Kiến tạo để dân giàu!

06:40 | 24/02/2018

325 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những hy vọng lớn để xây dựng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” là Chính phủ đang nỗ lực trở thành một bộ máy kiến tạo và phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người dân đều có cơ hội trở nên giàu có hơn, hạnh phúc hơn.

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi Đảng và Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu có thể nhìn thấy được, đo đếm được, nhưng so với mặt bằng chung của thế giới thì Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo khó.

Mới đấy thôi, 30 năm đã trôi qua, 30 năm nữa rồi cũng sẽ trôi qua. Cụm từ “nghèo khó” kia chắc chắn sẽ không thể đeo đẳng mãi dân tộc ta, nhưng “giàu có” cũng không phải là một ước mơ từ trên trời rơi xuống.

Muốn “dân giàu” thì chắc chắn sở hữu tư nhân của “dân” phải được khuyến khích và tôn vinh. Mọi nguồn lực của cải xã hội cần được khai thác một cách hiệu quả, kể cả khi nguồn lực ấy nằm trong tay mỗi người dân riêng lẻ hay trong tổ chức được người dân ủy quyền.

Đã cả thời gian dài, chúng ta như kiêng kỵ cụm từ “tư nhân” cùng với những quan niệm, những thái độ, những chính sách phân biệt và vì thế, kinh tế tư nhân luôn luôn manh mún và sức cạnh tranh thấp.

kien tao de dan giau

Thời gian gần đây, những đổi mới quyết liệt trong chính sách vĩ mô đã khiến cho kinh tế tư nhân của nước nhà phát triển mạnh mẽ, diện mạo nền kinh tế đất nước đổi mới đến độ ngạc nhiên với nhiều học giả nước ngoài.

Gần đây, phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam - Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” diễn ra tại Hà Nội, TS Trần Đình Thiên cho rằng, đã đến lúc nên thay thuật ngữ “cổ phần hóa” bằng “tư nhân hóa” để có sự rõ ràng về tư duy. Ông nói: “Tôi đề nghị có lẽ đến thời điểm này, khi Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, yêu cầu xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt với khu vực này, thì nên thay thuật ngữ “cổ phần hóa” bằng “tư nhân hóa”, để có sự rõ ràng về tư duy”.

Vâng, tôi nghĩ đó cũng sẽ là một sự kiến tạo, đó là kiến tạo cho một nền tảng tư duy mới.

Còn thế nào là giàu? Muốn so sánh, ta ắt phải tìm cho được đối tượng không gian và thời gian. Giàu so với ai? So với khi nào? Trước đây nhiều thế hệ, có người hay so cuộc sống của mình với năm 1945, cái năm mà có đến 2 triệu đồng bào bị chết đói. Thế hệ tiếp theo, lại có người so với hồi bao cấp, khi cả nước còn đang trong chế độ phân phối theo định lượng. Còn với thời đại công nghệ 4.0, cách so sánh là nhìn sang “bốn bể năm châu”. Theo các chỉ số thông lệ trên thế giới thì ta lúc nào cũng chênh vênh ở mức thứ khoảng trên dưới 100, có nghĩa là thứ hạng khó có thể chấp nhận khi so lợi thế về địa lý, lịch sử, văn hóa, về số dân, về nhân chủng...

Ngẫm nghĩ ngược lại theo thời gian mới thấy, vai trò kiến tạo của bộ máy quản lý công cực kỳ quan trọng. Một ví dụ điển hình dễ hình dung, dễ đo đếm là những thành tựu về sản xuất lương thực. Vẫn những mảnh đất ấy, khí hậu ấy, vẫn những người nông dân hai sương một nắng ấy mà khi thì cả dân tộc phải vét đến hạt gạo cuối cùng vẫn không đủ ăn, phải trông chờ vào hàng trăm nghìn tấn lương thực nhập khẩu mỗi năm, khi thì dư thừa thóc gạo mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn.

Đến giờ, mọi nguyên nhân đã rất rõ ràng. Một thời, các nhà quản lý công của chúng ta đã thiếu vai trò kiến tạo, nặng về vai trò “ra lệnh”, ép nông dân vào hợp tác xã theo phong trào. Rồi một thời, các nhà quản lý của ta lại yêu cầu các địa phương tự túc lương thực. Thế là tỉnh Bến Tre có thế mạnh về cây dừa thì chặt dừa trồng lúa, Đắk Lắk có thế mạnh về cà phê thì chặt cà phê trồng lương thực...

Nay thì đã khác lắm rồi. Hằng ngày theo dõi chương trình thời sự trên truyền hình, việc mọi hoạt động của Thủ tướng Chính phủ được đông đảo người dân theo dõi đã ngày càng củng cố niềm tin về một đất nước mà người dân sẽ ngày càng có cơ hội làm giàu hơn, Chính phủ ngày càng khẳng định vai trò kiến tạo và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển.

Và như vậy, khái niệm “dân giàu” sẽ trở nên gần gũi và thực tế hơn rất nhiều!

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích thuật ngữ cổ phần hóa DNNN đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua, đã tạo điều kiện rất tốt để tái cơ cấu khu vực DNNN, nhưng kéo dài tiếp tục có thể sẽ làm chậm mục tiêu chuyển đổi nguồn lực sang khu vực có hiệu quả hơn. Ông nói: “Việc chuyển từ lập trường “cổ phần hóa” sang lập trường “tư nhân hóa” sẽ xác định rõ chức năng và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường và nguyên tắc, cơ chế hoạt động của chúng theo cam kết hội nhập quốc tế. Tư duy này sẽ làm rõ yêu cầu áp dụng đầy đủ nguyên tắc thị trường trong cổ phần hóa, mà thực chất là quá trình bán tài sản, trước hết là đối với tài sản đất đai”.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc