Xuân về, thương những mầm non dang dở

10:51 | 03/01/2012

399 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
  “Tiêm đau lắm, ban đêm đau không ngủ được. Nhưng em không khóc đâu, em mà khóc thì mẹ sẽ khóc theo" bé Mạnh, bệnh nhi của Viện Huyết học truyền máu Trung ương thỏ thẻ...

Khoa Nhi của Viện Huyết học truyền máu Trung ương mới được mở thêm vào sau Tết 2010. Bệnh nhân ở đây là những cháu bé bị ung thư, đầu “trọc lốc” do đang được xạ trị hoặc truyền hóa chất nên tóc không mọc được. Nhiều bé vẫn hồn nhiên chơi đùa cùng bạn bè, nhưng nhiều bé lại mệt mỏi, chậm chạp do mang trong mình căn bệnh nan y.

"Cháu thích viết lắm, nhưng cháu không cầm được bút”

Thấy đông người, một người đàn ông vẻ mặt thảng thốt bước vào, nhìn đứa bé trên giường đang ngủ ngon lành ông thở phào nhẹ nhõm. Khi được hỏi sao anh lại vội vàng như thế, người đàn ông tuy mới trạc 30 nhưng bề ngoài như đã gần 60 ấy nói qua tiếng thở: “Tôi thấy đông người vào phòng, tưởng có cháu nào trở bệnh, chỉ mong không phải con mình”.

Một chút nhẹ nhõm thoáng qua trên khuôn mặt đau khổ của người cha tội nghiệp.

Bé Thuyên mới nhập viện được từ tháng 08/2010 nhưng dường như căn bệnh ung thư máu quái ác đã vắt kiệt từng sức lực của đứa trẻ. Thuyên là một trong những trường hợp bệnh nặng nhất ở đây, gia đình nghèo khó, tiền bảo hiểm y tế tuy đã đỡ 20%, bệnh viện chi trả 80% còn lại nhưng những loại thuốc hỗ trợ sức khỏe khác, chi phí đi lại, ăn uống của cả gia đình cũng không phải món tiền nhỏ.

Mệt mỏi, lo lắng quá sức, cả hai vợ chồng đều ngã bệnh, vừa tự điều trị cho bản thân vừa dồn sức chăm lo cho con, nhìn cái gia đình ấy, ai cũng thấy quặn đau.

"Cháu thích viết lắm, nhưng cháu không cầm được bút".

Hỏi đến Thuyên, cậu bé yếu ớt nhưng đôi mắt lanh lợi, Thuyên chỉ nói được ít từ nhưng là những gì cậu đang khát khao nhất: “Cháu muốn được viết. Nhưng cháu không cầm được bút”. Nhìn đôi mắt ngây thơ và đầy niềm tin ấy, mong rằng may mắn sẽ đến với gia đình họ dù chỉ bằng một phần nghìn hi vọng.

Bác sĩ Mai Lan (Trưởng khoa Nhi) cho biết: “Vốn khoa này là chữa trị cho người lớn nhưng do số lượng các cháu chuyển từ viện nhi, viện K đến đông nên viện huyết học mới thành lập một khoa nhi riêng để tiện chăm sóc các bé cho chu đáo và tập trung chuyên môn”.

Như bé Nguyễn Đức Việt (5 tuổi), một cậu bé dễ thương, đôi mắt to thông minh chẳng ai nghĩ rằng bé đang bị bệnh. Lúc đầu, cháu bị nổi mụn nước như bỏng rạ, đi khám da liễu, bác sĩ nói là bị Viêm da tụ cầu và cho thuốc bôi. Sau hai tuần cháu khỏi bệnh vài ngày rồi lại tái phát.

Cùng thời gian đó, chị Giang thấy con bị những vết bầm tím dưới da, chị nghĩ đơn giản là do cháu bị va đập vào đâu đó khi chạy nhảy chơi đùa… Chỉ đến khi phát hiện những vết bầm này khá nhiều, chị mới đến hỏi các bác sĩ. Sau đó, chị mang con đi thử máu và nhận được kết quả: bé bị giảm tiểu cầu.

Có những cháu bé còn đang được ẵm ngửa, vậy mà cũng đã mắc những khối u gan, u thận hoặc ung thư máu. Bé Vũ Ngọc Mạnh, con chị Trần Thị Hằng ở Thái Bình là một trường hợp như vậy. "Em phát hiện ra cháu bị u gan từ khi cháu được 7 tháng…”. Chị Hằng chỉ kể được hai câu, rồi nước mắt rơi lã chã vì tủi phận. Kể từ đó đến nay, gần một năm trời cha mẹ bỏ ruộng bỏ nhà lên trông cháu trong viện.

Các bé dưới 6 tuổi được miễn viện phí, nhưng với một gia đình ở nông thôn chỉ trông vào vài sào lúa làm thu nhập chính, thì việc lên thành phố, vào viện chăm sóc con, không còn nguồn thu thì chi phí cuộc sống và nuôi dưỡng cháu cũng không biết trông vào đâu…

Trẻ em ung thư – cần lắm những yêu thương

Ung thư ở trẻ em cũng như ở người lớn, có đến biết bao nhiêu dạng. Nhưng nhìn những đứa trẻ ung thư máu đang điều trị tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương mới thấy thật sự lo ngại. Bệnh lý liên quan đến máu rất nguy hiểm. Việc thay máu thường xuyên là một vấn đề nan giải với không chỉ gia đình các em nhỏ mà còn cho chính bệnh viện. Tìm ra những lượng máu an toàn cho trẻ em mà đủ nhiều để có thể duy trì sự sống và niềm hi vọng cho các bé là điều khiến nhiều bác sĩ cũng như cha mẹ các em băn khoăn, suy nghĩ.

Kinh phí lúc này không còn là vấn đề nữa, có một thứ không có gì thay thế được nếu không có lòng nhân đạo của những trái tim hồng – đó là dòng máu. Máu không thể nhân tạo được, máu cũng là một phần thân thể của con người. Mọi người có thể cho tiền, cho vật chất, giúp đỡ cả sức lao động nhưng cho đi một phần thân thể đâu phải ai cũng dám làm…

Những tấm thân gày gò, mệt mỏi chen chúc trong những khung giường hẹp. Những lần thiếu máu là mỗi lần sự sinh tử đấu tranh ác liệt, chỉ mong rằng các em có thể nhận được nhiều dòng máu yêu thương của toàn xã hội. Để có thể tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ…

Thạc sĩ Bùi Ngọc Lan xót xa khi nói với phóng viên rằng, mỗi tháng có tới 100-150 em bé tới khám bệnh, và chỉ có chừng 10% được nằm lại điều trị bởi đa số trẻ đều không được phát hiện kịp thời và chỉ được đưa tới bệnh viện khi đã quá muộn.

Bé háo hức làm quen với màu sắc khi chơi tập tô.

Trẻ em, sức chịu đựng kém nên khi truyền hoá chất vào người rất hay bị lở loét mồm miệng, chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc thuốc… Trong khi các bệnh viện hiện tại quá thiếu những trang thiết bị hỗ trợ cho việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư. Muốn trị bệnh phải có những thiết bị chụp cộng hưởng từ, kết hợp phóng xạ, xét nghiệm sớm để phát hiện những khối u kích cỡ nhỏ. Đồng thời khi điều trị cũng đang rất thiếu những dụng cụ như tiêm máy để truyền hoá chất, nên hiện giờ các y tá vẫn phải tiêm truyền hóa chất cho các cháu bệnh nhân bằng tay.

Trẻ dưới 6 tuổi được miễn viện phí, đa số trẻ lớn hơn thì chữa bệnh nhờ vào bảo hiểm y tế… Những hóa chất không có trong danh mục thì gia đình các cháu phải mua. Gia đình nào có người ốm, lại phải cứu chữa rất dài kỳ như bệnh ung thư, đều trở nên nghèo túng. Nhất là những gia đình ở nông thôn, thu nhập thấp.

Bệnh nặng, cái chết lúc nào cũng rập rình, thế nhưng trên môi các em lúc nào cũng ánh lên nụ cười hi vọng.

Em Mạnh (10 tuổi) thỏ thẻ: “Tiêm đau lắm, ban đêm đau không ngủ được. Nhưng em không khóc đâu, em mà khóc thì mẹ sẽ khóc theo”.

Ước mơ của các em không phải là đồ chơi hay quần áo đẹp, các em chỉ mong khỏe mạnh, được về nhà, được đi học và được sống như những đứa trẻ bình thường khác.

Vương Tâm