Ấn Độ sẽ lấy được heli-3 trên Mặt trăng

14:59 | 20/02/2017

879 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào năm 2030, Ấn Độ sẽ có đủ điều kiện để lấy heli-3 trên Mặt trăng để sử dụng nó như một nguồn năng lượng, hãng tin IANS dẫn lời giáo sư danh dự của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) Sivathana Pillai.  
an do se lay duoc heli 3 tren mat trang
Một thiết bị nghiên cứu Mặt trăng do hãng Lockheed-Martin chế tạo

Giáo sư Pillai cho biết, việc nghiên cứu bề mặt Mặt trăng, vốn rất giàu heli-3, là một lĩnh vực ưu tiên của ISRO.

"Đến năm 2030, quá trình khai thác và sử dụng heli-3 như một nguồn năng lượng sẽ có thể trở thành hiện thực. Và Ấn Độ có thể là một trong những nước đầu tiên thực hiện việc này" – giáo sư Pillai phát biểu.

Ông nói thêm rằng nhiều nước đang nghiên cứu khả năng khai thác helium-3 trên bề mặt Mặt trăng, và theo các nhà khoa học, tài nguyên của vệ tinh Trái đất sẽ đủ dùng cho nhân loại suốt một thời gian rất dài.

Các nhà khoa học Nga cũng thống nhất với ý kiến này. Tiến sĩ Toán-Lý Vladislav Shevchenko, người đứng đầu cơ quan Nghiên cứu Mặt trăng và các hành tinh của Viện Thiên văn học trực thuộc Đại học quốc gia Moscow (MGU) cũng từng khẳng định, trữ lượng heli-3 trên Mặt trăng có thể cung cấp năng lượng cho toàn thể loài người trong 5 nghìn năm.

Hiện nay, đồng vị heli-3 trên Trái đất được sản xuất với số lượng rất nhỏ, chỉ được khoảng vài chục gram mỗi năm.

Trên Mặt trăng, trữ lượng đồng vị quý giá này, theo ước tính thấp nhất, là vào khoảng 500 nghìn tấn. Trong phản ứng tổng hợp hạt nhân, khi 1 tấn heli-3 phản ứng 0,67 tấn deuterium sẽ giải phóng một nguồn năng lượng tương đương với đốt khoảng 15 triệu tấn dầu.

Được biết, Cơ quan nghiên cứu hạt nhân Nga (Rosatom) sẽ giúp Ấn Độ nghiên cứu Mặt trăng thông qua việc sử dụng các bức xạ.

Rosatom đã mở Phòng thí nghiệm nghiên cứu vật lý ở thành phố Ahmedabad, Ấn Độ, để nghiên cứu các nguồn phóng xạ trên cơ sở bức xạ Curi-244, cần thiết cho việc nghiên cứu bề mặt Mặt trăng như một phần của chương trình Chandrayaan-2 của Ấn Độ.

Các nguồn này được chế tạo tại Viện Nghiên cứu nguyên tử (trực thuộc Rosatom) để sử dụng trong máy quang phổ tia X, các hạt alpha và tia X quang APXS, được thiết kế để nghiên cứu thành phần nguyên tố của bề mặt Mặt trăng. Như một kết quả của sự chiếu xạ các hạt alpha từ các nguồn trên cơ sở Curi-244, sẽ xảy ra bức xạ thứ cấp, dựa vào đó sẽ đánh giá được các thành phần của bề mặt Mặt trăng.

Dự án Chandrayaan-2 là phần tiếp theo của chương trình nghiên cứu Mặt trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ, với một thiết bị dò tìm được phóng lên Mặt trăng hồi tháng 10/2008. Thiết bị này làm việc trên quỹ đạo Mặt trăng trong 312 ngày, có phóng một đầu dò xuống bề mặt của Mặt trăng.

Chương trình Chandrayaan-2 sẽ bao gồm việc phóng các module quỹ đạo, thiết bị đổ bộ và xe tự hành lên bề mặt Mặt trăng. Theo kế hoạch, vụ phóng tàu sẽ được thực hiện tại Trung tâm Vũ trụ Ấn Độ mang tên Satish Dhawan tại đảo Sriharikota trong năm 2018.

Bá Thủy