Chờ vắc xin dịch vụ: Lợi bất cập hại

07:04 | 22/12/2015

731 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc “sính” vắc xin dịch vụ và chờ đợi loại vắc xin này để tiêm cho con của các bà mẹ trong thời gian qua đã khiến nhiều trẻ rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm do không được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, điều này đang đe dọa tính mạng của các bé và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Tiêm vắc xin “xách tay” cho con

Sau gần 30 năm triển khai, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đạt được những thành tựu xuất sắc, được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao: Thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi thành công… Cụ thể, nhờ tiêm chủng, mỗi năm tại nước ta có khoảng 1,2 - 1,3 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí 11 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ngoài ra, kể từ khi có chương trình tiêm chủng mở rộng, ước có khoảng 43.000 trẻ em đã được cứu sống nhờ vắc xin. Nhiều loại bệnh nguy hiểm khác cũng đã được loại trừ, giảm hẳn như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm gan…

Tuy nhiên, không ít bà mẹ, do “sính” vắc xin dịch vụ đã không nhìn nhận kết quả này mà chỉ tiêm cho con loại vắc xin dịch vụ với quan niệm chất lượng tốt, khả năng phản ứng thuốc không xảy ra… Do đó, nhiều bà mẹ chỉ chờ vắc xin dịch vụ, dứt khoát không tiêm vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho con, bất chấp tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ và bất chấp cả con họ có thể  mắc dịch bệnh.

Thậm chí, có nhiều bà mẹ còn tìm mọi cách như  bay ra nước ngoài để đăng ký tiêm cho con với chi phí rất cao. Hoặc tiêm vắc xin… “xách tay”.

Chẳng loại vắc xin nào an toàn 100%

Trước hiện tượng đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định bởi tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể. Do đó, không có loại vắc xin nào đạt đến độ an toàn hoàn hảo 100%. Trong khi đó, việc tiêm chủng phòng chống dịch cho trẻ và cho cả cộng đồng là việc hết sức cần thiết, đặc biệt là đối với quốc gia có khí hậu nhiệt đới, môi trường dễ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Bởi vậy, mỗi phụ huynh cần ý thức tiêm chủng không chỉ là lựa chọn của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, nhằm hướng tới đạt tỷ lệ tiêm chủng bao phủ toàn dân cao. 

cho vac xin dich vu loi bat cap hai
Các bậc cha mẹ chờ đợi đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho con

Đối với một số trường hợp chưa đi tiêm chủng mà không bị mắc bệnh, Cục Y tế Dự phòng cũng giải thích thêm đó là nhờ độ bao phủ rộng của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tạo nên bức tường thành vững chãi ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường đồng thời khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc xin “xách tay”.

Cục trưởng Phu nhấn mạnh: “Vắc xin không đảm bảo chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình, đúng nhiệt độ rất dễ xảy ra phản ứng nguy hiểm cho cơ thể. Những vắc xin “xách tay” không chắc chắn được kiểm định về chất lượng hay không, người tiêm cũng có thể không có kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nếu xảy ra phản ứng”. Như thế, việc quyết định tiêm bên ngoài, qua “cò”, với hàng “xách tay” không rõ nguồn gốc chẳng khác nào phụ huynh đang “gửi trứng cho ác” với những nguy cơ, hiểm họa khôn lường!

Theo số liệu thống kê, năm 2016, việc nhập về các vắc xin dịch vụ của Pháp, Bỉ vẫn sẽ còn gặp khó. Nguyên nhân là do các nước sản xuất vắc xin chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng lớn, từ cách đây 2-3 năm, do đó không dư ra để bán theo nhu cầu đột biến của Việt Nam.  

Hãy tìm hiểu qua đường dây nóng

Cũng theo PGS.TS.Trần Đắc Phu: “cơ hội vàng” để tiêm vắc xin đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. “Đây là khoảng thời gian  trẻ rất dễ mắc các bệnh nói trên, khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là “thời gian vàng” để vắc xin phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về 0”.

cho vac xin dich vu loi bat cap hai
Tiêm phòng cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia

Nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng giải thích: Quyền lựa chọn tiêm loại vắc xin nào cho trẻ thuộc về các bậc phụ huynh, tuy nhiên cần bảo đảm hiểu rõ về nguồn gốc và chất lượng của lô vắc xin, cũng như kỹ thuật tiêm của người chịu trách nhiệm tiêm cho bé. Phụ huynh cần nắm rõ lịch tiêm của bé, bảo đảm tuân theo lịch tiêm chủng đã được Bộ Y tế quy định. Nếu liều vắc xin 5 trong 1 nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu.

Đương nhiên về độ miễn dịch cũng sẽ không cao như tiêm đủ mũi, đủ thời gian. Và nếu trẻ nào đã tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm. Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con tốt nhất nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng Bộ Y tế quy định để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến trẻ nguy hiểm tính mạng và có thể gây dịch trong cộng đồng.

Mọi thông tin chia sẻ trên mạng hoặc truyền miệng không rõ nguồn rất khó để xác định tính xác thực, có thể được tung tin thất thiệt vì mục đích trục lợi trong thời điểm “khát vắc xin dịch vụ”. Vì thế, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên theo dõi thông tin chính thức trên website Cục Y tế dự phòng và website Bộ Y tế tại địa chỉ sau: http://vncdc.gov.vn/ hoặc http://moh.gov.vn/ hoặc gọi đến đường dây nóng: 1900.9095…

Tú Anh