Để người lao động giảm đình công

06:44 | 09/04/2014

1,008 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tất cả hơn 5.000 cuộc đình công xảy ra trên cả nước từ năm 2006 đến nay không có cuộc nào diễn ra theo đúng trình tự quy định của pháp luật”. Đó là thông tin của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đưa ra tại Hội thảo Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển quan hệ lao động tại một số tỉnh, thành phố, diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Năng lượng Mới số 310

Đình công cũng chính là vấn đề nóng nhất của quan hệ lao động trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục kéo dài khi mà Việt Nam vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, số lượng doanh nghiệp cũng như người lao động ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, các điều khoản điều chỉnh quan hệ chủ - thợ trong luật lao động vẫn còn khoảng cách khá xa so với thực tiễn triển khai.

“Vai trò hòa giải, thương lượng khi xảy ra tranh chấp của tổ chức công đoàn và hòa giải viên lao động quá kém, không hiệu quả nên người lao động đương nhiên sẽ chọn đường tắt là đình công trái luật để đấu tranh nhằm đạt được quyền lợi với giới chủ là điều dễ hiểu”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ lao động Nguyễn Mạnh Cường lý giải.

Công nhân Công ty TNHH Shilla Bags Việt Nam ngừng việc… đòi quyền được đi vệ sinh

Theo chuyên gia này, có 5 lý do. Đó là, cơ quan Nhà nước và các thiết chế quan hệ lao động chưa phát huy được hiệu quả trong việc điều chỉnh, dẫn dắt, quản lý và thúc đẩy quan hệ lao động. Làm sao tránh đình công khi chủ doanh nghiệp cấp thẻ đi vệ sinh theo giờ cho công nhân, nhất là công nhân nữ? Hoạt động đối thoại, thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể mang nặng tính hình thức, đối phó, làm mất đi vai trò là hình thức tương tác căn bản của quan hệ lao động. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động chưa hỗ trợ cho quan hệ lao động lành mạnh. Chuyên gia nhấn mạnh, nhiều điều khoản luật điều chỉnh quan hệ lao động chỉ mang tính giải pháp tình thế, cũng như không ít điều mang nặng tính hình thức nên cần sớm được thay thế hoặc loại bỏ.

Chính vì thực trạng đó, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đề nghị, cần sớm hoàn thành xây dựng và thực hiện thí điểm Đề án Phát triển quan hệ lao động tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương nhằm rút kinh nghiệm để triển khai đại trà. Theo đó, phấn đấu đến 30/6 sẽ hoàn thành việc ký thông qua đề án tại 5 địa phương nói trên với mục tiêu tạo được mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh trong vòng 6 năm (2014-2020). Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mục tiêu đó là bất khả thi. Đề án nên đặt mục tiêu chính là tìm ra các biện pháp thực hiện thay vì đặt mục tiêu bao giờ đề án được thông qua, cũng như đưa ra những con số mục tiêu tuyệt đối.

Hiện nay, không nước nào có thể tạo ra được một quan hệ lao động hài hòa trong 6 năm mà việc đó giống như xây một cao ốc. Muốn có nhà cao trước hết phải có nền móng tốt, mà ở đây là các biện pháp thực hiện làm sao để nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn, đại diện cho quyền lợi của người lao động chứ không phải công đoàn cho chính giới chủ dựng lên; hay nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo quyền lợi công bằng cho cả người lao động và giới chủ. “Nếu Đề án có đưa ra con số mục tiêu tuyệt đối, chẳng hạn như 50-70% doanh nghiệp có ký kết thỏa ước lao động tập thể, thậm chí cao hơn cũng không khó thực hiện nếu như chỉ ký kết cho có còn người lao động không được góp ý vào đó thì hoàn toàn chỉ mang tính hình thức.

Theo các chuyên gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tế triển khai thí điểm ở Bình Dương cho thấy, để xuống tận nơi, hỗ trợ người lao động trong từng doanh nghiệp bầu ban chấp hành công đoàn cơ sở, không có sự can thiệp của giới chủ, nâng cao năng lực công đoàn cơ sở để xây dựng thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi xảy ra tranh chấp rất mất thời gian. Cả năm chỉ làm được 10 đơn vị là nhiều. Vì vậy, mục đích chính của đề án nên bắt đầu từ việc thí điểm từng công việc cụ thể, tìm ra cách làm hiệu quả nhất để nhân rộng. Trong đó, thay vì các cơ quan quản lý Trung ương chỉ đưa ra văn bản chỉ đạo mục tiêu nên lấy kinh nghiệm từ thí điểm, chỉ rõ cụ thể công việc, trách nhiệm của từng cơ quan cấp địa phương trong tham vấn, đối thoại ba bên cấp khu công nghiệp hoặc cấp ngành địa phương mới có thể thay đổi được quan hệ lao động trên diện rộng. Và lúc đó mới hạn chế được các cuộc đình công do không hòa giải được giữa giới chủ và người lao động.

Phan Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc