Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 18,5%

17:35 | 03/12/2021

429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tiếp đà phục hồi từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 tiếp tục có sự tăng trưởng do nhu cầu tăng trong dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu tháng 11 tăng thấp hơn so với tháng trước chủ yếu do nhiều mặt hàng trong nhóm nông sản xuất khẩu giảm như: thủy sản, cà phê, chè, gạo, nguyên nhân do mới quay lại sản xuất nên các doanh nghiệp chưa khôi phục 100% công suất và thiếu hụt nhân công.

Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 18,5%
Xuất khẩu ngành chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi đó nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu giảm như: máy vi tính, linh kiện điện tử, điện thoại, máy ảnh, máy quay phim... cũng đã ảnh hưởng nhiều đến mức tăng xuất khẩu của tháng. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,5%).

Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020 do sự gia tăng cả về lượng và giá xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản. Cụ thể, xuất khẩu sắn tăng tới 64,7% về trị giá và tăng 47,1% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 11,7% về lượng nhưng tăng tới 40,5% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 6,7% về lượng nhưng tăng tới 44% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu nhân điều tăng 14,3% về lượng và tăng 14,6% về trị giá; kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 8,6%...

Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Túi xách, vali, mũ, ô dù giảm 5,4%; chè các loại giảm 2,3%.

Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là do sự gia tăng trong xuất khẩu than đá và xăng dầu các loại. Trong đó, xuất khẩu than đá tăng mạnh cả về lượng và trị giá xuất khẩu (tăng 150,4% về lượng và 147,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020); xuất khẩu xăng dầu các loại mặc dù chỉ tăng 3,7% về lượng nhưng do giá xuất khẩu tăng cao nên trị giá xuất khẩu tăng tới 48,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, xuất khẩu dầu thô sụt giảm mạnh về lượng (giảm 31,4%) nhưng do giá xuất khẩu tăng nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu quặng và khoáng sản khác mặt dù tăng 18,4% về lượng nhưng do giá xuất khẩu giảm nên trị giá xuất khẩu giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng, đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 257,95 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (10 tháng tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước) chủ yếu do sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid -19.

Các mặt hàng trong nhóm ngành chế biến chế tạo có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: sắt thép các loại, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,1% về lượng); máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 33,6 tỷ USD, tăng 39,8%; gỗ và sản phẩm gỗ, ước đạt 13,25 tỷ USD, tăng 20%; hàng dệt và may mặc ước đạt 28,89 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép các loại ước đạt 15,54 tỷ USD, tăng 3,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 45,05 tỷ USD, tăng 11,9%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 51,97 tỷ USD, tăng 11,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng ước đạt 9,38 tỷ USD, tăng 14,3%; hóa chất ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 39,5%; sản phẩm hóa chất đạt 1,75 tỷ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 4,4 tỷ USD, tăng 34,2%...

Chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, như: túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 2,66 tỷ USD, giảm 5,4%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc giảm 0,4%.

Xuất khẩu 11 tháng tăng trưởng 18,5%
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 84,77 tỷ USD.

Trong 11 tháng năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 84,77 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% và chiếm 11,9% xuất khẩu của cả nước; thị trường ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%, chiếm 8,6% xuất khẩu cả nước; Thị trường Hàn Quốc ước đạt 19,98 tỷ USD, tăng 14,6%; Thị trường Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc...

Có thể thấy rằng, thực hiện nghiêm Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, ngành Công Thương đã hoàn thành tốt mục tiêu kép, vừa thực hiện phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thành Công

Xuất nhập khẩu đảo chiều ngoạn mục Xuất nhập khẩu đảo chiều ngoạn mục
Canada thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam Canada thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần cân nhắc Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần cân nhắc
Tin tức kinh tế ngày 30/11: Mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá 400% Tin tức kinh tế ngày 30/11: Mật ong Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá 400%