ĐBQH bàn giải pháp hạn chế vi phạm giao thông

17:47 | 03/11/2013

2,020 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng người dân “vô tư” vi phạm Luật giao thông, dẫn đến tình hình tai nạn giao thông xảy ra ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đưa ra những giải pháp nhằm “đánh” trực tiếp vào tư duy cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông…

Dẫn chứng từ những chuyến công tác nước ngoài, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho hay, các quốc gia láng giềng đang đẩy rất mạnh các chế tài xử lý vi phạm hành chính, nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông.

“Chúng ta có dám phạt 2000 USD nếu lái xe uống rượu khi tham gia giao thông không?” Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đặt vấn đề trong buổi thảo luận tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung phòng, chống vi phạm pháp luật. “Chúng ta có dám đưa người vi phạm Luật giao thông đi lao động công ích ngay sau khi vi phạm không, kể cả cán bộ công nhân viên chức Nhà nước không? Tình trạng vi phạm giao thông là nguyên nhân đẩy thực trạng tai nạn giao thông tăng nhanh chóng mặt, người tham gia giao thông thay đổi hướng đi bừa bãi, không coi lực lượng chức năng ra gì!”

Bên cạnh thực trạng trên, quân số cho lực lượng CSGT cũng là một bức xúc của ngành. Trong khi các cung đường được địa phương đầu tư mở rộng, xây mới với mật độ dày đặc, thì số lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cũng như công an cấp quận, huyện hầu như không thay đổi trong 3 năm qua.

Chỉ bằng chế tài thật nặng mới mong "cải thiện" được ý thức tham gia giao thông 

“Dân số Bắc Kinh gấp đôi Hà Nội. Tuy nhiên quân số của lực lượng CSGT thì gấp 6 lần cả CSGT lẫn TTGT Hà Nội cộng lại (1 vạn so với 1600 cán bộ, chiến sỹ). Đó là khó khăn lớn nhất, cận kề nhất với chúng tôi,” Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trình bày. “Chúng tôi không thể dàn mỏng đội hình để rồi vỡ trận trên toàn địa bàn. Lực lượng chức năng chỉ đủ quân giải quyết những điểm nóng về giao thông vào giờ cao điểm, mà không thể hỗ trợ từ xa những khu vực có tiềm năng ùn tắc.”

Trong phần đề xuất, Thiếu tướng Chung đề nghị các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu đưa Luật Giao thông và chương trình học của học sinh PTTH như một môn học ngoại khóa chứ không chỉ là 1 buổi trong vài năm. “Khi kết thúc bậc học PTTH, các em đã 18 tuổi, tuổi sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trước pháp luật. Vì thế, nên chăng chúng ta nghiên cứu đưa một số Luật dễ hiểu với tầm nhận thức của các em?”

Xung quanh vấn đề cán bộ công chức Nhà nước vi phạm pháp luật, đặc biệt là Luật giao thông đường bộ, đường sắt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề xuất gắn ngay trách nhiệm của người thủ trưởng khi đơn vị có cán bộ vi phạm pháp luật.

Đối với Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội), việc có thể hạn chế tình trạng coi thường Luật giao thông ngay lập tức, đó là chế tài và tăng cường sự hỗ trợ của trang thiết bị, cũng như khoa học công nghệ. “Như việc lắp camera ở những cung đường cán bộ chiến sỹ CSGT không đủ lực lượng bố trí để kiểm soát lưu lượng cũng như sự chấp hành luật. Bên cạnh đó, chế tài mạnh mẽ, có thể gấp 3, 4 lần hiện tại, cũng là hướng giải quyết tốt.”

Có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh phản cảm như người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm; lấn tuyến, lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu... Nhất là ở những tuyến đường, giao lộ vắng bóng cảnh sát giao thông tình trạng này đang ngày càng diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, hầu hết những người đi xe máy luôn tìm mọi cách để đi nhanh, bất chấp làn đường dành riêng cho từng loại xe; thậm chí cả những tuyến đường có rào chắn ngăn cách thì vẫn "vô tư" vượt làn.

 

Lê Tùng