Làm lãnh đạo càng cần phải học

07:00 | 06/07/2013

1,616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đối với đội ngũ những cán bộ lãnh đạo quản lý, có lẽ việc phải nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng nên được xem là việc cần làm, nhưng lại phải làm một cách thường xuyên.

Nguyễn Hòa Bình (NLM số 236)

Thế là, câu chuyện của cuộc thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp của các bộ, ngành, mà trước đây vốn được coi là chuyện “trong nhà đóng cửa bảo nhau” cuối cùng cũng được bàn dân thiên hạ biết cả. Tại cuộc họp báo thông báo kết quả 6 tháng đầu năm của Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã công bố khá chi tiết về nội dung cuộc thi này.

Theo con số được ông Tuấn cho biết, tại cuộc thi này, có đến gần 30% thí sinh dự thi không đạt yêu cầu, trong đó 9/22 thí sinh là công chức của ngay Bộ Nội vụ, đơn vị tổ chức cuộc thi, cũng không đủ điểm trúng tuyển. Điều đặc biệt hơn, trong số 30% thí sinh không đạt yêu cầu ấy, hầu hết lại rơi vào đội ngũ lãnh đạo cấp cục, vụ, thậm chí cả cấp tổng cục.

Xem ra, chuyện học hành, thi cử nhiều năm qua hình như do chạy theo thành tích; thậm chí, nếu không muốn nói là theo “phong trào”, nên tỉnh nào, ngành nào chả gắng xin mở lấy dăm lớp đào tạo các kiểu. Cán bộ cũng đua nhau đi học đấy, nên đúng là bằng cấp thì không thiếu một loại nào; chỉ tiếc mỗi một điều là bằng cấp thì nhiều thật nhưng xem ra giao việc gì cho số cán bộ ấy họ cũng làm trầy làm trật mà chẳng việc nào nên chuyện.

Ở nhiều cơ quan, đơn vị, không ít cán bộ được coi là chủ chốt nhưng không hề có đến nửa tấm bằng chính quy, còn bằng tại chức thì dăm ba cái là thường. Từ chuyện mỗi cơ quan, đơn vị được quyền chủ động trong tuyển dụng, xét duyệt biên chế, chuyện học hành cũng biến dạng theo ý cấp trên thật. Anh nào “vừa ý” sếp thì có mà cứ vô tư.

Chưa có bằng THPT ư? Thì sẽ có người giúp cho cái bằng bổ túc. Chưa qua đại học có quan trọng gì, cứ đi học lấy văn bằng hai cho đúng ngạch đã. Người ta có ý chí phấn đấu, sao các anh nỡ hẹp hòi đến mức cản cả đường học tập của họ?

 

Học hành lỗ mỗ thế, học chủ yếu để hợp thức hóa các loại giấy tờ cần thiết theo tiêu chuẩn, do vậy người đi học luôn ở trong trạng thái chống đỡ. Khi việc học không xuất phát từ yêu cầu tự thân, yêu cầu để làm tốt công việc được giao, chắc chắn hiệu quả của việc học ấy cũng không thể tốt là lẽ đương nhiên. Những người đi học kiểu như thế, làm sao mà bảo được họ rằng, phải học hành tử tế mới nên người. Vì thế, nhiều anh lên làm cán bộ, ra khỏi cơ quan cũng oai ra phết, nhưng nếu ai đã từng biết họ đã “lên” bằng cách nào, thì chuyện của họ đúng là có thể viết thành tiểu thuyết theo kiểu trinh thám thật.

Ai đời, leo lên đến cỡ trưởng một phòng quan trọng của một cơ quan, đòi hỏi phải có chữ nghĩa, thế mà viết câu không ra câu, nhầm lẫn đến cả những điều sơ đẳng nhất. Có điều, những anh chị kiểu này, mánh làm tiền của họ lại luôn xếp vào hạng siêu, nên gặp sếp nào mê hơi “đồng” thì quá ấm là đúng. Hơn nữa, mấy anh này cũng nắm khá chắc sở thích của sếp nào “ưa của ngọt”, nên gì chứ chuyện đi rình để vồ sếp, rồi mang vụ việc ấy ra mà khống chế thì vía ông sếp nào dám không bổ nhiệm?

