“Cây sáng kiến” của ngành điện

07:10 | 29/08/2015

2,201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với 18 sáng kiến trong vòng 9 năm (từ 2006 đến nay), anh Trương Thái Sơn - Tổ phó Tổ Quản lý vận hành lưới điện 1, Công ty Điện lực Chợ Lớn (Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh) được mọi người gọi là “cây sáng kiến”.  

Tôi gặp Trương Thái Sơn tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Đại hội theo Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải là Đại hội quy tụ những tấm gương điển hình, ưu tú nhất của ngành điện. Anh Sơn có dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, ánh mắt sáng và nụ cười rất tươi. Anh sinh năm 1960 ở xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 2001, sau nhiều lần chuyển công tác, anh về làm việc tại Công ty Điện lực Chợ Lớn. Đến năm 2007, anh được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ là Tổ phó Tổ quản lý vận hành lưới Điện 1 - Đội Quản lý lưới điện - Công ty Điện Lực Chợ Lớn.

cay-sang-kien-cua-nganh-dien
Trương Thái Sơn phát biểu tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của EVN

Là người trực tiếp chỉ huy công tác quản lý, sửa chữa, tiểu tu lưới điện, Trương Thanh Sơn luôn thể hiện sự nỗ lực, cố gắng ở mức cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ được cấp trên giao. Nghiêm túc chấp hành các mệnh lệnh sản xuất, kiểm tra kỹ hiện trường trước và sau khi công tác, thực hiện công tác sau cho đạt được hiệu quả và đúng kỹ thuật, thường xuyên đôn đốc, kết hợp anh em trong Tổ Quản lý vận hành lưới điện 1 kiểm tra lưới, theo dõi phụ tải các khu vực, chú ý đến các khu vực tải cao, để kịp thời phát hiện những khiếm khuyết, những điểm mất an toàn trên lưới, để đề ra những biện pháp ngăn chặn kịp thời sự cố trên lưới điện. Có ý thức bảo quản và phục hồi các trang cụ, đồ nghề, để giúp cho việc thực hiện công tác được thuận lợi, nhanh chóng.

Đặc biệt, trong quá trình công tác, anh luôn thể hiện là người có tính cầu tiến, tìm tòi học hỏi, tận tình hướng dẫn kèm cặp nghề cho công nhân mới, thực tập, bậc thấp để nắm bắt được kỹ thuật, nâng cao tay nghề, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của anh em trong đơn vị. Và với mong muốn làm chủ công nghệ và giảm thiểu chi phí sửa chữa thay thế hàng nhập khẩu, từ năm 2006 đến nay, Trương Thái Sơn đã có 18 sáng kiến được ứng dụng trong công tác, làm lợi cả tỉ đồng cho ngành điện. Trong đó, năm 2009, anh đã có 4 sáng kiến là cải tiến lò xo, chốt định vị lò xo, và ống kềm của kềm cắt cáp hiệu TAI- CHENG; sử dụng kẹp treo cáp ABC 4x50 mm2 cải tiến thành kẹp ngừng cáp muller giúp dây mắc điện dừng được an toàn; cải tiến, thay thế để sữa chữa kèm ép thủy lực 12T dùng pin để phục vụ công tác sửa chửa, quản lý lưới điện; Thay CB 300 Amp (Size Cb 300 Amp lớn, tồn kho tận dụng) vào hộp đựng CB 250 Amp. Những sáng kiến này đã làm lợi cho ngành điện số tiền lên tới 600 triệu đồng.

cay-sang-kien-cua-nganh-dien-1
Trương Thái Sơn nhận biểu trưng gương điển hình tiên tiến EVNHCMC giai đoạn 2010 - 2014

Và mới đây, năm 2014, anh cũng có 4 sáng kiến là cải tạo phục hồi các kèm ép tay thủy lực12 tấn đã thanh lý để sử dụng lại; sử dụng đầu nối có lưỡi cưa kết hợp với sào thao tác cách điện, để hình thành 1 cưa bằng sào để phục vụ cho công tác khai quang, mé nhánh cây; tạo 1 bộ kích nguồn pin của máy Camera đo nhiệt độ cầm tay THERMO Ti30 RAYTEK để phục vụ công tác kiểm tra lưới điện; thiết kế mái che ngăn ngừa sự cố cho thiết bị đóng cắt DS sử dụng ngoài trời. Những sáng kiến này đã giúp người công nhân ngành điện thuận lợi hơn trong quá trình thao tác, quản lý vận hành lưới điện, giải quyết triệt để các điểm mất an toàn, các điểm va quẹt cây xanh trên đường dây trung thế (không chờ đến lịch cắt điện), ngăn ngừa được sự cố cho lưới điện.

Nói về những sáng chế này, anh Sơn nói: Thực ra nó cũng chẳng có gì đáng nói cả. Chỉ là trong quá trình làm việc, mình cứ nghĩ là phải làm sao cho tốt nhất, việc quản lý vận hành lưới điện được tối ưu nhất, vừa tiết giảm chi phí, đảm bảo an toàn lại có mang lại hiệu quả cao.

Rồi anh kể: Năm 2006, trong quá trình thực hiện sửa chữa, tiểu tu lưới điện. Khi làm việc tại hiện trường, anh và các đồng nghiệp gặp nhiều khó khăn vì vật tư, thiết bị không đồng bộ, dụng cụ đồ nghề không ổn định như pin của kìm ép thủy lực bị chai, không có pin để thay thế. Đồng thời, sau một thời gian dài sử dụng, thiết bị bị rỉ dầu khiến quá trình đấu nối mất nhiều thời gian, việc thi công vì thế phải kéo dài. Với những kinh nghiệm thực tế và sự tìm tòi sáng tạo của bản thân, anh đã nghiên cứu và thay thế pin bằng ắc-quy khô cho máy ép thủy lực. Sau khi được đưa vào áp dụng, cách làm này đã làm “sống” lại các thiết bị tưởng chừng sẽ phải thay thế hoặc bỏ. Năng suất lao động vì thế được tăng lên đáng kể, một cục pin chỉ ép được 10 đến 15 lần nhưng khi dùng ắc-quy thì có thể thực hiện được 60 đến 70 lần, qua đó giúp việc thao tác trên lưới điện nhanh hơn, việc cấp điện trở lại cho khách hàng vì thế được rút ngắn.

Nói về công việc của mình, anh tâm sự: Ngày nào vẫn còn phản ánh của khách hàng về mất điện do sự cố chủ quan của ngành điện thì trong tôi vẫn còn đó sự day dứt và đó là động lực cho tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Niềm vui của khách hàng mỗi khi có điện trở lại cũng chính là niềm vui của tôi và đồng nghiệp.

Phát biểu tại Đại hội, khi chia sẻ những kinh nghiệm của mình, Trương Thái Sơn nhấn mạnh: Trong bất cứ một công việc được giao nào, ta cũng đều làm nhiệt tình cho thật lòng, xuất phát từ lòng yêu nghề, từ cái tâm của chính mình thì bạn đã cố gắng hết lòng với ngành rồi, điều tốt đẹp sẽ đến với bạn. Bạn sẽ tự hào về việc bạn đã làm đúng cho mình và cho công việc. Và một điều quan trọng nữa là đừng quên cũng cố lại kiến thức, ứng dụng kiến thức mình có được vào thực tiễn, vào công việc.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 451