Y tế nước ta có nhiều tiến bộ

14:24 | 15/07/2017

2,277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những lời chê bai, chỉ trích ngành y tế Việt Nam thời gian qua khá nhiều và nặng nề. Bài viết này tiếp cận từ những khía cạnh khác, hy vọng mang đến cái nhìn khách quan hơn.

“Phong bì” mua sự yên tâm?

Nguyễn Ngọc Oai Hùng, một Việt kiều đã định cư tại CH Czech hơn 20 năm, mặc dù làm ăn ở Czech ngày càng khó khăn hơn, trong khi ở Việt Nam mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, bạn bè rủ về nước hùn hạp làm ăn, nhưng anh nhất định không về. Anh thú thực, có hai nguyên nhân khiến anh không muốn đưa vợ con về Việt Nam sinh sống là bởi nỗi lo về giáo dục và y tế. Từng phải về nước khẩn cấp để đưa mẹ đi viện do bệnh tiểu đường bột phát, Hùng đã thấm nỗi khổ của bệnh nhân khi phải vào bệnh viện công luôn trong tình trạng quá tải. Áp lực căng thẳng ở cả hai phía, bác sĩ và bệnh nhân.

y te nuoc ta co nhieu tien bo
Bác sĩ Trần Văn Phúc

Anh Hùng chia sẻ: “Không phong bì cho y, bác sĩ thì không an tâm. Nhưng tiền đưa thì họ nhận đấy mà cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân của họ vẫn khiến tôi không hài lòng”.

Giữa tình cảnh ấy, chắc chắn không thể tránh khỏi sự so sánh: “Tại bệnh viện ở Czech, khi anh có bảo hiểm y tế, anh sẽ được chăm sóc từ viên thuốc, cho đến cái tã dùng một lần cho những bệnh nhân nặng, phóng uế không tự chủ. Các y, bác sĩ luôn động viên… Mọi chi phí đều do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Thậm chí khi không có BHYT, khi anh là người vô gia cư, khi bị bệnh phải cấp cứu, thì bệnh viện sẽ cứu anh trước, chi phí tính sau. Trong trường hợp anh không có khả năng chi trả, họ sẽ kêu gọi những tổ chức từ thiện giúp đỡ anh”.

Cách mua sự yên tâm bằng phong bì đã thành một thói xấu khó bỏ ở bệnh viện, do bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây nên.

Dẫu vậy, nhưng Hùng cũng thử đặt vị trí của mình vào vị trí của các y, bác sĩ trong nước. Anh nhận ra rằng, cả hai bên đều chưa đủ kiên nhẫn để thấu hiểu nhau. Bệnh viện công ở tình trạng quá tải, các y, bác sĩ không thể dành đủ thời gian với mỗi bệnh nhân như lẽ ra phải thế. Trong khi đó, bệnh nhân vượt tuyến ngày càng nhiều vì không tin tưởng trình độ cũng như thiết bị y tế ở địa phương, khiến bệnh viện tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng càng quá tải.

Còn các bệnh viện tư nhân ư? Những viện này thường vắng bệnh nhân hơn là bởi chi phí chữa bệnh rất cao, đa số người dân không có đủ điều kiện kinh tế để điều trị. Khi bác sĩ quá bận rộn, lại bị những câu hỏi thúc ép từ người nhà bệnh nhân, khó có thể yêu cầu họ nở nụ cười 24/24h được. Về phía người nhà bệnh nhân, khi nhìn thấy thái độ của y, bác sĩ không vui, họ lại suy đoán ngay là bác sĩ không hài lòng về họ, hoặc cố tình “gây sức ép” để đòi phong bì. Một phần từ sự chưa thấu hiểu lẫn nhau như thế mà người nhà bệnh nhân lại “làm hư” y, bác sĩ bằng cách cố dúi phong bì cho họ. Lâu dần, cái cách mua sự yên tâm kiểu này đã thành một thói xấu khó bỏ ở bệnh viện, do chính bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây nên, rồi sau đó lại ra sức phàn nàn.