Cũng có lẽ vì sớm nhận ra nhu cầu học tập của mọi người, các trường dân lập cũng mọc lên như nấm. Nhưng, sau nhiều năm đào tạo rồi cũng đến lúc xã hội nhìn ra lỗ hổng quá lớn của tấm bằng này. Một số tỉnh, thành phố đã đưa ra quy định không nhận vào các cơ quan Nhà nước những người tốt nghiệp các trường đại học dân lập. Và, dư luận lại thêm một lần chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa về câu chuyện học hành, bằng cấp. Chưa rõ kết quả đi đến đâu, nhưng rõ ràng, ngay cả nhiều lớp tại chức cũng thưa dần chứ đừng nói đến mấy trường dân lập. 

Lại nói tiếp về chuyện học. Xưa các cụ đi học, không kể thời kỳ phong kiến, mà ngay cả trong thời tây học, ai đã may mắn được theo nghiệp bút nghiên rồi, dứt khoát đều gắng mà dùi mài kinh sử, học cho ra học để không phụ công nuôi nấng của cha mẹ, rồi sự kỳ vọng của cả dòng tộc. Khi đỗ đạt mà ra làm quan rồi lại lăn vào đời sống thực tế mà học nữa, nên cứ bảo sao các cụ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, ứng xử đâu vào đấy, không chỉ con cháu trong họ nể sợ mà bàn dân thiên hạ cũng lấy đó làm gương.

Cũng lại nói về chuyện học, nhiều bậc lãnh đạo tiền bối của nước ta đâu có điều kiện học qua trường lớp có tên tuổi nào, nhưng các cụ cứ vừa làm vừa học, rồi học ngay trong thực tiễn công tác, rồi lại biết lắng nghe ý kiến của những người được coi là hiền tài trong nước, nên khó như đi làm cách mạng mà các cụ vẫn vượt được. Chẳng lẽ cuộc đời của các cụ không là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo hay sao? Thêm nữa, ngay cả trong một số lĩnh vực đòi hỏi năng khiếu, chuyện phải có mảnh bằng này, tấm giấy chứng nhận kia đôi khi lại cũng trở nên hình thức, gây khó dễ cho người thực sự có tài năng.

Nhưng, đấy là chuyện của thời kỳ quá độ. Bây giờ, khi mà mọi thứ đều đang cần chuẩn hóa, dứt khoát không thể đem chuyện của hôm qua ra mà áp vào thực tế hôm nay được. Là người cán bộ lãnh đạo quản lý, chắc chắn không ai không biết những tiêu chuẩn cần và đủ (trong đó có tiêu chuẩn: phải có năng lực chuyên môn nghiệp vụ) khi mình đã vinh dự được chọn đứng vào danh sách ấy.

Tuy nhiên, khi mà yêu cầu công việc ngày một cao hơn, chắc chắn việc trau dồi nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn là điều cần được làm một cách thường xuyên. Và, điều này lại chỉ có thể có được khi mỗi người cán bộ lãnh đạo quản lý biết mình cần phải học thêm những gì.

Chuyện học, từ xưa đến nay đã bao giờ ai dám kêu là đủ, bởi thế chắc cũng chẳng vị cán bộ lãnh đạo quản lý nào dại dột mà kêu cần gì phải học. Chỉ có điều, đã là cán bộ lãnh đạo quản lý thì cần biết mình phải học thêm những gì để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc chuyên môn mà mình đang đảm trách.

Hơn nữa, đã là cán bộ lãnh đạo quản lý, thì dù công tác ở Trung ương hay địa phương, chắc ai cũng biết tiêu chuẩn quan trọng nhất là phẩm chất chính trị. Tiêu chuẩn này đã bao hàm cả việc đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo quản lý phải hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, do đó việc họ phải không ngừng học tập để nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ là lẽ đương nhiên.

Câu chuyện về cuộc thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp mà lãnh đạo Bộ Nội vụ vừa thông báo, chẳng lẽ lại không là hồi chuông cảnh báo về một thực trạng đáng lo ngại của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của chúng ta hiện nay? Liệu rằng, với đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý như thế, cùng đội ngũ công chức, viên chức được tuyển dụng khá ồ ạt những năm gần đây, nền hành chính nước nhà sẽ chuyển động thế nào? Bởi hầu như, không năm nào chúng ta không nói đến chuyện tinh giản biên chế, nhưng biên chế thì ngày một phình to do cơ quan nào chẳng đẻ ra được những “mô hình mới” để hợp thức hóa số biên chế vừa tăng?

Cũng có lẽ vì thế, câu chuyện về việc đề cao trách nhiệm cá nhân quan chức, cộng với việc cần nâng cao “quan trí” phải được bắt đầu từ chính mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý. Và, đối với đội ngũ những cán bộ lãnh đạo quản lý, có lẽ việc phải nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng nên được xem là việc cần làm, nhưng lại phải làm một cách thường xuyên.

N.H.B

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc