Lá cải không phải là tabloid

07:39 | 10/06/2012

8,235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bạn đọc: Đề nghị học giả cho biết tại sao lại gọi là “lá cải” mà không gọi là lá gì khác? Và xin ông cho biết lịch sử báo lá cải trên thế giới và ở Việt Nam? Xin trân trọng cảm ơn ông. N. Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội)

Học giả An Chi: Trên Thanh Niên online ngày 26/4/2012, tác giả Minh Phong đã viết: “Báo lá cải là gì? Tại sao lại là “lá cải” chứ không phải là “lá tre”, “lá ổi”…? Do khổ tờ báo to bằng lá cải? Do báo sau khi đọc xong chả có giá trị gì ngoài việc gói rau và một ngày sau nội dung bốc mùi rau cải? Có một cách giải thích này nghe có vẻ xuôi tai: phần lớn báo chí Sài Gòn trước giải phóng có các bài viết do ký giả tự săn tin và viết thì ít mà do ban biên tập “sưu tầm” từ những nguồn “đáng tin cậy” để dán vào tờ báo, giống như chọn từ mỗi chiếc bắp cải một lá cải đẹp bỏ vào nồi nấu, cho thêm gia vị, rồi bê tô cải “đậm đà hương vị” ra cho thực khách”.

Trên đây dĩ nhiên là chuyện hỏi đùa đáp vui. Dưới đây là chuyện nghiêm túc. Trong bài “Nguồn gốc cụm từ “báo lá cải” ở phương Tây” (Thanh Niên ngày 1/6/2012), tác giả Hoàng Đình đã viết về lược sử của báo lá cải như sau:

“Trong tiếng Anh, “lá cải” được thể hiện bằng từ “tabloid”. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, từ “tabloid” được Hãng dược phẩm Burroughs Wellcome & Co dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, chứ chẳng liên quan gì đến báo chí. Trước đó, hầu hết các loại thuốc đều ở dạng bột nên khá khó uống. Vì thế, loại viên nén (tabloid) ra đời lập tức chiếm ưu thế do dễ nuốt khi uống.

“Mặt khác, vào năm 1890 đến 1900, một xu hướng báo chí mới ra đời. Xu hướng này không hề đặt nặng những vấn đề “đại sự, vĩ mô” mà chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, dễ đọc để thu hút sự hiếu kỳ của số đông… Vì thế, loại báo chí này trở nên “dễ nuốt” đối với số đông độc giả giống như loại thuốc viên nén (tabloid). Từ đó khái niệm “báo lá cải” (tabloid journalism) ra đời. Bắt nguồn từ Anh và Mỹ, xu hướng này đến nay đã lan rộng trên khắp thế giới”.

Cách giải thích trên đây thú vị ở chỗ, nó giúp cho người đọc thấy được sự chuyển nghĩa bằng ẩn dụ từ “tabloid – thuốc nén” sang “tabloid – báo chí” ngay trong bản thân tiếng Anh, chứ chưa cho biết danh ngữ báo lá cải của tiếng Việt bắt nguồn từ đâu. Đồng thời cách đối chiếu danh ngữ báo lá cải với tiếng Anh tabloid journalism trong ngoặc đơn như trên cũng có thể làm cho một số người hiểu sai mà suy diễn rằng đây là nguồn gốc của danh ngữ đang xét trong tiếng Việt. Trong thực tế, danh ngữ báo lá cải tuyệt đối không liên quan gì đến tabloid journalism về mặt nguồn gốc. Nhân tiện, xin nói thêm rằng, tiếng Hán hiện đại cũng không có sẵn một đơn vị từ vựng nào tương ứng với tabloid để đối dịch nên chỉ “diễn nghĩa” từ này của tiếng Anh thành “tiểu hình báo” 小型報, thường gọi tắt thành “tiểu báo” 小報 (nghĩa rộng, có trước) và thành “thông tục tiểu hình họa báo” 通俗小型畫報, nói tắt là “thông tục tiểu báo” 通俗小報 (nghĩa hẹp, có sau).

Trong nhiều ngày qua, nhiều tờ báo đã bàn về vấn đề “báo lá cải”. Ngay cả một tác giả như Nguyễn Hùng của bbcvietnamese.com cũng có bài “Trả lại tên cho “lá cải” (thứ Tư, 30/5/2012). Nói chung, dù sơ lược hay tương đối chi tiết, những bài đó đều bổ ích cho việc tìm hiểu sự ra đời rồi sự phát triển của báo chí tabloid. Nhưng tuyệt đối đồng hóa khái niệm “tabloid” của báo chí anglo-saxon với khái niệm “lá cải” của Việt Nam thì lại là một sự nhầm to. Trước nhất là ngay cả hai tiếng “lá cải” cũng đã bị hiểu sai, như trong bài của Nguyễn Hùng. Khi phân biệt “Đại chúng” (Popular) với “Chất lượng” (Quality) thì nét khu biệt thứ nhất của loại trước là Tabloid đã được ông Nguyễn Hùng dịch thành “Khổ nhỏ (lá cải)”, đối với Broadsheet là “Khổ lớn”. Ông đã dùng sai danh ngữ “lá cải” trong ngoặc đơn.

Tabloid ở đây là một tiêu chí về khuôn khổ (khổ A3), đối với broadsheet là khổ lớn thì không thể phụ chú cho nó bằng hai tiếng “lá cải” như thế được. Lý do rất đơn giản: trong tiếng Việt, hai chữ “lá cải” không bao giờ được dùng để chỉ khổ giấy, dù là khổ A mấy. Ta có thể suy diễn rằng ông Hùng đã mặc nhiên hiểu “lá cải” là hai từ mà tiếng Việt đã dùng theo ẩn dụ để chỉ khổ giấy từ trước, rồi sau đó mới dùng nó theo nghĩa xấu hiện hành (báo dở, báo tồi). Cũng vì một cách hiểu sai như thế mà Trường Thuỷ mới đánh đồng “lá cải” với “báo khổ nhỏ”. Tác giả này viết: “Những năm gần đây, khái niệm “lá cải” hay “báo khổ nhỏ” gần như chỉ được đề cập với góc độ cung cách và chủ đề đưa tin của tờ báo”. (“Thế nào là báo lá cải?”, hcm.24h.com.vn ngày 30/5/2012). Xin thưa rằng, sự thật hoàn toàn không phải như thế. “Lá cải” không phải là một đơn vị từ vựng “tự cung tự cấp” của tiếng Việt để cho ta có thể dùng nó mà dịch tabloid của tiếng Anh. Đó là một hình thức sao phỏng từ tiếng Pháp.

Thực ra, nhiều thuật ngữ của nghề báo ở Việt Nam đã bắt nguồn từ tiếng Pháp: co (< corps) trong co chữ, măng-sét (< manchette), sapô (chapeau), tít (< titre), v.v… Nhưng những trường hợp như thế này thì còn dễ thấy vì dù sao đó cũng chỉ là những hình thức phiên âm. Chứ như hai tiếng lá cải thì ít ai nghĩ rằng nó được mượn từ tiếng Pháp theo biện pháp sao phỏng.

Sao phỏng (tiếng Pháp: calque, tiếng Anh: loan translation) là một hình thức vay mượn từ vựng trong đó các yếu tố được vay mượn đều được dịch theo nghĩa đen sang ngôn ngữ đi vay mượn nhưng phải được hiểu theo đúng cách hiểu của người nguyên ngữ. Tin vịt là một danh ngữ sao phỏng từ tiếng Pháp canard, nghĩa là tin thất thiệt, chứ không phải tin tức liên quan đến vịt là một giống gia cầm. Từ thập niên 90, khi Việt Nam mở cửa, ta bắt đầu sử dụng hai tiếng trọn gói, sao phỏng từ tiếng Anh package. Ta hiểu rằng đây là chuyện bao trọn từ khâu đầu đến khâu cuối, bao từ A đến Z. Có ai máy móc hoặc ngớ ngẩn đặt vấn đề xem người ta gói bằng vải, bằng giấy hay thậm chí bằng lá chuối, lá dong, v.v…

