Kinh tế Nga khởi sắc

07:10 | 27/01/2018

1,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kinh tế Nga đang trên đà hồi phục và có mức tăng trưởng khá khả quan. Đó là thực tế phải ghi nhận, cho dù là nhờ giá dầu tăng hay do các cải cách kinh tế của Moskva.  

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đạt 3,3% trong năm 2018, cao hơn cả những ước tính của chính phủ nước này. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng. Lạm phát đã giảm xuống còn dưới 2%.

Lý giải về sự thành công này, các quan chức Chính phủ Nga có những kiến giải khá khác biệt so với giới quan sát, đặc biệt đề cao hiệu quả của các cải cách chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ.

kinh te nga khoi sac
Nhà máy Lọc dầu Moskva trong Khu công nghiệp Chagino-Kapotnya ở Nga

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Gaidar ở Moskva gần đây, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết, năm 2017, nền kinh tế Nga đã có tỷ lệ tăng trưởng GDP tích cực - gần 2%, sau 2 năm suy giảm. Ông Oreshkin cho rằng, năm 2017 là năm mà Nga đã hoàn thành cải cách chính sách kinh tế vĩ mô thành công. Thị trường ngoại hối thuận lợi và con số lạm phát khá tốt. Thậm chí, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga còn tỏ ra băn khoăn: “Ba năm trước, khi tỷ lệ lạm phát ở Nga đang là 15%, chúng ta đã có mặt tại đây trong phòng này để thảo luận về các vấn đề mà kinh tế Nga gặp phải. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm đó, với tỷ lệ lạm phát ở mức 15%, không ai tin rằng vào tháng 1-2018, mối quan tâm chính của chúng tôi là liệu tỷ lệ lạm phát 1,5% là tốt hay là xấu so với mục tiêu 4%”.

Bộ trưởng Oreshkin khẳng định: “Mục tiêu lạm phát, tỷ giá hối đoái thả nổi, luật ngân sách và cơ chế bảo vệ nền kinh tế trong nước do biến động giá dầu là 4 điều đã thay đổi hoàn toàn các điều kiện mà nền kinh tế Nga hoạt động trong đó”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng lưu ý những thay đổi tích cực trong lĩnh vực kinh tế: “Kinh tế Nga đã trở nên kháng cự tốt hơn trước những cú sốc, ít bị tổn thương trước sự biến động và sụt giảm của giá dầu”. Đáng chú ý, tuy thừa nhận sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào ngành dầu mỏ và khí đốt là vẫn còn sâu sắc, nhưng bà Nabiullina vẫn nói: “Lạm phát thấp không phải là kết quả của sự may mắn hay một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là kết quả của việc thực hiện chính sách cụ thể”.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thì lý giải: “Cơ chế lập ngân sách của Nga xác định mức chi tiêu tối đa trên cơ sở giá dầu, được xây dựng không chỉ để giữ cho dự trữ dầu mỏ quốc gia, tạo vùng đệm an toàn cho ngân sách, mà còn mang tính dự báo… Nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay, Nga sẽ có thặng dư ngân sách”. Đây có lẽ là lý do khiến Nga luôn thận trọng, xây dựng ngân sách cho các kịch bản giá dầu thấp, bất chấp những dự báo lạc quan hơn từ giới phân tích quốc tế. Kịch bản giá dầu mới cập nhật gần đây nhất của Nga (đầu tháng 12-2017) là hơn 50USD/thùng.

Trong khi đó, các nhà kinh tế lại cho rằng, giá dầu mỏ và khí đốt, những mặt hàng chiếm khoảng 50% xuất khẩu của Nga, có ảnh hưởng tích cực hơn đối với nền kinh tế của Nga hơn là các cải cách kinh tế của Moskva.

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Oreshkin dự đoán: “Giá dầu thế giới sẽ không vượt quá 60USD/thùng trong trung hạn”.

Ông Aleksander Y.Abramov - Giáo sư của Học viện Quốc gia về Kinh tế và Quản lý hành chính công của Nga nhận xét: “Các khoản cho vay giá rẻ không khả dụng đối với hầu hết các công ty Nga. Nhưng đó là một vấn đề của trung hạn. Trong ngắn hạn, giá dầu tăng là một yếu tố tạo nên sự tăng trưởng”.

Thực tế là kinh tế Nga đã tăng trưởng trong năm 2017, cho dù nước này phải cắt giảm sản lượng dầu theo thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Mặc dù thỏa thuận đó vẫn có hiệu lực, nhưng theo nhiều nhà phân tích, giá dầu thế giới tăng sẽ là một trong những yếu tố khiến OPEC và các đối tác ngoài OPEC, dẫn đầu là Nga, cân nhắc chấm dứt thỏa thuận sớm hơn thời hạn. Không phải thực hiện cam kết cắt giảm nữa, Nga có thể tăng sản lượng để tận dụng giá dầu cao hơn và thu được thêm nhiều ngoại tệ, giúp cho ngân sách và kinh tế.

Tóm lại, viễn cảnh tưởng u ám vì bị Mỹ và phương Tây trừng phạt liên miên của nền kinh tế Nga đang sáng dần dần, khi giá dầu thế giới tăng và lần lượt chinh phục các mốc 60USD/thùng, 70USD/thùng - cao nhất trong 3 năm qua.

Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết: Nga đã rút ra được bài học về sự biến động của giá dầu. Nga sẽ tiếp tục tập trung vào đa dạng hóa kinh tế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Hoàng Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc