Doanh nhân giữ lạc quan trong khủng hoảng
Nỗ lực nhiều hơn
![]() |
TSKH Trần Quang Thắng |
Không phải dễ gì để tìm kiếm ra việc kinh doanh mới trong thời kỳ suy thoái nên càng phải cố gắng để thuyết phục khách hàng hiện tại tiếp tục gắn bó chặt chẽ với mình và sẵn sàng hơn để tìm kiếm các giao dịch, đẩy mạnh quan hệ đối tác... Các DN phải tiếp tục nâng cao dịch vụ khách hàng để đảm bảo rằng những người yêu thích những gì DN đã cung cấp không bỏ đi nơi khác. Đây cũng là cơ hội để DN xem lại mình, trang bị lại, xem xét lại kế hoạch kinh doanh, chiến lược tiếp thị, các mối quan hệ khách hàng.
Trong thời điểm khó khăn, nhiều công ty có phản xạ dừng ngay những quảng cáo của mình. Tuy nhiên, ngược lại với lượng khách hàng ít đi trên thị trường, DN cần phải chiến đấu, tiếp thị nhiều hơn nữa bằng các cách khác nhau. Thêm vào đó, nếu đối thủ cạnh tranh của DN dừng quảng cáo, tất nhiên DN sẽ nhận được nhiều hiệu quả hơn trong thị trường quảng cáo. Và nếu thị trường ít phân tán, những nỗ lực tiếp thị của DN có cơ hội tốt hơn để nhận được sự chú ý.
Thực tế, các DN đã luôn phải đối mặt với những trở ngại hầu như hằng ngày, cho dù họ đang cố gắng để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, phấn đấu để đáp ứng tiền lương cho nhân viên, đối phó với các tình huống phức tạp không mong muốn hoặc giới thiệu một sản phẩm mới ra thị trường. Trong những lúc khó khăn đó, một số cá nhân sẽ nổi bật lên như các nhân tố đặc biệt, đó là những người có khả năng biến những gì có vẻ là một dòng bất tận của các khó khăn thành ra lợi thế. Họ vươn lên từ những trở ngại để mạnh mẽ hơn và thành công hơn, không chỉ xoay chuyển được tình thế mà còn nắm bắt các cơ hội mới.
Biến thách thức thành cơ hội
Cần phải có một tư duy mang tinh thần doanh nhân để thấy rằng, những gì hầu hết mọi người xem là một cuộc khủng hoảng lại thực sự là một cơ hội cho doanh nhân thành đạt chọn một trận chiến trong đó mình có thể giành chiến thắng. Những doanh nhân đích thực nhìn khủng hoảng như là một cơ hội lịch sử để tái cấu trúc lại chính bản thân, DN của họ và nhiều khi cả ngành công nghiệp mà mình đang cạnh tranh trong đó.
![]() |
DN phải nỗ lực nhiều hơn trong lúc khó khăn để vượt qua thử thách |
Một nhà lãnh đạo DN giỏi là người có khả năng nắm bắt và vận dụng được cơ hội trong thời gian khó khăn. Người lãnh đạo cần phải đi đầu trong tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và tạo cảm hứng cho người lao động trong DN kết nối với nhau cùng tiến lên phía trước. |
Bị đóng băng, bỏ chạy, hoặc thu mình lại đều không phải là lựa chọn có ích cho DN, thà thất bại một cách ngoạn mục còn hơn là ngồi yên để thị trường sắp xếp số phận. Được rèn luyện trong các trở ngại, DN sẽ phải chuyển đổi nhiều theo cách để tồn tại và phát triển, các DN kém sẽ bị hủy hoại bởi khủng hoảng, các DN còn lại sẽ tự cải thiện mình thông qua khó khăn.
Biến thách thức thành chiến thắng cho bản thân lãnh đạo DN và DN là điểm chung ở tất cả các DN lớn thành đạt. Rất nhiều doanh nhân mang tính biểu tượng của thế giới đã làm được như vậy khi họ phải đối mặt với những trở ngại, thậm chí họ còn biết sử dụng tình thế để nuôi dưỡng tham vọng to lớn của mình.
“Vua dầu lửa” John D.Rockefeller chỉ có hai năm thâm niên tính từ công việc đầu tiên của mình đến khi cuộc khủng hoảng năm 1857 xảy ra. Rockefeller có thể đã trở nên chán nản, bị tê liệt bởi những hoàn cảnh không may mà ông phải đối mặt. Nhưng thay vì than thở, ông đã chọn cách để nhận thức sự việc khác biệt đi so với các đồng nghiệp của mình. Ông đã nhìn chúng như là một cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm một phép thử của thị trường. Ông đã chăm chú để xem xét cơ hội trong mọi thảm họa như ông đã có lần nói. Trong thời hạn 20 năm tính từ cuộc khủng hoảng đầu tiên, Rockefeller đã kiểm soát 90% thị trường dầu mỏ Hoa Kỳ.
Giống như Rockefeller, các doanh nhân ngày nay đang sống trong thời kỳ hỗn loạn, thay vì để cho nhận thức về những khó khăn làm mờ đi sự phán quyết, các doanh nhân có thể học cái đầu lạnh của Rockefeller dưới áp lực đó, tìm kiếm cơ hội cho mình trong khủng hoảng.
Các biện pháp cần làm trong khủng hoảng Theo TSKH Trần Quang Thắng, những DN vẫn không tìm được cơ hội mới nào trong lúc khủng hoảng để đột phá thì có thể xem xét thực hiện ngay một số việc như: nâng cao lượng tiền của DN ngay cả khi vẫn chưa cần, huy động tiền nhiều hơn mức DN cho rằng đang cần có một nguồn thu nhập tại chỗ hoặc sẵn sàng khởi động, sáng tạo về tài chính, giữ xếp hạng tín dụng ở vị thế hàng đầu vì sẽ khó khăn hơn để có tiền. Nếu thị trường đang gặp rắc rối nghiêm trọng, DN hãy giả định rằng, điều đó sẽ kéo dài 3 hoặc 5 năm và tiến hành cắt giảm nhanh, mạnh, sâu các chi phí một cách phù hợp. Trong đó, việc cắt giảm nhân viên là khó khăn nhất, lãnh đạo DN cần phải trung thực với nhân viên về tình hình của DN, tiến hành cắt giảm đối với những bộ phận sản xuất không nhiều và đặt mục tiêu phục hồi cụ thể cho đội ngũ còn lại để tạo động lực phấn đấu cho họ. Ngoài ra, người lãnh đạo DN đừng để những điều mình không thể kiểm soát như các trang tin tức, phương tiện truyền thông xã hội làm mình bối rối và bị tách rời khỏi những gì quan trọng nhất. Hãy tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm được khách hàng yêu thích, có một đội ngũ nhân lực tốt nhất có thể và xây dựng một mô hình doanh thu bền vững và có khả năng mở rộng. |
TSKH Trần Quang Thắng