Chương trình điện khí hóa của thế giới đang ở đâu?

09:19 | 27/10/2017

1,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 2012 đến nay, trên toàn thế giới mỗi năm có thêm hơn 100 triệu người được cấp điện sử dụng. Tuy nhiên, việc tiếp cận lưới điện hiện vẫn là những thách thức lớn với nhân loại, đặc biệt là ở vùng châu Phi, cận sa mạc Sahara.

Điện khí hóa thành công ở Ấn Độ

Trong cuốn “Energy Outlook 2017” được công bố vào ngày 19-10-2017, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định: "Nhân loại muốn phát triển, môi trường và tăng trưởng kinh tế muốn bền vững thì phải có điện". Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm “biến đổi thế giới từ nay đến năm 2030”, Liên Hiệp Quốc ghi rõ, “thế giới cần phải đạt được mục tiêu tất cả mọi người dân trên hành tinh này đều được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững, hiện đại và giá cả phải chăng”.

chuong trinh dien khi hoa cua the gioi dang o dau
Mạng lưới điện ở Ấn Độ

Năm 2016, gần 1,1 tỉ người trên thế giới vẫn không được sử dụng điện. Con số trên đã giảm khoảng 1/3 so với mức của năm 2000, nhờ vào chương trình điện khí hóa mạnh mẽ ở khu vực châu Á (+ 870 triệu người kể từ năm 2000). Cụ thể, Ấn Độ là một câu chuyện thành công theo các điều khoản của IEA, với hơn 500 triệu người có điện để dùng trong giai đoạn này. IEA cho biết, ở châu Phi, vùng cận sa mạc Sahara, các nỗ lực điện khí hóa chỉ đáp ứng được phần dân số tăng trong cùng thời kỳ. Tốc độ điện khí hóa trong khu vực này chỉ đạt 43% vào năm 2016.

Cũng cần lưu ý rằng, 70% số người trên thế giới đã được sử dụng điện từ năm 2000 nhờ nhiên liệu hóa thạch (45% từ than). Năng lượng tái tạo, nhờ chi phí đã và đang giảm mạnh trong những năm gần đây, dự kiến sẽ đóng một vai trò trung tâm trong các dự án điện khí hóa trong tương lai, theo IEA .

Phổ cập điện - một thách thức của nhân loại

Trong cuốn “Energy Outlook 2017”, lần đầu tiên, IEA đã tập hợp những dữ liệu chi tiết về các xu hướng mới và về tiến trình phổ cập các dịch vụ năng lượng hiện đại (điện, khí đốt....) từ nay đến năm 2030. Chẳng hạn, theo dự kiến, tất cả các hộ gia đình ở Ấn Độ sẽ có điện vào đầu những năm 2020, trong đó năng lượng tái tạo chiếm 60% tổng số các hộ được cấp điện lần đầu.

chuong trinh dien khi hoa cua the gioi dang o dau
Biểu đồ phân bố dân số thế giới không có điện sử dụng

Theo IEA, vào năm 2030, vấn đề tiếp cận năng lượng sẽ chỉ còn là thách thức của châu Phi: 90% số người không có điện vào năm 2030 sẽ chủ yếu sống ở vùng châu Phi cận sa mạc Sahara, đa phần ở các vùng nông thôn. Liên Hiệp Quốc ước tính, dân số của châu Phi có thể tăng gần 450 triệu người vào năm 2030 và tăng gấp đôi so với mức hiện nay vào năm 2050.

Ngay cả trong lục địa châu Phi, IEA cũng nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia với nhau. IEA dự báo Ethiopia, Gabon và Kenya có thể đạt được mục tiêu "phổ cập điện năng" vào năm 2030. Để điện khí hóa toàn thế giới, IEA cho rằng, nhân loại phải tăng gấp đôi số tiền đầu tư vào năng lượng, tức khoảng 52 tỉ USD/năm kể từ nay đến năm 2030. 95% số tiền đầu tư bổ sung sau đó cần được tập trung vào các dự án ở vùng châu Phi cận Sahara.

Tiếp cận nhiên liệu nấu ăn sạch

Theo IEA, gần 2,8 tỉ người trên thế giới hiện vẫn không có nhiên liệu nấu ăn "sạch", phần lớn trong số họ vẫn sử dụng sinh khối rắn (rơm, củi...) để nấu nướng. Từ năm 2000, nhiều tiến bộ đã được thực hiện trong việc cung cấp nhiên liệu nấu ăn "sạch" (LPG, khí thiên nhiên, điện), nhưng vẫn còn rất nhiều người không được tiếp cận với loại nhiên liệu sạch này. Theo Liên Hiệp Quốc, gần 2,8 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm vì liên quan đến việc đốt sinh khối rắn, dầu hỏa hoặc than trong nấu ăn.

Tại châu Phi, cận sa mạc Sahara, gần 80% dân số vẫn nấu nướng với sinh khối rắn. IEA cho rằng, những nỗ lực giải quyết năng lượng cho nấu ăn "sạch" sẽ chẳng thấm vào đâu so với mức tăng trưởng dân số ở châu Phi từ nay đến năm 2030, dự kiến dân số châu Phi sẽ đạt 910 triệu vào năm 2030.

Theo IEA, mặc dù dân số toàn cầu đang tăng lên, nhưng mục tiêu “phổ cập năng lượng” vào năm 2030 sẽ không làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. IEA cho rằng, sự gia tăng lượng khí thải liên quan đến mức tăng của nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ được "bù đắp phần lớn" từ việc giảm sử dụng sinh khối trong nấu nướng.

S.Phương