Ai tiếp bước mùa thu Cách mạng?

05:00 | 31/08/2013

969 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ lớp trẻ làm nên Cách mạng mùa thu tháng Tám, nhiều thế hệ đã viết tiếp những trang sử cách mạng mới. Và tương lai của đất nước vẫn đặt niềm tin vào lớp trẻ nhưng lớp người đi trước phải luôn tự răn mình: Hãy là tấm gương cho lớp trẻ noi theo!

Bùi Đức (NLM số 252)

Sau 80 năm sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tháng 8/1945, toàn dân Việt nam đã nhất tề nổi dậy, giành lấy chính quyền. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đánh giá: “Với Cách mạng Tháng Tám - mùa thu, Việt Nam nhảy vọt sang kỷ nguyên Dân chủ Cộng hòa. Mười hai ngày thôi, cách mạng thành công trên cả nước. Trong nắng thu vàng rực, từ Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cất cao lời “Tuyên ngôn độc lập”.

Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng 8/1945 đã trở thành hành trang, thành động lực thôi thúc, thành tư tưởng và ngọn đuốc soi đường, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tư tưởng của Người, chúng ta đã giành thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Tinh thần và ý chí quật cường của Cách mạng Tháng Tám tiếp tục đưa nhân dân ta đạt nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế Việt Nam.

Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh

Một điều đáng chú ý trong Cách mạng Tháng Tám là vai trò của lực lượng thanh niên yêu nước ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Từ thành thị đến nông thôn, thanh niên đã nô nức tự nguyện tham gia cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ, nhận và hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì do tổ chức cách mạng phân công. Và ngay sau khi giành được chính quyền, chính lực lượng thanh niên ấy đã tiên phong gánh vác những trọng trách vẻ vang của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ. Nhiều người đã đảm đương chức vụ cao như bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến khi mới ở tuổi đôi mươi. Khi mới thành lập, Đảng ta có Tổng bí thư Trần Phú 26 tuổi, Bí Thư xứ ủy Nam Kỳ Ngô Gia Tự 24 tuổi. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vị Bí thư thành ủy đầu tiên của Hà Nội là đồng chí Nguyễn Quyết mới 23 tuổi. Một số vị lãnh đạo tiền bối ấy hôm nay vẫn còn tiếp tục cống hiến trí tuệ, tài năng cho đất nước. Đó là sự kế thừa truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc ta mà thế hệ nào cũng có.

Trên nhiều lĩnh vực hoạt động, tuổi trẻ Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang bằng mồ hôi, công sức và nhiệt huyết của mình. Biết bao tấm gương oanh liệt đã được sử sách ghi danh, truyền lại cho thế hệ sau ngọn lửa nhiệt tình cách mạng. Từ Trần Quốc Toản, Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu đến Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… Chính có sự kế tiếp truyền thống cha ông đó mà chúng ta mới có những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ và đỉnh cao huy hoàng là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn cách mạng mới hôm nay, với hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thế hệ trẻ Việt Nam đang tiếp tục phấn đấu, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, thể thao và âm nhạc; đặc biệt, có những thành tựu mang tầm quốc tế.

Tương lai tươi sáng của dân tộc trông chờ vào sự cống hiến của tuổi trẻ. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Và từ mùa thu cách mạng đến nay, lớp lớp thanh, thiếu niên Việt Nam đã học tập và làm theo lời Bác dạy, không ngừng phấn đấu vươn lên, làm rạng danh thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Từ một đất nước nô lệ, phần lớn dân số mù chữ, ngày nay chúng ta đã xây dựng được một xã hội học tập với tỷ lệ người tốt nghiệp đại học và cao đẳng khá cao. Từ một nước nông nghiệp nghèo đói, hôm nay chúng ta đã vươn lên bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và còn trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới. Mục tiêu mà Bác Hồ hằng mong ước “dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành” đã trở thành hiện thực.

Sau bao cuộc binh đao khói lửa, chúng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Và trước mắt là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt ra cho thế hệ trẻ trọng trách nặng nề. Đó là lớp người có trình độ chuyên môn, hàm lượng chất xám cao để đảm đương và hoàn thành mọi nhiệm vụ dựng xây đất nước. Phần lớn thanh niên đã tự giác rèn luyện, học tập và phấn đấu.

Nhưng, đáng tiếc, bên cạnh đó còn một bộ phận thanh niên bị mất phương hướng, sống ích kỷ, thực dụng, gây nhiều tiêu cực, bất ổn trong xã hội. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong mấy chục năm qua. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng hiệu quả không như mong muốn. Nguyên nhân cũng được phân tích, mổ xẻ nhưng vẫn là luẩn quẩn ở tình trạng “cha chung không ai khóc”. Có người đổ lỗi cho gia đình, có người đổ lỗi cho nhà trường và số còn lại đổ lỗi cho xã hội. Cả 3 nguyên nhân trên đều đúng nhưng cái nguyên nhân sâu xa thì hầu như mọi người cũng biết nhưng còn né tránh, không dám thẳng thắn chỉ ra. Đó là sự gương mẫu trong lối sống và cách ứng xử của lớp người đi trước.

Trong nhận thức của giới trẻ, người lớn là hình mẫu, là tấm gương để noi theo. Nhưng không ít người lớn nói không đi đôi với làm, có nhiều biểu hiện khuất tất, gian dối nhằm mục đích vụ lợi thì trong bối cảnh chạy theo đồng tiền hôm nay, làm sao thuyết phục được lớp trẻ. Từ việc mua bằng cấp giả, chạy chức chạy quyền, đấu đá nội bộ đến tham ô tham nhũng, làm giàu bất chính, tranh giành nhau từng centimét đất ở… cứ diễn ra hằng ngày, đập vào mắt con trẻ. Điều đó tác động tức thì, ghi đậm vào tư duy và dẫn đến hành động tiêu cực của lớp trẻ. Ở nhà thì chúng nhìn vào bố mẹ và những người hàng xóm; đến trường thì tiếp xúc thầy cô giáo; ra đường thì chứng kiến đủ mọi tầng lớp, hạng người với nhiều chuyện tiêu cực tác động.

Như vậy, những thanh, thiếu niên thiếu bản lĩnh, thích ăn chơi đua đòi, lười lao động và học tập thì làm sao không bị “nhuốm chàm”? Lối sống quái dị, lố lăng, coi thường pháp luật lộng hành, số thanh niên phạm tội hình sự gia tăng. Nhưng cái sâu xa hơn, đáng lo ngại hơn là những thanh niên sống thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống, không còn ước mơ, lý tưởng và đặc biệt là mất niềm tin. Họ đã phủ nhận tất cả để trở thành người sống ngoài xã hội, không cần biết, không cần quan tâm đến ai. Thật bi đát! Với chế độ xã hội ưu việt như hôm nay, chúng ta không thể buông xuôi những con người lầm đường lạc lối như vậy. Phải đưa họ về với quỹ đạo của cuộc sống cộng đồng. Nhưng ai sẽ làm được điều đó và làm thế nào?

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Cuộc sống quanh ta luôn luôn có những tấm gương bình dị mà cao quý, những con người rất đỗi bình thường luôn sống vì mọi người. Nhưng những tấm gương đó chưa được nhân rộng và chưa đủ sức lan tỏa, cuốn hút mọi người noi theo. Vấn đề là ở chỗ, như trên đã nói, phải là sự gương mẫu của các bậc phụ huynh - những người gần gũi, gắn bó máu thịt với con em mình. Nếu phụ huynh không là gương sáng thì không thể truyền lại cho con em mình lối sống hợp đạo lý làm người.

Từ lớp trẻ làm nên Cách mạng mùa thu tháng Tám, nhiều thế hệ đã viết tiếp những trang sử cách mạng mới. Và tương lai của đất nước vẫn đặt niềm tin vào lớp trẻ nhưng lớp người đi trước phải luôn tự răn mình: Hãy là tấm gương cho lớp trẻ noi theo!

B.Đ