Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”: Khơi dậy sáng kiến trẻ về bảo vệ môi trường
. |
Ngày 05/11, cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp cùng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức đã bước vào giai đoạn quan trọng nhất - Vòng chung kết.
Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật” |
Cuộc thi không chỉ là nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với môi trường. Tại đây, các thí sinh đã có cơ hội đưa ra những sáng kiến thực tiễn nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến nông nghiệp bền vững, đặc biệt là trong việc giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ và khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Khơi dậy sáng kiến trẻ
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Phạm Văn Sơn - Trưởng ban tổ chức cuộc thi chia sẻ: Sự nghiệp bảo vệ môi trường không phải là việc riêng của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, mà đó phải là hành động chung của cả cộng đồng và bắt đầu từ sự hiểu biết và nhận thức. Hơn nữa, các em sinh viên tuy không có đủ điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu như các các chuyên gia, các nhà khoa học, nhưng lại là những người mang trong mình nhiều sáng kiến độc đáo, mới mẻ và cần thiết với thời đại mới.
“Sự tham gia của các em không chỉ đóng góp những sáng kiến đầy sáng tạo cho chương trình mà còn là nguồn động lực để các chương trình về bảo vệ môi trường tiếp tục có sức ảnh hưởng nhất định để tiếp tục tạo ra những giá trị dù nhỏ bé nhưng phi thường”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Phạm Văn Sơn phát biểu khai mạc vòng chung kết cuộc thi. (Ảnh: TU) |
Vai trò của các tổ chức giáo dục và môi trường
Cũng trong phần phát biểu khai mạc, ông Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam, Giám đốc Dự án "Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu, đề xuất áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của đốt rơm rạ ngoài trời và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam" cho hay: Đây là bước khởi đầu để triển khai các dự án hiệu quả về bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao nhận thức của các em học sinh, sinh viên trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam. Điều này khẳng định vai trò tiên phong và dẫn dắt của các tổ chức môi trường và các cơ sở giáo dục nhằm khơi dậy ở thế hệ trẻ sự tham gia và trách nhiệm nhằm đóng góp ý tưởng cho các giải pháp xanh, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một môi trường bền vững.
Ông Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường Việt Nam. (Ảnh: TU) |
Tại vòng chung kết của cuộc thi, các thí sinh từ 10 đội thi xuất sắc nhất đã thuyết trình và bảo vệ ý tưởng của mình trước Hội đồng ban giám khảo thông qua những sáng kiến bao gồm gồm: “Giải pháp giải quyết lượng rơm, rạ dư thừa giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương” - Nhóm Trường học xanh; “Giấy Rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” - Nhóm Chuyến đi của Rơm; “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc - Giải pháp nông nghiệp tương lai” - Đào Thị Thu Hương; “Làm lương khô từ rơm” - Nhóm D1; “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” - Nhóm Straw Wood; “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá Xoan ta để kiểm soát Sâu Tơ hại Bắp cải và Rệp Xám hại Cải xanh” - Nhóm Lyole; “Từ rơm thành giấy” - Nhóm Sắc Lúa; “Viên nén rơm rạ - từ rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hiệu quả với môi trường” - Nhóm DTH; “Dự án máy cắt trộn rơm rạ” - Nguyễn Thị Thùy Linh; “Từ rơm vàng đến lụa xanh” - Mai Nguyễn Phương Nhi.
Những ý tưởng xuất sắc nhất đã được Hội đồng Ban giám khảo bao gồm các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp bền vững lựa chọn, với tiêu chí chính là thực tiễn, góp phần những giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay, hướng đến một tương lai xanh, bền vững cho Việt Nam.
Giải Nhất cuộc thi được trao cho sáng kiến “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” của nhóm Straw Wood đến từ Đại học Trà Vinh. Giải Nhì thuộc về bài “Giấy Rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” - Nhóm Chuyến đi của Rơm đến từ Đại học Khoa học Huế.
Có 3 bài thi đồng giải Ba là bài “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc - Giải pháp nông nghiệp tương lai” của bạn Đào Thị Thu Hương đến từ Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội; Bài “Làm lương khô từ rơm” của nhóm D1 đến từ Đại học Hòa Bình; Bài “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá Xoan ta để kiểm soát Sâu Tơ hại Bắp cải và Rệp Xám hại Cải xanh” của nhóm Lyole đến từ trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đội thi Straw Wood đạt giải Nhất với sáng kiến Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm. (Ảnh: TU) |
Ngoài các sinh viên đại học, cuộc thi có sự tham gia của các học sinh cấp THCS, THPT. (Ảnh: TU) |
Cuộc thi mang lại hy vọng về một thế hệ trẻ có ý thức sâu sắc và trách nhiệm đối với môi trường. Từ đây, chúng ta không chỉ kỳ vọng vào những sáng kiến mới mẻ và thiết thực để giải quyết các vấn đề nông nghiệp bền vững mà còn đặt nền móng cho việc lan tỏa trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng. Thông qua cuộc thi, thế hệ trẻ sẽ phát triển các kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và giải pháp thực tiễn, góp phần xây dựng xã hội xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cuộc thi cũng là bước khởi đầu cho cam kết lâu dài của các tổ chức trong việc hỗ trợ và triển khai các dự án môi trường bền vững trong tương lai.
Tú Uyên
-
[P-Magazine] Kỳ I: Ý thức giữ gìn môi trường biển của những người kỹ sư lọc dầu
-
Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
-
Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh
-
Bài 2: Chung tay "xanh hóa" Thủ đô sau bão Yagi
-
Bài 1: Sự tàn phá của "siêu bão"
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Chương trình “đổi rác lấy quà” tại xã đảo Long Sơn
-
Hà Nội sẽ sử dụng 100% xe buýt điện, năng lượng xanh vào năm 2035
-
[VIDEO] Trồng nho dưới pin mặt trời, sản xuất ra những chai vang vị ngon bất ngờ
-
Cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành”: Khơi dậy sáng kiến trẻ về bảo vệ môi trường
-
Bà Rịa-Vũng Tàu: Lễ ra quân thực hiện “Tết trồng cây 2024” tại xã đảo Long Sơn