Các quan đâu rồi? 1

08:52 | 06/08/2012

2,707 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ai kêu ca thì bị đuổi việc liền. Các quan đâu rồi? Cầu mong Luật Lao động và Luật Công đoàn sớm đi vào cuộc sống!

Luật Công đoàn đang được nghiên cứu sửa đổi. Không phải ngẫu nhiên mà Quốc hội bàn thảo nhiều về địa vị pháp lý của công đoàn, nhiều đại biểu nhất trí với quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là đại diện cho những người lao động, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…" Thế nên chuyện công nhân Việt Nam ở các doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn bị chủ doanh nghiệp FDI ngược đãi đã xưa như trái đất. Nơi này không chịu ký hợp đồng dài hạn, tăng giờ làm, tăng ca, cấp phiếu đi vệ sinh, nơi kia cúp tiền thưởng và cấp suất ăn ca mạt hạng bởi cơm hẩm, thức ăn có dòi… đều không có tiếng nói của tổ chức công đoàn. Nếu kêu ca là bị đuổi việc.

Đại bộ phận công nhân ở các doanh nghiệp FDI không được tham gia tổ chức công đoàn

Trong một vụ việc xảy ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cả trăm công nhân Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành) đồng loạt bỏ ăn vào trưa 30/5/2012 vì phát hiện trong món chả cá viên dòi bò lúc nhúc.

Một số chị em đã nôn ói tại chỗ. Hàng trăm công nhân không ăn cơm mà bỏ về nghỉ trưa. Sau đó, Ban Giám đốc công ty đành phải cho tất cả công nhân nghỉ làm ca chiều. Vụ việc cũng chìm nghỉm khi những suất thức ăn có dòi này bị phi tang và hôm sau công nhân lại đi làm bình thường. Không có thông tin về việc xử lý nhà ăn để thức ăn có dòi. Vụ việc chìm vào im lặng đáng sợ.

Mới đây, công nhân Công ty Sumi Việt Nam, khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam phản đối thức ăn có dòi đã bị đuổi việc ngay sau đó. Công ty Sumi Việt Nam đã lần lượt đuổi 8 công nhân là những người đã phát hiện và đấu tranh trong vụ thức ăn có dòi.

Vụ việc liên quan đến thức ăn siêu bẩn ở công ty này xảy ra vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 25/6. Trong bữa cơm trưa, một nữ công nhân phát hiện trong món canh chuối đậu nấu mẻ có dòi còn sống. Tiếp theo, nhiều công nhân khác ở căng tin này và cả căng tin số 2 cũng thấy có dòi bò lúc nhúc trong khay thức ăn.

Thấy vậy, công nhân đồng loạt phản đối và không ăn cơm. Ban Giám đốc công ty đã xuống nhận lỗi vì nhà bếp sơ suất và hứa sẽ sửa sai. Tuy nhiên, 3 ngay sau, trong bữa cơm trưa ngày 28/6, công nhân công ty này lại phát hiện trong món cá kho có dòi. Điều tệ hại là sau hai bữa ăn có dòi trong suất ăn, Ban Giám đốc Công ty Sumi Việt Nam lại đưa ra thông báo với các yêu cầu hết sức vô lý. Trong đó, có nội dung quy định rằng, nếu công nhân phát hiện thức ăn có vấn đề gì thì mang suất ăn đến người kiểm tra để đổi, không được tự ý kêu ca và lôi kéo mọi người bỏ ăn gây ảnh hưởng đến tình hình chung.

Sự việc trên càng trở nên bức xúc hơn khi những công nhân phát hiện trong cơm có dòi lên tiếng phản đối đã bị đuổi việc. Những người bị sa thải không giấu nổi bức xúc khi nói với các nhà báo rằng, họ phản đối việc nhà bếp nấu ăn mất vệ sinh là đúng pháp luật mà lại bị đuổi việc với lý do thiếu việc làm trong khi vẫn dán thông báo tuyển dụng lao động tại cổng công ty. Đây thực chất là việc đơn phương hủy hợp đồng lao động nhằm trừng phạt những ai dám chê cơm công ty.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc đuổi công nhân của Công ty Sumi Việt Nam là hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên, chưa có động thái nào của cơ quan chức năng như y tế làm rõ trách nhiệm trong vụ thức ăn liên tiếp có dòi và công đoàn lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Vụ việc xảy ra trên địa bàn nhưng Trung tâm Y tế huyện, đơn vị có trách nhiệm phối hợp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm không hề hay biết. Còn công đoàn các khu công nghiệp cũng trả lời rằng không nhận được báo cáo?!

Các cán bộ công đoàn cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu tập thể công nhân là vấn đề phức tạp. Một phần vì mức chi ăn ca thấp, nguồn thực phẩm khó đạt tiêu chuẩn và còn do những kẻ hám lợi làm ăn bất chính.

Nếu báo chí không lên tiếng, các quan chức đâu có biết chuyện cấp phiếu đi vệ sinh, khám xét thân thể nữ công nhân và thức ăn có dòi... Rất nhiều nơi không có tổ chức công đoàn mà có cũng như không, bởi cán bộ công đoàn ăn lương của chủ công ty, không dám lên tiếng! Vậy nên với thân phận rẻ rúng, người lao động ở các doanh nghiệp FDI được bố thí những suất cơm không sao nuốt nổi. Ai kêu ca thì bị đuổi việc liền. Các quan đâu rồi? Cầu mong Luật Lao động và Luật Công đoàn sớm đi vào cuộc sống!

Thọ Vinh

(Năng lượng Mới số 143, ra thứ Sáu ngày 3/8/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc