đành phải phản ảnh với tân giám đốc. Anh đã thuyết phục họ: “Không phải là tôi không biết những điều anh em nói. Nhưng ta nên thông cảm với bác ấy. Chịu khó sửa lại chẳng đáng gì. Rồi tất cả chúng ta cũng sẽ đến lúc về hưu. Khi ấy ta mới thấu hiểu tình cảnh của những người ở vào hoàn cảnh đó”.

Việc người về hưu còn sức khỏe, muốn tiếp tục làm việc cũng là điều chính đáng và xã hội nên tạo điều kiện để họ tiếp tục đóng góp. Vậy nên Nhà nước mới có chủ trương người về hưu chỉ dừng việc quản lý, còn vẫn có thể tiếp tục mọi công việc theo hình thức hợp đồng. Nhưng phải còn khả năng làm việc thực sự, có hiệu quả và đóng góp thực sự, chứ không thể chỉ là đơn thuần giải quyết quan hệ tình cảm dẫn tới lãng phí nhân sự và ngân sách Nhà nước khi người về hưu không có khả năng làm việc nhưng vẫn phải trả họ mức lương cao, nhất là đối với những người trước đây làm sếp. Trong câu chuyện trên, vị giám đốc về hưu thực sự đã không còn khả năng làm việc vì xưa nay chỉ quen mỗi một việc là quản lý, điều hành, không làm được những việc cụ thể khác. Lẽ ra vị nên tự biết điều đó để không xin ở lại cơ quan làm bất cứ việc gì, gây khó xử cho người giám đốc mới và mất thoải mái cho anh, chị em. Chính vì vậy mà nhiều sếp khi về hưu đã không có ý làm thêm ở cơ quan mình mà tìm việc ở cơ quan khác. Như vậy tế nhị và dễ xử sự hơn.

Lại có không ít trường hợp khi về hưu, các sếp đã gợi ý giám đốc mới (trước là cấp dưới của mình) tặng mình đủ thứ đắt tiền như laptop, điện thoại di động xịn, tivi tinh thể lỏng… hoặc đi du lịch nước ngoài tốn mấy chục triệu khiến người giám đốc mới rất khó xử. Phớt lờ, gạt phăng nguyện vọng của họ thì mang tiếng sống không có tình, thậm chí bị cho là vong ân, bội nghĩa. Nhưng đáp ứng thì vô nguyên tắc, không biết chi khoản tiền đáng kể ấy vào khoản, mục nào theo nguyên tắc tài chính. Lại dễ bị anh chị em trong cơ quan nghĩ là “của người phúc ta”. Có người hễ có việc gì cần đi xa là không dè dặt đặt thẳng vấn đề với cơ quan để dùng ôtô cứ như thời còn đương chức mà họ không biết rằng, ngay lúc đang còn ngự trên ghế quyền lực cũng đã vi phạm quy định của Nhà nước về chế độ sử dụng ôtô.

Người Việt Nam ta luôn đề cao chữ “tình”. Điều này đã dẫn tới việc nhiều khi chữ “lý” bị xem nhẹ, bỏ qua. Mọi chế độ trong các cơ quan Nhà nước đều có những quy định rất rõ ràng, minh bạch. Và tất cả mọi người phải bình đẳng trước mọi quy định đó. Không thể vì nể nang, vì cái gọi là “tình” mà bỏ qua mọi quy định nghiêm ngặt. Cũng có nhiều cán bộ quản lý về hưu đã rất tự trọng để khước từ mọi ưu ái, đãi ngộ hậu hĩnh của người hậu nhiệm, cốt  tiết kiệm cho cơ quan và tránh cho anh chị em sự khó xử không cần thiết. Tình là rất quý, không thể coi nhẹ. Nhưng không thể vì thế mà lại dẫn tới những hệ lụy không đáng có, phương hại đến nhiều điều quan trọng khác, ảnh hưởng đến công việc, sự nghiệp chung.

Nguyễn Hưng

(Năng lượng Mới số 145, ra thứ Sáu ngày 10/8/2012)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc