Thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì sau vụ nổ ở Nordstream?

10:58 | 29/09/2022

1,850 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quá nhiều sự kiện "nóng" đã xảy ra ở châu Âu trong vài ngày qua. Nordstream 1 và 2, dự án vốn gây nhiều tranh cãi giữa Nga và châu Âu, tâm điểm của cuộc chiến khí đốt, xảy ra sự cố rò rỉ mà nguyên nhân được xác định là do hành vi phá hoại, bởi 2 vụ nổ ngày 25 và 26/9 với cường độ 1,9 độ Richter và 2,3 độ Richter. Nga sẽ phản ứng như thế nào, và thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì?
Thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì sau vụ nổ ở Nordstream?

Vụ nổ Nord Stream diễn ra trùng với sự kiện đưa khí từ Na Uy đến Ba Lan qua tuyến đường ống Baltic vào ngày 27/9, mà Warsaw coi là bước quan trọng để đa dạng nguồn khí đốt.

Châu Âu "nóng" thêm bởi những cảnh báo của Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Nga Dmitry Mevedev nói mọi vũ khí của Nga, trong đó có vũ khí hạt nhân, đều có thể được dùng để bảo vệ lãnh thổ sáp nhập. Tuyên bố được đưa ra trước khi Nga tổ chức trưng cầu dân ý để sát nhập các vùng lãnh thổ Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga.

Lập tức, ngày 28/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất các biện pháp trừng phạt thứ tám nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm áp đặt hạn chế thương mại hơn nữa với Nga, liệt kê các cá nhân Nga vào "danh sách đen" của EU và áp trần giá dầu mỏ đối với nước thứ 3.

Vậy Nga sẽ phản ứng như thế nào, và thị trường dầu mỏ, khí đốt sẽ tiếp tục hứng chịu những hậu quả gì?

Căng thẳng năng lượng giữa Moscow và châu Âu có thể leo thang hơn nữa, khi EU thảo luận về cơ chế giới hạn giá khí đốt, với 15 quốc gia thành viên hiện kêu gọi áp dụng mức trần giá toàn EU đối với tất cả các mặt hàng khí đốt nhập khẩu, không chỉ từ Nga.

Nguồn cung cấp qua các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 không hoạt động sẽ không thể thực hiện được trong ít nhất vài tháng nếu không muốn nói là nhiều năm sau khi cả hai đều bị hư hỏng.

Nga có thể tiếp tục ngăn chặn dòng khí đốt qua Ukraine đến châu Âu. Theo nhận định của nguồn tin từ Energy Intellegence thì Nga sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Naftogaz về khiếu kiện trọng tài chống lại Gazprom.

Tuyến vận chuyển khí qua Ukraine có thể bị đóng, dòng chảy có thể ngừng hoàn toàn. Gazprom cho biết vào ngày 27/9 rằng họ bác bỏ yêu cầu trọng tài của Naftogaz, được đệ trình gần đây về khối lượng vận chuyển khí đốt đã đặt trước chưa thanh toán. Gazprom tin rằng họ không phải trả tiền cho năng lực không có sẵn về mặt kỹ thuật vì quyết định của Kyiv đóng cửa một trong hai cửa khẩu ở biên giới Nga vào tháng 5.

Lời đe dọa trừng phạt nhằm vào công ty năng lượng Ukraine, cùng với các đường ống bị hư hỏng ở vùng biển Baltic của Đan Mạch, dường như làm gia tăng cuộc chiến năng lượng giữa Moscow và châu Âu và phản ánh sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine.

Gazprom đã ngừng các dòng khí qua đường ống Yamal-Europe vào tháng 5 sau khi Nga áp đặt các lệnh trừng phạt đối với EuRoPol Gaz, chủ sở hữu của đoạn đường ống ở Ba Lan. Nếu quá cảnh qua Ukraine bị đóng cửa, con đường duy nhất cho khí đốt của Nga đến châu Âu sẽ là Turk Stream, đến một số quốc gia ở phía nam châu Âu, nhưng về mặt kỹ thuật có thể đưa một phần khí đốt tới trung tâm Baumgarten ở Áo, nơi có thể có sẵn nhiều người mua hơn. Công suất tại châu Âu của Turk Stream là 15,75 tỷ mét khối mỗi năm, hay khoảng 43 mm/d. Tuần trước, đường ống này xuất xưởng trung bình 37,5 mm/d.

Cuộc chiến ở Ukraine leo thang gây bất ổn hơn nữa cho nền kinh tế châu Âu, đẩy giá khí đốt lên cao trở lại. Giá giao ngay đã tăng trong tuần này, nhưng chủ yếu là do Gazprom đe dọa dừng các luồng vận chuyển qua Ukraine chứ không phải do thiệt hại đối với các đường ống không hoạt động ở Biển Baltic, nơi mà châu Âu không thực sự mong đợi sẽ mang thêm khí đốt vào mùa đông này, theo đánh giá của các chuyên gia Energy Intel.

Còn Nga thì đổ lỗi cho Mỹ, với lý do Mỹ có thể được hưởng lợi từ việc phá hủy các đường ống khi các nhà cung cấp của họ thu được lợi nhuận khổng lồ từ nguồn cung cấp LNG cho châu Âu.

Elena