Nghèo mà thích xài sang

06:45 | 02/10/2013

979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Học sinh các trường phổ thông bước vào năm học mới chưa được 1 tháng nhưng sau buổi họp phụ huynh đầu năm thì các phụ huynh lại thấy băn khoăn, thắc mắc về nhiều khoản đóng góp phát sinh.

Đức Long (NLM số 261)

Trường tiểu học xã Hoằng Trung (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa được công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn II. Để đón mừng sự kiện này, trường đã tổ chức một buổi lễ hoành tráng đến mức ngoài kinh phí địa phương bỏ ra để đón khách, trường còn phải chi thêm gần 20 triệu cho trang trí, văn nghệ… Do thiếu tiền nên nhà trường đã kêu gọi mỗi em học sinh đóng 100.000 đồng.

Trước đó, khi vào học, phụ huynh đã phải đóng nhiều khoản thu bắt buộc rồi nên khiến họ rất bức xúc. Ông Hiệu trưởng còn nói rằng, lúc đầu trường dự định thu mỗi học sinh 200.000 đồng nhưng thấy hội cha mẹ học sinh kêu ca nhiều quá nên chỉ thu 100.000 đồng.

Phòng học trị giá 400 triệu đồng của một trường THPT ở TP HCM

Trường tiểu học Hoằng Trung có 293 học sinh, nếu nói thế, lúc đầu kêu gọi học sinh đóng 200.000 đồng thì số tiền lên đến gần 60 triệu; còn sau đó hạ xuống 100.000 đồng thì số tiền vẫn là gần 30 triệu, trong khi kinh phí cho buổi lễ chỉ hết gần 20 triệu. Như vậy, học sinh mà đóng 200.000 đồng thì sẽ dư ra hơn 40 triệu, tiền ấy sẽ dùng vào việc gì? Dân địa phương còn nghèo, chỉ lo các khoản đóng góp đầu năm đã méo mặt, vừa vào học lại phát sinh lễ đón danh hiệu trường chuẩn và phải bắt buộc nộp một khoản vô lý như thế, ai chả bức xúc. Ông Đào Minh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung thừa nhận: “UBND xã ra quyết định kêu gọi cả 3 trường từ mầm non đến trung học mỗi học sinh đóng 100.000 đồng để hỗ trợ một phần kinh phí cho xã”.

Nghe cũng thật lạ! Học sinh đóng góp xây dựng trường lớp và mua sắm trang thiết bị học tập chứ lại đóng góp hỗ trợ cả kinh phí tiếp khách thì khó chấp nhận. Bởi lãnh đạo xã muốn oai với khách thì phải “liệu cơm gắp mắm”, có thế nào tiếp khách như thế chứ sao lại bắt dân đóng góp để mua vui “một vài trống canh” như thế!

Ở các địa phương, sau khi họp phụ huynh, câu chuyện được bàn tán nhiều nhất hiện nay là việc các trường đua nhau mua sắm các thiết bị dạy học trong lớp, trong đó mỗi phụ huynh phải đóng góp từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.

Tưởng rằng các khoản đóng góp này về lý thuyết là tự nguyện, nhưng để đồng bộ các phòng học trong một trường và công bằng giữa các phụ huynh trong một lớp, phương án được sử dụng nhiều nhất là tính tổng kinh phí rồi chia đều cho số phụ huynh.

Mấy năm trước, nhiều trường đã trang bị màn hình tivi 52 inch nối với máy tính. Lúc đầu lắp 1 máy thì màn hình đặt cạnh bảng, lệch một bên nên chỉ có nửa lớp nhìn rõ. Sang học kỳ 2 thì mua thêm máy nữa, lắp 2 bên. Tuy nhiên, bây giờ học sinh cận thị nhiều, những em ngồi xa vẫn nhìn không rõ, cũng gây ức chế. Tiếp đó, nhiều trường lại chuyển sang vận động học sinh góp tiền mua máy chiếu, tạo nên sự cồng kềnh, vướng víu trong lớp học. Rồi năm nay có nơi lại chuyển sang lắp đặt LCD nối với máy tính, máy tương tác, máy điều hòa nhiệt độ... Cứ đà này, không biết các trường học còn đua nhau mua sắm trang thiết bị gì nữa. Chất lượng dạy và học chẳng biết có nâng lên hay không nhưng trước mắt chỉ khổ cho phụ huynh liên tục phải cắn răng đóng góp.

Đã có một thực tế nhỡn tiền: các học sinh kể lại rằng, có một số thầy cô giáo chưa sử dụng thành thạo trang bị công nghệ thông tin hiện đại nên trong khi thao tác rất lúng túng, mất thời gian tiết học. Thế thì khác nào “Ném tiền qua cửa sổ”, trang bị hiện đại chỉ để cho oai!

Lại có một thực tế nữa là trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học vừa qua, phần lớn học sinh đỗ điểm cao lại là học sinh trường làng. Có em còn phải vừa học vừa lao động cùng bố mẹ kiếm sống, chưa được sở hữu riêng chiếc máy tính bao giờ. Thế thì đâu phải cứ sử dụng công nghệ hiện đại vào lớp học mới học tốt.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cảnh báo rằng: “Khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thầy cô lưu ý phải sử dụng một cách thông minh, nếu không sẽ biến tiết dạy thành ngôn ngữ kỹ thuật thì rất nguy hiểm. Mỗi tiết dạy phải đạt tính khoa học và hiệu quả vì dạy các em là truyền đạt kiến thức đến từng đối tượng học sinh chứ không phải đại trà cả lớp. Dạy học sinh không chỉ cần kiến thức mà còn cả kỹ năng của người thầy. Thái độ tương tác trong lớp học ở đây không phải là giữa máy và học sinh mà là giữa giáo viên và học sinh, nếu lạm dụng máy móc thì tiết học sẽ khô khan, không hiệu quả. Nếu công nghệ thông tin thay thế được thầy cô giáo thì đã thay thế từ lâu rồi và các lớp học sẽ không còn giáo viên đứng lớp”.

Dân ta còn nghèo, các nhà trường và chính quyền địa phương cứ thích sĩ diện, chơi sang như thế thì cũng nguy thật!

Đ.L