Hiện nay, ngành y tế đang nỗ lực tiêu trừ vấn nạn phong bì, nhưng e rằng chỉ giải quyết từ phía bác sĩ thôi không đủ, cần giải quyết vấn đề từ chính phía bệnh nhân và người nhà của họ.

Nhiều “điểm sáng y tế”

Thực tế cho thấy, nhiều việc tốt vẫn đang diễn ra hằng ngày tại các bệnh viện trong nước. Trường hợp bác sĩ Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) là một ví dụ. Không chỉ tận tâm chữa bệnh tại nơi mình đang công tác, anh còn sử dụng facebook cá nhân như một phương tiện truyền thông hữu hiệu để tư vấn cách xử lý đúng đắn nhất đối với những triệu chứng bệnh, giúp được nhiều trường hợp bệnh nhân gặp họa do mất lòng tin ở cơ sở y tế, nên tự chữa bệnh bằng cách hỏi “bác sĩ Google”. Bác sĩ Phúc kể rằng, có không ít đồng nghiệp cũng đang làm như mình, cốt để tư vấn một cách đúng chuyên môn nhất cho mọi người.

y te nuoc ta co nhieu tien bo
Bệnh nhân đến Bệnh viện Dệt May được lễ tân chào đón từ cửa

Tại Bệnh viện Dệt May, bệnh nhân không phải chịu cảnh chờ đợi trong lo âu, bởi vừa bước vào khu khám bệnh đã có nhân viên lễ tân đeo băng đỏ chỉ dẫn tới đúng nơi cần, không để bệnh nhân mất thời gian bối rối tự tìm kiếm quanh các khu vực khám. Khi khám bệnh xong, không để bệnh nhân phải chờ đợi, nhân viên bệnh viện chủ động gọi điện cho bệnh nhân để thông báo kết quả.

Trong trường hợp bệnh nặng, phải điều trị nội trú thì bệnh nhân cũng sớm được gọi tới bệnh viện và thu xếp điều trị tích cực ngay, trong trường hợp bệnh nhẹ hoặc không bệnh, bệnh nhân cũng an tâm hơn và không phải mất thời gian đi lại tốn kém. Tiếng lành đồn xa, đa số bệnh nhân khi đã điều trị tại đây đều tin tưởng và không muốn chuyển tuyến bệnh viện khác. Có trường hợp bệnh nhân quá cảm kích trước tấm lòng của y, bác sĩ Bệnh viện Dệt May, đã sáng tác lời bài hát, phổ nhạc và hát tặng bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Chữa bệnh ở nước ngoài

Nhà lý luận phê bình N.T, bị bệnh ung thư đường ruột đã 7 năm nay, nhưng do được điều trị kịp thời ở Singapore nên ông vẫn sống khỏe. Định kỳ 6 tháng một lần, ông bay sang Singapore khám và điều trị. Tuy chi phí ngốn tới vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng do con cái làm kinh tế khá, tiền không phải là quá khó, cái cần là sức khỏe của cha, nên họ sẵn sàng chi nhiều tiền, miễn sao cha họ - sống khỏe. Trường hợp khác, K.T.N, một cán bộ của Bộ Ngoại giao, phát hiện ung thư đại tràng, đã sang Quảng Châu, Trung Quốc phẫu thuật và điều trị, chứ không chọn điều trị ở Việt Nam dù anh có BHYT.

y te nuoc ta co nhieu tien bo
Bệnh nhân Lê Thị Thanh Vân tặng lời bài hát cho Giám đốc Bệnh viện Dệt May - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng

Nữ đạo diễn Dương Bích Thủy kể, sau khi về hưu sang Mỹ định cư do con rể là người Mỹ bảo lãnh. Chị mắc bệnh tiểu đường nhiều năm rồi, khi sang Mỹ, chị mới có thẻ xanh chứ chưa được nhập quốc tịch Mỹ, nhưng cũng đã được hưởng chế độ BHYT. Chị được khám định kỳ và cấp thuốc men đầy đủ, kể cả những loại thuốc đặc trị với giá rất cao.

