Bể than Đồng bằng sông Hồng chính thức khởi động

06:54 | 04/10/2015

1,996 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc triển khai Đề án thăm dò bể than là cơ sở cho việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ đầu tư để tiến hành khai thác thương mại.

Bể than Đồng bằng sông Hồng được phát hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước.  Theo dự báo, bể than có diện tích khoảng 2.500km2, với tổng trữ lượng vào khoảng 210 tỉ tấn với chất lượng tốt, phân bố chủ yếu và tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình (chiếm gần 90% trữ lượng).

be than dong bang song hong chi nh thu c kho i do ng
Đại biểu nhấn nút khởi công Đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Tuy nhiên, trong thời gian trước đây, mức độ thăm dò bể than sông Hồng còn thấp, chủ yếu ở cấp dự báo, công tác điều tra, đánh giá chưa đầy đủ. Việc Chính phủ cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai Đề án thăm dò than khu vực Nam Thịnh Nam Hưng, huyện Tiền Hải có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở cho việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp để tiến tới đầu tư khai thác thương mại.

Ngày 21-9 mới đây, tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Lễ khởi công thực hiện Đề án thăm dò than khu Nam Thịnh, Nam Hưng, huyện Tiền Hải (thuộc bể than Đồng bằng sông Hồng).

Theo kế hoạch, tổng diện tích khu vực được cấp phép thăm dò là 5,29km2; độ sâu thăm dò đến mức -1.200m. Nhà thầu thi công sẽ khoan 23 lỗ với tổng số mét khoan là 19.650m; trong đó có 18 lỗ khoan địa chất và 5 lỗ khoan địa chất thủy văn. Sau đó, gia công, phân tích hơn 500 mẫu than, 300 mẫu đá, 240 mẫu khí để xác định đặc điểm, tính chất của than, đá theo các chỉ tiêu khác nhau. Dự kiến, trữ lượng than đạt được sau thăm dò là khoảng 236 triệu tấn.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong điều kiện các mỏ than Đông Bắc ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, việc huy động bể than Đồng bằng sông Hồng vào thăm dò khai thác theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phục vụ nhu cầu than cho các ngành kinh tế trong nước là hết sức cần thiết và quan trọng. Dự án sẽ có tiềm năng tài nguyên than abitum rất lớn khoảng 210 tỉ tấn.

Hoạt động thăm dò tại bể than sông Hồng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Thái Bình cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng; góp phần giải quyết khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng than lâu dài, ổn định, hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

"Dự án là tiền đề, mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Bình nói riêng và đất nước nói chung", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thái Bình, địa phương và các đơn vị liên quan tạo điều kiện giúp đỡ để TKV thực hiện đề án thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Trước mắt, giai đoạn một thi công tại hiện trường khoảng 24 tháng (từ tháng 9-2015 đến tháng 9-2017). Giai đoạn hai (từ tháng 9-2018 đến tháng 9-2019) sẽ tổng hợp kết quả thăm dò, lập báo cáo địa chất, trình và thông qua tại Hội đồng trữ lượng Quốc gia.

 

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 462