Tài xế xe tải đánh lái tránh 2 nữ sinh

Cần xem xét có lý, có tình

10:02 | 06/04/2018

659 lượt xem
|
Tránh tông phải 2 nữ sinh đi xe máy bị ngã do va chạm với xe đi cùng chiều, anh Đỗ Văn Tiến (ở xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng), tài xế điều khiển xe tải chở đá đã đánh lái sang trái. Cú đánh lái kịp thời đó đã tránh được một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên xe của anh Tiến đã va chạm với hai chiếc ôtô đỗ ven đường khiến cả 3 chiếc xe hư hỏng nặng. Hiện dư luận đang chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc.

Cú đánh lái kịp thời

can xem xet co ly co tinh

Tài xế Đỗ Văn Tiến

Khoảng 13h ngày 29-3, trên đường 359C (đoạn trước cổng Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe Nam Triệu, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), đã xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn.

Vào thời điểm đó, anh Tiến điều khiển xe tải chở đá lưu thông trên đường thì bất ngờ gặp tình huống 2 xe máy đi ngay phía trước va chạm với nhau. Vụ va chạm khiến 2 nữ sinh ngã xuống giữa đường. Ngay lập tức, anh Tiến đánh lái sang trái, tránh đâm vào 2 nữ sinh đi xe máy bị ngã ngay trước đầu xe và xe của anh Tiến va chạm với 2 chiếc xe ôtô đỗ ngược chiều. Chủ xe ôtô đỗ ven đường yêu cầu anh Tiến đền số tiền lên đến 245 triệu đồng.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tài xế xe tải đã phản xạ nhanh tránh được một vụ tai nạn nghiêm trọng. “Hành động đánh lái của tài xế đã tránh gây thương vong cho 2 người, nhưng đã gây thiệt hại cho phương tiện trên đường và bản thân xe tải của mình. Trong trường hợp này, lái xe tải gây thiệt hại về tài sản cho phương tiện đi trên đường (kể cả trường hợp thương vong) thuộc trường hợp tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015” - luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm, tình thế cấp thiết là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến lợi ích được pháp luật bảo vệ, đồng thời muốn bảo vệ lợi ích này người ta không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại cho lợi ích khác cũng được pháp luật bảo vệ. Trong Bộ luật Hình sự, người được coi là đã hành động trong tình thế cấp thiết khi người đó đã biết hy sinh một cách hợp lý lợi ích nhỏ để bảo vệ lợi ích khác lớn hơn, cần thiết hơn.

“Chính vì tính hợp lý này mà về mặt xã hội, chúng ta coi hành động trong tình thế cấp thiết là hành động có ích. Còn về mặt hình sự, hành động này không bị coi là tội phạm, việc gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa không bị coi là tội phạm. Đồng thời, người có hành vi gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Thơm khẳng định.

Luật sư Thơm cũng cho rằng, tài xế xe tải trong vụ việc này đã có hành vi gây thiệt hại về tài sản để không gây thiệt hại đến tính mạng người khác thuộc trường hợp tình thế cấp thiết và là việc làm đáng biểu dương về việc xử lý tình huống rất tốt. Thông thường, nhiều lái xe bị bất ngờ khi gặp chướng ngại vật đã đánh lái và lao thẳng vào phía bên đường, có thể lao vào nhà dân. Nhưng trong trường hợp này, lái xe đã bẻ lái hạn chế thấp nhất việc va chạm trực tiếp với nhà dân, tránh gây hậu quả lớn là việc làm cần thiết, dù có gây hư hỏng tài sản cho phương tiện ngược chiều. Do đó, việc gây thiệt hại về tài sản trong tình thế cấp thiết, theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 thì lái xe và chủ phương tiện thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm dân sự.

Gây thiệt hại phải bồi thường

Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, vụ tai nạn ở Hải Phòng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lái xe tải đã rất tập trung lái xe, kỹ năng xử lý tình huống tốt, để không gây tai nạn nghiêm trọng. Sự nhạy bén của tài xế rất đáng khen ngợi. Ở tình huống này, nếu lái xe không xử lý kịp thời chắc chắn sẽ xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và sẽ có tử vong.

can xem xet co ly co tinh

Hiện trường vụ tai nạn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng, lái xe đánh lái tránh được vụ tai nạn thảm khốc nhưng lại tông vào xe ôtô đỗ ven đường, gây tổn thất. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ 2008, nếu gây ra thiệt hại, phải chịu trách nhiệm bồi thường.

“Tuy nhiên, qua tình huống bất khả kháng này, các bên có thể thỏa thuận chia sẻ rủi ro sẽ hợp lý và nhân văn hơn. Tôi tin chắc rằng, rất nhiều người sẽ cùng chung tay giúp đỡ nam tài xế” - ông Thái nói.

Trước sự dũng cảm của người tài xế, anh Nguyễn Hoài Nam - chồng Hoa khôi Thể thao 1995 Thu Hương - chia sẻ: “Nếu anh lái xe bẻ lái cứu 2 cô gái đi xe máy bị đền 240 triệu đồng và giam bằng lái, tôi xin nộp thay số tiền trên và trả lương cho ảnh tới khi trả lại bằng. Tôi chỉ muốn nói, cảm ơn anh và phản xạ tuyệt vời của anh đã cứu 2 mạng người. Các anh lái xe hãy luôn cứu người, mọi người sẽ không bỏ rơi các anh!”.

“Vấn đề đền bù thiệt hại chỉ là một góc độ, điều quan trọng sau vụ tai nạn, ai cũng thấy được những rủi ro tai nạn giao thông đường bộ rất lớn, người điều khiển phương tiện cần phòng ngừa, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, đi đúng làn đường, phần đường của mình, giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện đi trước...” - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hay.

Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

Song Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc