Mỹ-Ấn chặn đứng âm mưu của Trung Quốc ở đáy Biển Đông

16:00 | 03/05/2016

7,562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trên mặt Biển Đông, Trung Quốc đang tăng cường trang bị vũ trang cho tàu cá, cải tạo đảo và xây căn cứ quân sự trên đó. Trên không, Bắc Kinh đang âm mưu thiết lập khu vực nhận dạng phòng không. Dưới mặt biển, tàu ngầm Trung Quốc ngày càng nhiều và manh động.
my an chan dung am muu cua trung quoc o day bien dong
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ash Carter (trái), và đồng nhiệm Ấn Ðộ, Manohar Parrikar (phải), tại Washington

Nếu như cộng đồng thế giới từ vài năm nay liên tục lên tiếng tố cáo những hành động chà đạp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông như san lấp đảo đang tranh chấp, quân sự hóa vùng biển có lượng lưu thông hàng hóa lớn, thì ít ai biết rằng Bắc Kinh cũng đang âm thầm thực hiện kiểm soát cả đáy biển.

Các giới chức Hải Quân Mỹ mới đây cho hãng tin Reuters biết rằng tàu ngầm Trung Quốc bị nhìn thấy trung bình khoảng 4 lần mỗi ba tháng. Một số tàu ngầm này thấy xuất hiện gần đảo Andamans và Nicobar vốn nằm gần eo biển Malacca, cửa vào Biển Ðông, nơi có khoảng 80% nguồn nhiên liệu tiếp tế cho Trung Quốc đi ngang qua.

Quan ngại trước tầm vóc và tham vọng của Hải quân Trung Quốc, hiện đang ngày càng hung hăng hơn tại Biển Đông, Mỹ và Ấn Độ hôm 2/5 bắt đầu các cuộc thảo luận để hợp tác theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Ðộ Dương. Với việc công khai đàm phán với Mỹ về vấn đề trên, New Delhi đã mặc nhiên từ bỏ sự ngần ngại đã có từ nhiều thập niên qua để đến gần hơn với Mỹ. Hồi tháng trước, Ấn Độ đồng ý mở cửa một số căn cứ quân sự cho Mỹ để đổi lấy việc được cung cấp các kỹ thuật quân sự tối tân nhằm thu ngắn khoảng cách với Trung Quốc.

Theo Reuters, một nội dung quan trong cuộc thảo luận hiện nay giữa Mỹ và Ấn là việc chống chiến tranh tàu ngầm (ASW), một lĩnh vực kỹ thuật quân sự nhạy cảm và về mặt chiến thuật, chỉ có các đồng minh gần gũi mới chia sẻ cho nhau.

“Những quan hệ căn bản này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ giữa hải quân hai nước với hy vọng đưa tới việc chia sẻ khả năng chống tàu ngầm”- theo một giới chức Mỹ.

Ấn Ðộ và Mỹ, vốn đã có các cuộc tập trận hải quân chung, cũng đang sử dụng máy bay trinh sát biển mới, loại P-8, khiến việc chia sẻ tin tức dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Theo trang mạng MarineLink.com hôm 2/5, Ấn Độ sẽ cùng với Mỹ tham gia tập trận chung trên biển ở khu vực gần Biển Đông và Biển Hoa Đông, hai nơi mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Theo Reuters, mục tiêu của cuộc tập trận chung sẽ diễn ra vào tháng 6 tới là nhằm chống tàu ngầm xâm nhập. Được biết, Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ và cũng đang truy lùng tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, cũng sẽ tham gia.

Phía Ấn Độ chưa có phản ứng gì trước thông tin của Reuters.

Theo các chuyên gia, có hai nhân tố liên quan đến việc hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ. Viễn cảnh các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc tuần tra đã khiến các nước phải giám sát các hoạt động xung quanh căn cứ tàu ngầm của nước này ở đảo Hải Nam. Trong khi đó Ấn Độ đang chuẩn bị khai trương tàu ngầm tự đóng đầu tiên, trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Nếu tàu ngầm tấn công của Mỹ truy tìm các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc ở Thái Bình Dương, thì Bắc Kinh cũng dự kiến điều nhiều tàu ngầm tấn công hơn đến Ấn Độ Dương để theo dõi các động tĩnh của New Delhi.

Mỹ hiện dẫn đầu thế giới về việc chống tàu ngầm xâm nhập, và theo các chuyên gia, việc hợp tác có thể mở rộng với Úc, một đồng minh khác của Mỹ vừa đặt mua 12 chiếc tàu ngầm tiên tiến của Pháp.

Nh.Thạch

Reuters