Xung đột Nga-Ukraine: Xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm, sự hỗn loạn thị trường năng lượng đã có thể kết thúc?

11:00 | 04/01/2023

896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, được phát động ngày 24/2/2022, khiến thị trường năng lượng, lương thực và tiền tệ quay cuồng. Nhưng cuối cùng, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy sự hỗn loạn ấy có thể kết thúc, giai đoạn tồi tệ nhất nhiều khả năng đã qua.
Xung đột Nga-Ukraine: Xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm, sự hỗn loạn thị trường năng lượng đã có thể kết thúc?
Giống như dầu mỏ, giá khí đốt tự nhiên đã giảm trong nửa cuối năm 2022 xuống dưới 106 USD/MWh. Điều đó có nghĩa là nhiên liệu này hiện chỉ tăng khoảng 10% so với mức trước xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Getty)

Giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và lương thực đều giảm trở lại mức trước xung đột, sau khi tăng đột biến ngay sau chiến dịch và sau đó tăng trở lại vào mùa Hè.

Trong khi đó, đồng Euro đã tăng 7% so với USD trong 3 tháng qua, sau khi giảm xuống dưới mức ngang bằng với đồng tiền của Mỹ lần đầu tiên sau hơn hai thập niên vào đầu năm nay.

Giới phân tích cho rằng, đã xuất hiện các yếu tố cho thấy cuộc khủng hoảng thị trường gây ra bởi xung đột Nga-Ukraine cuối cùng có thể sắp kết thúc.

Giá năng lượng giảm xuống mức trước xung đột

Giá dầu tăng vọt trong vài tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đạt đỉnh gần 130 USD/thùng vào ngày 8/3/2022.

Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, vì vậy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Điện Kremlin như lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ đã siết chặt nguồn cung toàn cầu và đẩy giá cao hơn.

Giá dầu Brent và West Texas Middle đã giảm đều đặn kể từ tháng 7 và hiện giao dịch gần với mức trước xung đột, với khoảng 80 USD/thùng.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã phải vật lộn để mở cửa lại nền kinh tế sau hai năm phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Số ca mắc Covid-19 tăng mạnh đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô của nền kinh tế số 2 thế giới.

Các nhà phân tích cho biết, sự kết hợp giữa suy thoái kinh tế toàn cầu và những đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương vào năm tới có thể khiến “vàng đen” giảm giá hơn nữa, ngay cả khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài.

Jorge Leon, chiến lược gia nghiên cứu thị trường dầu mỏ cấp cao tại Rystad Energy (công ty nghiên cứu năng lượng có trụ sở tại Oslo, Na Uy) cho biết: “Giá dầu giảm trong những tháng gần đây do lo ngại suy thoái kinh tế và lãi suất tăng ở nhiều nền kinh tế phát triển”.

Ông nói: “Tình hình tồi tệ hơn ở Ukraine cũng có thể phát ra các tín hiệu tiêu cực cho thị trường do suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng vọt trong mùa Hè 2022. Hợp đồng tương lai trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan đã tăng gần 300% từ tháng 2 đến cuối tháng 8 khi Nga cắt nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

Nhưng giống như dầu mỏ, giá khí đốt tự nhiên đã giảm trong nửa cuối năm 2022 xuống dưới 100 Euro (106 USD) mỗi MWh. Điều đó có nghĩa là nhiên liệu này hiện chỉ tăng khoảng 10% so với mức trước cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các quốc gia thành viên cố gắng đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt sớm vài tháng, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong khi đó, các quốc gia bao gồm Đức và Hy Lạp đã mua các thiết bị đầu cuối nổi khổng lồ để họ có thể nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng đường biển.

Ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo nói với Insider: “Cuộc khủng hoảng khí đốt cho mùa Đông này đã kết thúc. Sự kết hợp giữa mức dự trữ rất cao và số lượng các lô hàng LNG kỷ lục có thể sẽ ngăn chặn bất kỳ rủi ro nào đối với nguồn cung”.

Giá thực phẩm rục rịch giảm

Ukraine thường được mô tả là "vựa lúa mì của châu Âu" vì nước này sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn lúa mì và ngô sang lục địa này.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào tháng 2/2022 đã làm dấy lên lo ngại rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu kéo dài, đẩy lạm phát, vốn đã tăng vọt, lại càng cao hơn nữa.

Giá lúa mì giao kỳ hạn tăng gần gấp đôi lên mức 14,25 USD/bushel (1 bushel = 35,24 kg) hai tuần sau khi xung đột nổ ra, trong khi giá ngô giao kỳ hạn tăng 16% lên 7,81 USD/bushel từ tháng 2 đến tháng 7 năm ngoái.

Cũng giống như dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, cả hai mặt hàng lúa mì và ngô hiện giao dịch gần với mức trước xung đột.

Xung đột Nga-Ukraine: Xuất hiện ánh sáng cuối đường hầm, sự hỗn loạn thị trường năng lượng đã có thể kết thúc?
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres (hàng đầu bên trái), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan (hàng đầu bên phải) chứng kiến Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov (người đứng bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar trao đổi văn kiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, ngày 22/7/2022, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Giá ngũ cốc đã giảm kể từ tháng 7 - thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Nga và Liên hợp quốc cho phép xuất khẩu lương thực chủ chốt từ ba cảng của Ukraine.

Tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cho biết trong một tuyên bố: “Kế hoạch của Liên hợp quốc, mở đường cho thực phẩm và phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu, sẽ giúp ổn định giá lương thực đang leo thang trên toàn thế giới và ngăn chặn nạn đói”.

Euro dần phục hồi

Tiền tệ cũng phản ánh sức khỏe kinh tế của một khu vực. Đồng Euro lao dốc so với USD ngay sau chiến dịch quân sự của Nga và đồng tiền này tiếp tục gặp khó khăn trong phần lớn năm 2022.

Xung đột ở Ukraine đã cản trở niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong khi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất khiến đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn so với Euro đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi suất cao hơn.

Euro đã giảm xuống dưới mức ngang giá với USD lần đầu tiên sau 20 năm vào ngày 2/9 và được giao dịch dưới 96 cent vào cuối tháng đó, mức thấp nhất trong năm 2022, nhưng đã tăng trở lại vào quý cuối cùng của năm với mức tăng hơn 10%, lên 1,06 USD/Euro.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất cao hơn vào năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm tới.

Theo các nhà phân tịch, xung đột Nga-Ukraine với các đòn trừng phạt và trả đũa phương Tây-Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, mùa Đông ấm hơn thường lệ đã phần nào hạ nhiệt giá khí đốt, khiến kinh tế Eurozone tránh được một cuộc khủng hoảng lớn.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường của tổ chức giao dịch ngoại hối Oanda nói: "Thời tiết bắt đầu ấm hơn đã làm giảm bớt một số lo ngại về cạn kiệt năng lượng và an ninh khí đốt".

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Châu Âu có thể vẫn đang hoặc hướng tới một cuộc suy thoái. Đó không chỉ là về các định nghĩa kỹ thuật, mà còn về độ sâu của vấn đề”.

Theo Hải An (Báo Quốc tế)

Thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì sau vụ nổ ở Nordstream?Thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì sau vụ nổ ở Nordstream?
Các nước Trung Á tận dụng cơ hội để vươn lên thành trung tâm trung chuyển năng lượngCác nước Trung Á tận dụng cơ hội để vươn lên thành trung tâm trung chuyển năng lượng
Tổng thống Ukraine đề xuất 3 bước tiến tới hòa bình với NgaTổng thống Ukraine đề xuất 3 bước tiến tới hòa bình với Nga