Thủ tục khám, chữa bệnh ở các nước phương Tây đôi khi cũng khá lằng nhằng, rắc rối. Ông Claude Gendre, vùng Roussilion (Pháp) cho biết, ông bị đục thủy tinh thể, khi đi khám vào tháng 3-2017, bác sĩ chỉ định phải mổ, nhưng cần đợi qua 6 tháng, nghĩa là tới tháng 9-2017 ông mới được bác sĩ mổ mắt cho. Lý do là vì bác sĩ chuyên môn đó hiện đang rất thiếu, nên không thể sắp lịch phẫu thuật sớm hơn cho ông được. Như vậy, ông Claude phải chịu đựng chất lượng thị lực suy giảm trong nửa năm trời vì không có bác sĩ.

y te nuoc ta co nhieu tien bo

Thanh Hằng, một Việt kiều tại Praha (Cộng hòa Czech) kể rằng, cô bị đi tiểu ra máu ba lần, dù biết là nguy hiểm, nhưng cô lại tự tra “bác sĩ Google” cộng với tham khảo thêm một số y, bác sĩ Việt Nam quen biết, để tự điều trị bằng cách nhờ người nhà mua thuốc viêm đường tiết niệu ở Việt Nam gửi sang. Cả ba lần tự điều trị, bệnh hết, nhưng Hằng rất sợ bị tái phát. Cô lại lần hồi nhờ tôi tìm mua giúp một loại thuốc đông y là Thận khí khang ở Việt Nam gửi sang để uống phòng bệnh. Có người hỏi cô, tại sao không đi khám bệnh ở Czech, cô cho biết, do công việc quá bận rộn, cộng với việc muốn khám bệnh ở đây tốn rất nhiều thời gian đặt lịch hẹn với bác sĩ, ở Czech phải mất cả tháng để đặt lịch hẹn bác sĩ.

Jana S. một thư ký cho giám đốc kinh doanh của Nhà máy Beton tại vùng Beroun, CH Czech cũng khá bực mình khi cô muốn đi khám phụ khoa, phải đặt lịch hẹn trước một tháng, nhưng trước hẹn một ngày, nhân viên bệnh viện lại gọi điện cho cô, xin lỗi phải hủy lịch hẹn khám, vì bác sĩ được chỉ định khám cho cô phải đi hội thảo chuyên môn. Dù rất cáu giận nhưng Jana cũng đành chấp nhận chờ đợi để đặt lịch hẹn khám lần sau. Bởi dù muốn, dù có chấp nhận chi nhiều tiền, cô cũng không thể chạy sang một bệnh viện khác để khám dịch vụ ngay hôm sau được. Trong khi đó, cô đã sắp xếp thời gian để nghỉ làm. Khi bị hủy hẹn khám bệnh, cô muốn đi làm vào ngày đó cũng không được nữa, vì công ty đã sắp người khác làm thay cho cô, không thể đổi nhanh như thế được, cô vẫn bị trừ một ngày nghỉ phép.

Thủ tục khám, chữa bệnh ở các nước phương Tây nhiều khi rất phức tạp, rắc rối, nhất là việc đặt lịch khám bệnh.

H.B, một Việt kiều tại Bỉ, cũng gặp rắc rối và rất bức xúc với cách vận hành khá chậm chạp của bệnh viện tại Bỉ, trong trường hợp của con gái cô - cháu K, 3 tuổi - có BHYT toàn bộ tại Bỉ. Bắt đầu từ tháng 2-2017, cháu bị ho nên cô cho con đi khám bệnh. Theo quy định vận hành y tế ở đây, cô cần đặt lịch hẹn với bác sĩ gia đình, người phụ trách theo dõi tình trạng sức khỏe cho con gái cô. Một tuần sau mới có lịch khám, vị bác sĩ gia đình cho biết, con cô bị dị ứng phấn hoa nên sẽ bị ho lâu dài trong suốt mùa hoa nở.

Bác sĩ kê đơn cho con cô dùng nước rửa mũi và thuốc xông họng chỉ mang tính chất vệ sinh họng. Cháu K bị ho suốt 3 tháng, đến cuối tháng 5-2017, cháu ho nặng, có đờm xanh, mẹ cháu nghe phổi có tiếng ran thì quá sốt ruột. H.B liên lạc với bác sĩ gia đình, bác sĩ gia đình khám lại cho con cô, vẫn khẳng định cháu chỉ bị dị ứng phấn hoa, H.B rất bực mình vì bao lâu nay cô mất ngủ, do con ho suốt đêm, cộng thêm bị nôn vào ban đêm khi lên cơn ho, cô đã to tiếng đòi bác sĩ phải cho con cô chụp X-quang phổi kèm thử máu. Nếu không cô sẽ không chịu rời khỏi phòng khám. Tới lúc đó bác sĩ gia đình mới chịu viết giấy chuyển con cô lên bệnh viện để thử máu và chụp X-quang.

Một tuần sau cô liên lạc qua điện thoại, hỏi kết quả thì nhân viên bệnh viện cho biết, chưa có kết quả. Cô vô cùng sốt ruột vì con gái bị sốt, lên cơn co giật và tiếp tục bị nôn nên lại phải làm to chuyện. Cô ép chồng mình nghỉ việc, tới tận bệnh viện khiếu nại, hôm sau (nghĩa là sau 10 ngày thử máu và chụp X-quang phổi), bệnh viện mới thông báo là cháu K bị viêm phổi. Kể lại câu chuyện của mình, cô thốt lên “Bệnh viện Tây không phải lúc nào cũng tốt”.

y te nuoc ta co nhieu tien bo
Bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Dệt May

Dược sĩ Hoàng Ngọc Hùng cho biết, hiện nay y tế Việt Nam đã phát triển nhanh, thiết bị hiện đại và đội ngũ y sĩ được đào tạo tốt, thực hành nhiều, tiến bộ hơn, có chất lượng khám, chữa bệnh cao. Chỉ vì cách vận hành và trình độ quản lý y tế còn chưa theo kịp nên xảy ra một số sự việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, bản thân bệnh nhân và người nhà cũng nên biết tiết chế cảm xúc, bình tĩnh, sáng suốt trong những tình huống gấp, gay go để có lựa chọn giải pháp chữa bệnh đúng đắn nhất, phối hợp tốt nhất với nhân viên y tế, tránh để tiền mất tật mang và sinh oán hận người khác khi kết quả điều trị không như mong đợi.

V.M.H, một Việt kiều cho hay lý do ông về nước đầu tư mở một bệnh viện cao cấp tại Hà Nội là vì nhận thấy mỗi năm Việt Nam “chảy máu” khoảng 1 tỉ USD thông qua “kênh” các bệnh nhân giàu lựa chọn sang Singapore, Hàn Quốc, các nước tiên tiến Tây Âu như Đức, Pháp… để chữa bệnh, thậm chí chỉ là khám tổng quát định kỳ. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng đổ sang Hàn Quốc, vì nghe tin đồn Hàn Quốc chữa được 80% ca ung thư nếu phát hiện sớm. Thậm chí, có sẵn cả dịch vụ chuyên đưa bệnh nhân sang Hàn Quốc chữa bệnh trọng.
Bên cạnh những người giàu ôm tiền ra nước ngoài chữa bệnh, những mong được hưởng dịch vụ y tế cao cấp hơn, được nền y học tiên tiến hơn chữa khỏi bệnh nan y cho mình, thì cũng có không ít Việt kiều lại trở về quê hương để chữa bệnh hoặc thực hiện các dịch vụ y tế khác. Phương Thảo, một cô gái trẻ đang làm việc cho một hãng kiểm toán uy tín tại Melbourne (Australia), đã chọn cách bay về Việt Nam để chữa răng. Lý do là vì chữa răng ở Việt Nam chi phí chỉ bằng 1/10 so với chi phí chữa răng ở Australia. Phương Thảo tiết lộ cô săn được vé máy bay rẻ trên mạng, chỉ tốn 600 đôla Úc cho vé khứ hồi, lại được dịp tranh thủ về nước thăm bố mẹ.

Minh Hải

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps