Hội chứng "báo cáo láo"

12:39 | 22/09/2013

1,048 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một điều dễ nhận thấy là báo cáo về các sự cố của địa phương gửi lên cơ quan trung ương bao giờ cũng “nhẹ nhàng, đơn giản” hơn rất nhiều so với sự thật và nỗi bức xúc của dư luận. Nghệ thuật “nói giảm, nói tránh, đơn giản hóa vấn đề” đang được các quan chức địa phương áp dụng triệt để.

Lực lượng PCCC Hải Dương bất lực trước đám cháy.

 

Mới đây nhất là vụ tỉnh Hải Dương báo cáo lên Văn phòng Chính phủ về công tác phòng cháy chữa cháy trong vụ hỏa hoạn ở Trung tâm thương mại tỉnh. Báo cáo đã trình bày sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng PCCC Hải Dương chống chọi lại “giặc lửa”.

Theo bản báo cáo thì vào khoảng 03h20, tổ bảo vệ TTTM gồm 6 người đi tuần tra đã phát hiện ra đám cháy tại ki ốt bán vải ở tầng 1. Sau khi thực hiện các biện pháp chữa cháy tại chỗ, tổ bảo vệ đã báo về phòng cảnh sát PCCC Công an tỉnh, ban quản lý chợ và lãnh đạo thành phố.

Báo cáo còn nhấn mạnh việc UBND tỉnh Hải Dương huy động toàn bộ lực lượng cứu hỏa của tình cùng sự hỗ trợ của lực lượng cứu hỏa tỉnh Hưng Yên… tham gia cứu hộ. Tuy nhiên do không gian TTTM quá lớn, trong chợ nhiều mặt hàng dễ cháy nên công tác cứu hỏa gặp nhiều khó khăn. Đến 8h sáng, đám cháy cơ bản được dập tắt.

Tinh thần bản báo cáo này khác hẳn với những gì mà các cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh những ngày sau vụ cháy. Báo cáo cũng không nói gì đến nỗi bức xúc của người dân về sự chậm trễ, thiếu tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC Hải Dương. Không nói đến việc đám cháy bùng lên lúc 1h, người dân thông báo mà đến 3h lực lượng PCCC mới có mặt và “đánh nhau” với giặc lửa.

Thật ra, việc xác định đám cháy bùng lên mấy giờ? Có bao nhiêu cuộc điện thoại gọi báo cháy? Ai là người phải phóng xe máy đi gọi PCCC? Rồi lúc đầu có mấy xe đến, xe nào không có nước… là chuyện chẳng khó khăn gì? Chỉ có điều là người ta có muốn làm cho “ra nhẽ” hay không mà thôi?

Còn về logic, không có  lẽ gì đám cháy bùng lên từ hơn 1 giờ sáng, mà đến hơn 3 giờ, Cảnh sát PCCC Hải Dương mới nhận được tin.

Ai mà không đọc báo, chỉ xem qua công văn này, có khi đề nghị khen thưởng gấp cho lực lượng cảnh sát PCCC Hải Dương!

Trước đó Hải Dương cũng từng gây sốc cho dư luận bằng cáo cáo về tình hình đốt pháo. Sau Tết Nguyên đán (2/2013), các báo ồn ào chuyện đốt pháo ở Hải Dương. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương Hoàng Khương đăng đàn phát ngôn chắc như đinh đóng cột: "Lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra đón giao thừa, đón xuân ở các địa phương không có đồng chí nào phản ảnh hiện tượng đó. Theo yêu cầu của Chính phủ, chúng tôi đã báo cáo lên Chính phủ là không có hiện tượng đốt pháo".

Trong khi đó, chính cơ quan ngôn luận của tỉnh Hải Dương (Báo Hải Dương) đăng ảnh xác pháo đỏ rực cả con đường.

Xác pháo đỏ rực đường phố Hải Dương vào dịp tết.

Hội chứng “báo cáo láo” này không chỉ xuất hiện ở Hải Dương mà lan vào tận Bình Phước.

Sau khi PetroTimes đăng tải thông tin về vụ “Dược sỹ chống tiêu cực được VTV vinh danh bị hành hung”, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Bình Phước xử lý thấu đáo vụ việc và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ. Vậy mà hết lần này đến lần khác, lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo ngược hẳn với sự thật, quy lỗi cho người tố cáo, gây sức ép và dần dần là sa thải luôn gương điển hình chống tiêu cực.

Vì sao căn bệnh “báo cáo láo” lại lan truyền một cách nguy hiểm như vậy? Câu trả lời nằm ở chính sự quan liêu, tắc trách và sợ ảnh hưởng đến thành tích của lãnh đạo địa phương.

Quy trình xử lý “nỗi bức xúc” của dư luận như sau: Khi người dân bức xúc, các phương tiện truyền thông, báo chí đăng tải, các cơ quan cấp trung ương lập tức yêu cầu các địa  phương báo cáo tình hình.

Nhận được “trát” của trung ương, địa phương mới cuống cuồng giải quyết. Ông Chủ tịch tỉnh vốn bận “trăm công nghìn việc” nên chỉ thị cho Chánh Văn phòng. Chánh Văn phòng với chức năng “chim đưa thư” liền “kính chuyển” sang cơ quan chuyên môn là các Giám đốc Sở.

Giám đốc Sở lại “ký nháy” vào góc văn bản, giao cho Phó giám đốc phụ trách chuyên môn giải trình. Ông Phó giám đốc Sở lại “chỉ thị” cho ông Trưởng phòng - Trưởng phòng lại “forward” sang một “cậu chuyên viên” nào đó theo dõi lĩnh vực làm văn bản giải trình.

Với các vụ việc theo ngạch chính quyền địa phương thì người giải trình có khi lại là “cậu văn thư xã”.

Bản giải trình của “cậu chuyên viên” “cậu văn thư xã” lại lần lượt đi ngược quy trình như trên và cuối cùng được gửi lên cơ quan trung ương. Như vậy, quan điểm của chính quyền cả một địa phương đơn giản chỉ là trí tuệ và cách hiểu ở cấp thấp nhất của “cậu chuyên viên” “cậu văn thư xã”.

Bản giải trình qua mỗi khâu, mỗi cấp lại được “đơn giản hóa” thêm một tý. Thế là cuối cùng, cơ quan trung ương nhận được báo cáo “đẹp và đơn giản” không thể tưởng tượng nổi. Quy trình báo cáo đi lòng vòng phải mất cả tháng trời, nỗi bức xúc của dư luận cũng “nguôi” gần hết!

Người ta vẫn nói vui “không ai đánh thuế thằng nói phét” - Tuy nhiên, khi đã là cơ quan công quyền, đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì mỗi lời nói, phát ngôn đều phải chuẩn mực, đúng sự thật.

Ở nước ta, chưa có chế tài xử lý những người không trung thực, nhưng các quan chức chắc chắn họ đều là Đảng viên. Trước khi kết nạp Đảng, hẳn không ai quên lời tuyên thệ “Trung thực với Đảng”.

Với các quan chức “báo cáo láo”, chắc chắn, họ đã vi phạm lời thề!

 

Hoàng Thắng