Cũng thế đối với hai tiếng lá cải, mà ít ai ngờ rằng nguyên mẫu của nó trong tiếng Pháp lại có dây mơ rễ má với su trong su lơ, su hào và su kem. Su lơ là do phiên âm từ tiếng Pháp

chou-fleur, su hào do chou-rave, su kem do chou à la crème. Còn lá cải thì do sao phỏng từ tiếng Pháp feuille de chou, mà nghĩa đen là… “lá cải”. Nhưng vì đây là một hình thức sao phỏng cho nên hễ người Pháp hiểu nó như thế nào thì ta cũng phải theo mà hiểu đúng như thế. Sau đây là lời giảng về feuille de chou trong một số từ điển tiếng Pháp:

– Le Petit Larousse Illustré 2002: Journal médiocre (tờ báo xoàng);

– Dictionnaire Hachette, édition 2005: Journal de peu de valeur (tờ báo ít giá trị);

– Le Grand Robert: Papier, écrit, journal de peu de valeur (bài báo, bài viết, tờ báo ít giá trị); v.v…

Cho đến nay, ngay cả khi tabloid đã thực sự đi vào tiếng Pháp, có khi với cả hình thức “Pháp hóa” tabloêde – nhưng Viện Hàn lâm lại chưa công nhận – thì mấy tiếng feuille de chou vẫn hành chức một cách bình thường trong ngôn ngữ hằng ngày, không những tại Pháp, mà ở cả nhiều nước nói tiếng Pháp khác nữa. Sau đây là một số dẫn chứng:

1. “Pour conclure, le Bild est une feuille de choux (sic) type tabloêde qui ne peut en aucun cas servir de référence sérieuse en Allemagne”. (Để kết luận, tờ Bild là một tờ lá cải kiểu tabloid không thể dùng để tham khảo một cách nghiêm túc trong (bất cứ) trường hợp nào ở nước Đức). Đây là lời bình luận của Arminius đối với bài “Une personne âgée sur le trottoir, c’est une bibliothèque qu’on assassine” (Một người cao tuổi (sống) ở vỉa hè là một thư viện người ta đang giết đi) trên blog của Jean-Paul Foscarvel (30/11/2011).

2. “L’écrivain Heinrich Bôll, prix Nobel de littérature 1972, avait déjà, dès 1974, dans son roman Die verlorene Ehe der Katharina Blum (L’honneur perdu de Katharina Blum), dénoncé les méthodes très contestables de cette feuille de chou.” (Nhà văn Heinrich Bôll, giải Nobel Văn chương 1972, ngay từ 1974, trong tiểu thuyết Danh dự đã mất của Katharina Blum của mình, đã vạch trần những phương pháp rất đáng tranh cãi của tờ báo lá cải này (tờ Bild của Đức – AC).” Đây là ý kiến của Michelmau trong bài “Le tabloêd Bild devient le 1er site internet d’informations” (tờ Bild dạng tabloid trở thành trang đứng đầu về thông tin trên Onternet) trên mạng AllemagnOmax (1/2/2011).

3. – “France Antilles est le tabloid-feuille de chou locale, en situation de quasi-monopole” (France Antilles là tờ lá cải địa phương dạng tabloid, chiếm vị trí gần như độc quền). Đây là câu trả lời của Renaudsechet trên voyageforum.com ngày 24/7/2011 cho câu hỏi “Quels journaux peut-on trouver dans les kiosques en Guadeloupe?” (Có thể tìm thấy những tờ báo nào tại các ki-ốt ở Guadeloupe?).

4. – “Fiddes a raconté au tabloêd britannique The Sun (une excellente feuille de chou) qu’en 2005, Michael aurait voulu faire assassiner un de ses frères, Randy, un ex-membre des Jackson Five.” (Fiddes (cựu vệ sĩ của Michael Jackson – AC) đã kể cho tờ báo dạng tabloid The Sun của Anh (một tờ báo lá cải đặc sắc) rằng, hồi 2005, Michael như đã muốn cho ám sát Randy, một trong những anh em của anh ta, một thành viên cũ của nhóm Năm anh em nhà Jackson). Đây là lời kể của Josée Guimond trong bài “Zones de turbulence” (Những vùng náo động) trên lapresse.ca/le-soleil ngày 19/12/2012.

A.C

Xem tiếp kỳ sau