Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20

Giải trí, bắt chước thắng thế

10:40 | 11/12/2017

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 đã có “Vàng” dành cho “Em chưa 18” với nhiều tranh cãi về giá trị nghệ thuật của bộ phim. Trong số đó, nhiều người lo ngại khi dòng phim Nhà nước hoàn toàn “thất thế” tại liên hoan phim quan trọng bậc nhất của điện ảnh Việt. 

Thành công hay thất bại?

Có thể nói, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 20 là LHP “bất thường” nhất so với 19 lần tổ chức trước đây, bởi năm nay, phim Nhà nước hoàn toàn “biến mất” khỏi danh sách tranh giải. Sự vắng mặt của các hãng phim Nhà nước khiến ngày hội điện ảnh năm nay trở thành sân chơi của phim tư nhân. Và kết quả, giải thưởng Bông Sen Vàng năm nay đã thuộc về một bộ phim đậm chất giải trí.

Rõ ràng, “Em chưa 18” là bộ phim hút khách bởi đề tài khá mới lạ, dàn diễn viên có ngoại hình “bắt mắt” và đã lập kỷ lục mới về doanh thu của điện ảnh Việt với 176 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc “Em chưa 18” lên ngôi cũng khiến khán giả băn khoăn, bởi ngoài doanh thu, bộ phim chưa có đủ “chất” nghệ thuật cần có.

giai tri bat chuoc thang the
Ê-kíp sản xuất phim “Em chưa 18” nhận giải thưởng Bông Sen Vàng năm 2017

“Em chưa 18” và những bộ phim do tư nhân sản xuất, tiêu chí đầu tiên mà đạo diễn và ê-kíp sản xuất hướng tới là doanh thu. Vì thế, một sản phẩm điện ảnh khi ra rạp, yếu tố mà nhà sản xuất chú ý tới là thị hiếu của khán giả để bán vé, sau đó mới tính tới giá trị thẩm mỹ, yếu tố nghệ thuật. Xét cho cùng, ở một tác phẩm điện ảnh tư nhân, váy áo, chân dài, tình yêu, tiền bạc… vẫn chiếm lĩnh cả những bộ phim được đánh giá cao như “Em chưa 18”, “Cho anh gần em thêm chút nữa” hoặc “Cô Ba Sài Gòn”. Chỉ có hai bộ phim thoát ra khỏi trào lưu ấy là “Đảo của dân ngụ cư” và “Cha cõng con” nhưng cách thể hiện vẫn chưa đủ độ “chín”, vẫn tồn tại sự non nớt và lúng túng của ê-kíp thực hiện.

Bên cạnh đó, LHP Việt Nam lần thứ 20 cũng “lạ” khi chấp nhận những bộ phim re-make (phim làm lại từ tác phẩm của nước ngoài) và là những bộ phim mô phỏng theo các bộ phim ăn khách trên thế giới như bộ phim “Sắc đẹp ngàn cân” (re-make từ “200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc). Không bàn tới dàn diễn viên, sự đầu tư của nhà sản xuất…, rõ ràng trong một LHP danh giá như LHP Việt Nam lần thứ 20, việc chấp nhận phim re-make đã và đang thể hiện sự khủng hoảng về ý tưởng và kịch bản, cũng như thiếu vắng sự sáng tạo của một bộ phận giới làm phim Việt Nam. Bởi trên thế giới, chưa có một nền điện ảnh nào có thể phát triển vững mạnh dựa trên nền tảng những tác phẩm “bắt chước”.

Chờ cái bắt tay

Theo NSND Đặng Nhật Minh - Trưởng ban Giám khảo hạng mục Phim truyện thì các phim dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ 20, các bộ phim tham gia tranh giải Bông Sen Vàng năm 2017 dù không có phim hài kiểu “mỳ ăn liền” nhưng rõ ràng, khán giả xem phim vẫn cảm thấy thiếu vắng tính nghệ thuật so với những bộ phim do Nhà nước sản xuất.

Tại cuộc hội thảo “Liên hoan phim Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc” trong khuôn khổ LHP này, nhiều nhà biên kịch vẫn băn khoăn khi điện ảnh Việt đang tồn tại khá nhiều phim có kết cấu giản đơn, cách làm hời hợt. Thậm chí, nhiều phim vẫn chỉ tập trung vào thể loại hài hước, kinh dị, khai thác tình yêu tay ba éo le, những chuyện giật gân, câu khách. Hiếm nhà sản xuất dám đầu tư những đề tài nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật.

Đại diện cho điện ảnh tư nhân, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh cho rằng: Thực ra nhiều kịch bản có nội dung và thông điệp sâu sắc, nhưng nếu ít tính giải trí thì nhà sản xuất không dám đem ra chào mời. Đã từng có hãng phim tư nhân đầu tư làm phim lịch sử, sau đó biến mất trên thị trường luôn. Cái kết cho cuộc chơi mấy chục tỉ là rất bi thảm. Nhiều người lại nói cứ làm phim hay trước đã, sau sẽ bán vé được. Những người nói như vậy là chưa bao giờ làm phim.

Khó khăn là vậy, nhưng điện ảnh Việt cũng đã từng chứng kiến một bộ phim có tính nghệ thuật cao, nhưng vẫn trở thành một “bom tấn” phòng vé với doanh thu 78 tỉ đồng chỉ sau 1 tháng công chiếu, đó là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Không những vậy, bộ phim còn vinh dự nhận được giải thưởng Bông Sen Vàng năm 2016. Kết quả này là do sự “chung tay” giữa Nhà nước và tư nhân, giữa Cục Điện ảnh và đạo diễn ăn khách Victor Vũ.

Đã đến lúc không thể tiếp diễn những LHP thuần túy là sân chơi của phim Nhà nước hay tư nhân, đừng so “bó đũa” mà thiếu đi “cột cờ”. Để có một thị trường điện ảnh lành mạnh, hơn lúc nào hết, các nhà làm phim tư nhân và Nhà nước nên ngồi lại với nhau, thậm chí “bắt tay nhau” để tạo ra những sản phẩm chất lượng, loại bỏ dần những bộ phim Mỹ nói tiếng Việt hoặc những bộ phim Hàn Quốc nói tiếng Việt!

giai tri bat chuoc thang the

NSND Đặng Nhật Minh: Làm nhiều phim giải trí phục vụ nhu cầu khán giả cũng không sao, nhưng không thể đưa thể loại phim này đi giao lưu vì thế giới họ không quan tâm nước ta giải trí thế nào. Một bộ phim được giải thưởng tại liên hoan phim nào đó chưa nói lên được điều gì, ban giám khảo chỉ có trên dưới 10 người bình chọn. Thời gian và khán giả mới là vị giám khảo quan trọng nhất, công tâm nhất. Điều quan trọng là sau 20 năm, 30 năm khán giả có còn muốn xem những bộ phim đó nữa hay không?

giai tri bat chuoc thang the

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Hiện tượng nhà nhà làm phim, người người làm phim, chỉ nên mừng một nửa. Một nửa lo âu bởi thực trạng không ít người chưa am hiểu điện ảnh cũng nhảy vào làm phim, dẫn đến sự ra đời của sản phẩm kém chất lượng. Trong khi những người được học hành bài bản lại không có điều kiện làm phim.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.