Giấc mơ phong điện trên biển của nước Anh

21:12 | 10/02/2017

710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với vị trí địa lý nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Biển Bắc, cùng với đặc điểm địa hình đất thấp xen kẽ núi non, nước Anh có một lợi thế đặc biệt để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nói chung, phong điện nói riêng trong bối cảnh các nguồn năng lượng tự nhiên đang dần cạn kiệt.  

“Thừa thắng xông lên”

Chính phủ Anh đã quyết định triển khai giai đoạn 2 của công trình nhà máy điện gió lớn nhất trên biển (Hornsea Project Two) có công suất 1.800MW tháng 8 năm 2016.

Trước Hornsea Project Two, giai đoạn 1 của Dự án Hornsea Project One có công suất 1,2GW ở bờ biển Yorkshire, miền Bắc nước Anh đã được Chính phủ Anh thông qua. “Trang trại” điện gió khổng lồ này có diện tích 407km2, sử dụng 174 turbine gió khổng lồ, mỗi turbine cao 190m, có thể cung cấp điện cho hơn 1 triệu hộ gia đình tại Anh.

“Vượt kỷ lục” của giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Dự án Phong điện Hornsea dự kiến đảm bảo cung cấp đủ lượng điện năng cho 1,8 triệu hộ gia đình, với 300 máy phát điện gió được xây dựng cách bờ Grimsby 90km.

giac mo phong dien tren bien cua nuoc anh

Hornsea Project Two có thể cung cấp lượng điện năng cho 1,8 triệu hộ gia đình

Chính phủ Anh đã quyết định trích 730 triệu bảng từ “Quỹ Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo” cho dự án trên.

Tính toán cho thấy đến năm 2020, các trạm điện gió trên biển sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu về điện của nước Anh. Trong đó, Dự án Hornsea dự kiến cho công suất 10GW, sẽ gián tiếp giúp Anh đạt được mục tiêu đề ra.

Với công nghệ ngày một hiện đại, khoảng 3 năm trở lại đây, giá thành xây dựng các trạm điện gió giảm tới 2 lần, kéo theo các dự án nhà máy năng lượng gió có giá thành rẻ hơn so với chi phí dự kiến cho các nhà máy điện nguyên tử. Tờ The Ecologist cho biết, năng lượng gió ở vùng Biển Bắc của châu Âu có giá rẻ hơn 1/3 so với nguồn năng lượng từ các nhà máy điện nguyên tử.

Đây cũng chính là lý do khiến Thủ tướng Anh Theresa May nhiều lần muốn trì hoãn Dự án Nhà máy Điện nguyên tử Hinkley Point C với nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc tại Somerset, trị giá 18 tỉ bảng.

Công ty Dong Energy của Đan Mạch là đơn vị đảm nhận việc xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất thế giới của Anh và dự kiến sẽ tạo thêm khoảng 2.500 việc làm mới, gồm 1.960 việc làm xây dựng và 580 việc làm trong lĩnh vực khai thác và bảo dưỡng kỹ thuật.

Dong Energy cam kết sẽ đầu tư 6 tỉ bảng tổng chi phí cho dự án này, song cũng tuyên bố đây chưa phải con số cuối cùng. Ngoài ra, công ty này còn có kế hoạch xây dựng một nhà máy điện gió cho công suất 660MW trên biển Irish Sea, nhưng quy mô của nhà máy vẫn đứng sau Nhà máy Điện gió Hornsea.

Chủ tịch Dong Energy, ông Brent Cheshire tuyên bố, đây là một nhà máy mới quy mô rất lớn, có khả năng cung cấp nguồn điện năng nhiều hơn bất cứ nhà máy điện gió nào đã được đưa vào hoạt động trước đó. Theo ông Brent, dự án này có ý nghĩa rất quan trọng với Anh, trong bối cảnh nước này đang rất cần một nguồn năng lượng mới.

Anh: “Địa điểm vàng” cho các dự án phong điện

Theo Tổ chức RenewableUK, khoảng một thập niên trở lại đây, điện gió đã phát triển nhanh chóng tại Anh trước nhu cầu điện năng ngày càng lớn, tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Anh cũng là quốc gia có địa hình phù hợp để tạo tốc độ gió mạnh (Phần lớn địa hình Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là những vùng đất thấp xen kẽ với núi non). Anh cũng là quốc gia đi đầu trong vấn đề phát triển nguồn năng lượng sạch.

Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, ông Greg Clark cho biết: “Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Anh thực tế đã phát triển với một tốc độ phi thường trong vài năm qua. Đây cũng là một phần trong kế hoạch của chúng tôi, nhằm xây dựng hệ thống năng lượng sạch, an toàn, giá rẻ, cũng như góp phần đáp ứng nhu cầu an ninh điện cho đất nước”.

Anh là quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió ngoài khơi, cũng như được xác định là một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, nó còn giúp tạo thêm việc làm và tăng trưởng kinh tế, ông Clark cho biết thêm.

Ông Amber Rudd - Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi khí hậu Anh khẳng định: Với sự hỗ trợ từ Chính phủ, Anh hiện đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực phát triển phong điện”.

Sau giai đoạn 1 và 2 của Dự án Hornsea, DONG Energy cũng chuẩn bị đề xuất phát triển giai đoạn 3 của dự án, trên diện tích 696km2 ở ngoài khơi bờ biển Bắc Norfolk. Hornsea Project Three (giai đoạn 3) dự kiến sẽ tạo ra 2.400MW điện và đảm bảo nhu cầu trung bình hằng ngày cho trên 2 triệu hộ gia đình nước Anh - tức là vượt cả giai đoạn 1 và 2. Giai đoạn 3 dự kiến sẽ được DONG Energy dự kiến đệ trình vào năm 2018.

Người phát ngôn của DONG Energy nhận định, nước Anh có một “tương lai tuyệt vời” với các loại dự án năng lượng gió.

Hồi tháng 5-2013, nhà máy điện gió lớn nhất thế giới khi đó của Anh cũng đã đi vào hoạt động. Được xây dựng bởi Công ty Walney Offshore Windfarms Limited (Anh) với sự hợp tác của DONG Energy và SSE, “Cánh đồng gió” Walney nằm ngoài khơi bờ biển Cumbria (Anh) bao gồm 102 turbine gió, trải dài trên diện tích 73km2 và cho công suất tối đa 367,2MW.

Nhà máy có thể đáp ứng điện sinh hoạt cho 320.000 ngôi nhà, tương đương khoảng 1/2 số hộ dân sinh sống tại Cumbria.

Minh Quân