“Xóm cụt tay” bên hồ Thác Bà

06:43 | 03/11/2013

3,710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây gọi xóm Mạ (xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là “xóm cụt tay”. Xóm có đến vài chục người cụt tay. Điều lạ, họ đều là những người đàn ông với những cánh tay cụt ngủn. Có người cụt đến khuỷu tay, có người cụt một bên cánh tay, người mất vài ba ngón… Tưởng rằng họ là nạn nhân của chiến tranh nhưng hỏi ra thì không phải.

Mìn nổ là đổ máu

Từ thị trấn huyện Yên Bình (Yên Bái) chạy xe máy khoảng 30 cây số đường đá mới đến được xóm Mạ, xã Vĩnh Kiên. Xóm Mạ nghèo nàn, heo hút nằm chênh vênh bên đập hồ thủy điện Thác Bà.

Từ lâu, xóm Mạ được nhiều người gọi bằng cái tên “xóm cụt tay” nghe hài hước làm sao nhưng ẩn sâu trong đó là nỗi ám ảnh, day dứt, kinh hoàng về những số phận kém may mắn khi dùng mìn để đánh cá. Mìn nổ, “đổi” lại là máu, thương tật, có khi phải bỏ cả mạng người.

Xóm Mạ có hơn một trăm nóc nhà nhưng đếm qua đã có vài ba chục gia đình có người bị cụt tay. Nhẹ thì cụt một bên, nặng thì cụt cả hai tay, còn những người bị cụt một vài ngón, cả bàn tay thì đếm không xuể. Họ cụt tay không phải bởi bom, đạn thời chiến tranh do kẻ thù ném xuống mà đơn giản là do hậu quả từ việc dùng mìn tự chế để đánh cá.

Ngược thời gian, những năm 70 của thế kỷ trước, hồ thủy điện Thác Bà được xây dựng xong. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất nước ta ngày ấy với diện tích 234km2. Những năm đó, nguồn thủy sản trong hồ nhiều vô kể, người dân quanh lòng hồ sống dựa vào nghề đánh bắt tôm cá. Những loài cá có giá trị cao như cá lăng, cá chiên... to bằng bắp đùi người lớn khiến người dân “ham” đánh bắt. Lưới không bắt được cá lớn, người ta lại nghĩ ra cách dùng mìn để đánh cá, vừa dễ dàng và đem lại hiệu quả hơn. Nhưng mìn thật sự hãi hùng, mìn chính là thủ phạm cướp đi tương lai và hạnh phúc của họ.

 Mìn vẫn nổ trên hồ Thác Bà

Ông Bùi Văn Lự là “tác giả” và cũng là nạn nhân đầu tiên của những quả mìn tự chế tại vùng đất này. Nhắc đến ông Lự “cụt”, mấy đứa trẻ con trong xóm đều thè lưỡi, lắc đầu, mắt trợn ngược tỏ vẻ ngưỡng mộ “biệt tài” chế mìn và ném mìn bằng chân của ông Lự.

Tìm đến nhà ông Lự vào lúc gần trưa. Căn nhà nhỏ mái được lợp bằng lá cọ đã cũ màu rêu phủ. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông trạc tuổi 50, đôi cánh tay cụt ngủn đến khuỷu đang “kẹp” để nhấc ấm nước chè từ bếp. Từ khi bị cụt tay, ông Lự chẳng tự mình làm được công việc gì, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do bàn tay người vợ chăm sóc.

Lự “cụt” sinh năm 1953, quê gốc Nam Định, từng là lính ở Lữ đoàn Công binh 279 chuyên rà, phá bom mìn. Xuất ngũ, ông rời quê lên hồ Thác Bà lập nghiệp. Khi nước hồ Thác Bà dâng cao cũng là lúc ruộng nương của dân ngập hết, những người như ông Lự lại chuyển sang nghề đánh bắt cá bằng mìn. Vốn là lính công binh nên việc làm mìn tự chế với ông Lự không hề khó. Tận dụng những quả bom chưa nổ còn sót lại mà ông tìm được trên lòng hồ từ trước đó, ông Lự cưa bom lấy thuốc để tự chế mìn đánh cá. Cuộc tàn sát thủy sản bằng mìn ở hồ Thác Bà bắt đầu từ ngày ấy và rồi mìn cũng đã khiến ông Lự mất hai cánh tay và sau này kéo theo hàng chục người bị nạn nữa.

Ông Lự nhớ lại ngày định mệnh đã cướp đi vĩnh viễn hai cánh tay của mình: “Với kinh nghiệm nhiều năm đánh cá, trưa hôm đó tôi ngẩng mặt nhìn trời biết chắc hôm nay cá lớn sẽ đi kiếm ăn nên tay cầm vợt, tay cầm mái chèo và không quên đút vào túi quần 2 quả mìn tự chế để ra hồ săn cá. Thuyền đang lướt nhẹ, bỗng đằng xa có một luồng nước sủi tăm cuồn cuộn, trắng xóa. Lát sau, phía trước mũi thuyền xuất hiện một đàn cá đen kịt, có con to lao vù vù như thủy quái, tôi vội lấy ở túi quần ra quả mìn tự chế to bằng vỏ lon bia rồi châm lửa vào đầu phần kíp nổ như mọi lần. Nhưng châm mãi mà dây cháy chậm vẫn không bén. Đang định dùng tay vạch ra để kiểm tra thì một tiếng nổ long trời lở đất đến đinh tai nhức óc”.

Anh Kiên bị mất một bên tay khi chưa đầy 22 tuổi, giờ "sống nhờ" vào vợ và mấy rọ tôm

Mìn nổ khiến ông Lự bất tỉnh 7 ngày. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong bệnh viện, mặt, tay và cơ thể băng bó kín mít. Ông nhấc tay lên định sờ vào mặt, nhưng than ôi, hai bàn tay đã không còn nữa. Sau tai nạn kinh hoàng ấy, người ta nghĩ rằng không riêng gì ông Lự mà cả cái xóm Mạ, xã Vĩnh Kiên này sẽ không ai dám dùng mìn để đánh cá nữa. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm, người dân nơi đây vẫn “sống - chết” cùng mìn.

Nói về phần ông Lự, từ ngày mất đi hai phần của đôi cánh tay thì gia cảnh trở nên nghèo túng. Lự “cụt” xem đời coi như đã chấm dứt từ đây, không còn cánh tay, ông Lự vẫn chèo thuyền để dùng chân ném mìn đánh cá. Có lẽ vì thế, thiên hạ “phong” cho ông Lự biệt danh “quái kiệt” ném mìn… bằng chân chẳng ngoa chút nào. Mỗi chuyến đi, thuyền ông Lự vẫn đầy những cá to, có con phải nặng đến ngót nghét 30kg.

Với vẻ hơi tò mò pha chút khâm phục tôi nói với ông, hai tay của bác mất rồi mà bác vẫn dùng chân để ném mìn được, bác giỏi quá. Ông Lự đỏ mặt tía tai gạt phắt đi: “Các chú tin gì chuyện người ta nói. Cụt hai tay như tôi, mọi sinh hoạt hằng ngày làm còn chẳng xong huống chi là ném mìn đánh cá”.

Như ngại ngùng, ông Lự biện minh: “Sau tai nạn đó, tôi vẫn đi đánh cá bằng mìn, nhưng chỉ ngồi trên thuyền làm “quân sư” cho người khác biết chỗ nào nhiều cá và có cá to để mà ném mìn thôi”. Ngày ngày, chứng kiến những cột nước cao cả chục mét dựng ngược lên kèm theo những tiếng nổ ùng oàng, chát chúa vang lên như sấm là người ta lại nghĩ đến cảnh đổ máu, tang thương, chết chóc ở cái xóm nghèo bên lòng hồ thủy điện này. Vậy mà chẳng có ai quan tâm đến hệ lụy của việc dùng mìn để đánh cá.

Những phận đời sau tiếng nổ

Khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống sau cái nắng gắt oi nồng vào độ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch thì đâu đó trên khắp các vùng lòng hồ thủy điện Thác Bà lại rung lên như những trận động đất sau những tiếng mìn nổ. Hầu như nhà nào cũng tự chế mìn để đánh cá. Nguồn thủy sản ở hồ Thác Bà bị đánh bắt theo kiểu tận diệt này chưa phải là điều đáng sợ mà còn là nỗi sợ hãi, khủng khiếp, đáng lên án hơn chính là hậu quả thương tâm do mìn gây nên.  

Anh Triệu Văn Tài nói rằng, ngoại trừ ông Lự ra, ở cái xóm Mạ này, những người bị tai nạn do đánh cá bằng mìn thì nhiều lắm, kể làm sao hết. Nói rồi Tài giơ hai bàn tay lên nhẩm đếm trên các đốt ngón tay những người bị mìn “ăn” cụt tay hoặc chết tại chỗ, tính sơ sơ cũng đã hơn 30 người. Cách nhà ông Lự một bờ rào cây dứa dại là nhà anh Nguyễn Đình Trung,  một nạn nhân bị mìn nổ khi chưa tròn 22 tuổi.

Mìn nổ để lại hậu quả cho ông Lự "cụt"

Trung may mắn hơn ông Lự là chỉ bị cụt một bên tay. Từ khoảng tháng 8/1996, hôm đó có trận mưa lớn. Biết hôm nay cá ngược dòng nước lên để sinh sản nên Trung liền rủ mấy người trong xóm dong chiếc thuyền ra hồ Thác Bà đánh cá. Anh Trung nhớ lại: “Tôi ném quả mìn thứ nhất được rất nhiều cá, toàn những con cá to, vớt được đầy ắp thuyền. Định bụng châm nốt quả mìn còn lại với hy vọng kiếm thêm một ít cá nữa đem về bán. Thế nhưng khi vừa châm lửa vào đầu dây cháy chậm thì quả mìn phát nổ, tôi ngất lịm đi”. Khi được chuyển lên Bệnh viện Yên Bái, họ đã phải cắt bỏ một bên cánh tay giập nát của Trung. 

Chứng kiến ông Lự, anh Trung người cùng xóm là nạn nhân do đánh mìn nhưng dường như ông Phạm Văn Lin chẳng thấy sợ. Ban đầu, ông Lin đi đánh cá bằng chài lưới, nơm, rọ. Thấy người ta quẳng một quả mìn bằng nắm tay xuống nước là tha hồ mà vớt cá ông cũng thấy “thèm”. Lúc đầu ông Lin chỉ theo người ném mìn để “ăn ké”. Về sau, ông Lin muốn ăn chắc một mình nên tìm cách xin thuốc về tự chế ra mấy quả mìn cỡ nhỏ.

Cũng như nhiều người, ông Lin chèo thuyền ra hồ, nhìn xuống vũng nước thấy cá động nên châm ngòi. Mãi không thấy ngòi mìn cháy, ông Lin ghé mồm thổi lửa thì bỗng mìn nổ trên tay. Bàn tay phải và hai ngón cái, cùng ngón trỏ của bàn tay trái đã mất đi vĩnh viễn. Lúc ông Lin bị nạn thì 5 đứa con nheo nhóc đang tuổi ăn tuổi lớn. Gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người vợ gầy yếu.

Nguyễn Văn Tám, Trưởng xóm Mạ đưa cho tôi xem cuốn sổ dùng để liệt kê danh sách những người cụt tay, mù mắt, tử vong do đánh mìn trên hồ Thác Bà. Đó là ông Lự, anh Trung, anh Kiên, anh Hồng... Những người chết tại chỗ như ông An, ông Thiết, anh Huy…, cả thảy danh sách dài hơn một trang giấy khổ A4 kín mít.

Ông Phạm Văn Lin và hậu quả của mìn tự chế

Lần theo địa chỉ được ghi trong bảng danh sách, tìm đến nhà anh Kiên - cậu học trò ngày nào đang chuẩn bị ôn thi đại học thì quả mìn bé nhỏ đã cướp đi tương lai của anh. Nghe tiếng người lạ gọi ngoài cửa, Kiên ngồi nhổm dậy từ mớ chăn màn bùng nhùng, chiếc giường tre ọp ẹp không đủ chỗ và sức chịu đựng cho hai người thanh niên như chúng tôi ngồi vào .

Đặng Trung Kiên vốn là một cậu học sinh ngoan, học khá. Ngày ấy ước mơ học lấy con chữ để thoát khỏi đói nghèo là khát khao của bao người dân nơi đây. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 (năm 1991), trong lúc ở nhà ôn chuẩn bị cho kỳ thi đại học, Kiên lân la theo dân làng ra hồ Thác Bà đánh cá. Đau đớn thay, lần đầu tiên được cầm vào quả mìn tự chế cũng là thời khắc đôi tay và một bên mắt của Kiên bị mìn “cướp” mất. Mơ ước nghiệp đèn sách chấm dứt từ đấy. Anh nói với giọng buồn và tự trách bản thân mình: “Giá như ngày đó mình không dại dột thì có lẽ cuộc sống tương lai bây giờ đã khác”.

Giờ đây, với hai ngón tay may mắn còn sót lại, Kiên còn đôi chân duy nhất chèo thuyền chở vợ đi bỏ rọ tôm để kiếm miếng ăn qua ngày. Hiện vợ chồng Kiên sinh được hai con, sống trong căn nhà lụp xụp sát bên bờ sông Chảy. Vợ Kiên mắc phải căn bệnh vẹo cột sống, đi lại khó khăn nên gia cảnh càng trở nên cùng cực.

Vì mìn nên anh Nguyễn Văn Hồng đã hủy hoại tương lai và gia đình bằng rượu

Cách nhà anh Kiên không xa là gia đình anh Nguyễn Văn Hồng có hoàn cảnh éo le, cùng chung số phận đều là nạn nhân của mìn tự chế. Từ ngày bị mìn cướp đi một cánh tay, anh Hồng đâm ra chán nản, bỏ bê công việc, anh lao vào rượu để giải sầu, mong quên đi những nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần chẳng gì bù đắp được. Dù bị cụt một cánh tay nhưng Hồng vẫn có người con gái thương lấy làm chồng.

Cuộc sống nghèo túng khiến người vợ anh ta không chịu được nên đành bỏ đi gần một năm nay chưa có tin tức gì, để lại người chồng nát rượu cùng đàn con nheo nhóc. Nhà anh Hồng được dựng lên bằng những tấm phên nứa trát đất thủng lỗ chỗ khắp nơi. Ngó nghiêng quanh nhà anh chẳng thấy có gì đáng giá ngoài mấy can rượu ở góc nhà. 3 đứa con nhỏ của anh đang ngủ lăn lóc, vật vạ trên chiếc chiếu được trải dưới nền đất. Đứa nhỏ nhất chừng hơn một tuổi khóc um lên khi nghe tiếng bố nó nói lè nhè, quát mắng với giọng sặc sụa mùi rượu. Có lẽ đứa trẻ bụng đã đói khi đến trưa mà chưa có gì lót dạ.

Mặc cho chúng tôi hỏi, Hồng vẫn cầm chai rượu lên nốc ừng ực từng ngụm lớn như người trong cơn khát. Anh ta chửi trời, chửi đất, chửi người vợ bạc tình và cuối cùng là tự chửi mình vì dây dưa vào mìn nên giờ mới ra nông nỗi này. Dù anh có lấy rượu để giải khuây, anh có gào thét thì cũng không thay đổi được số phận hiện tại. Chúng tôi không muốn nêu thêm, nhắc thêm nữa những “phận ném mìn” bởi thế đã là quá hiểu.

Những hoàn cảnh bi đát, buồn thảm sau tiếng mìn long trời, lở đất. Là câu chuyện về những người coi thường tính mạng của mình, sau đó phải nhận một sự trả giá quá đắt. Vấn nạn mưu sinh bằng việc đánh mìn ở hồ Thác Bà hiện nay đã giảm đi rất nhiều, song một số người vẫn theo nghiệp đánh mìn. Chẳng biết đến bao giờ hồ Thác Bà thôi rung lên vì mìn nổ, không còn cảnh đổ máu, tang thương vì mìn? Rời xóm Mạ, chúng tôi còn nghe như có tiếng mìn nổ vang vọng dội về từ lòng hồ Thác Bà. Xa xa, mấy chiếc thuyền nan của người dân thả rọ tôm đang tiến vào bờ.

Ông Hoàng Ngọc Quyết - Chủ tịch xã Minh Tiến (xã bên) là địa phương có đến hơn chục người phải chịu hậu quả của việc đánh mìn tự chế trên hồ Thác Bà phân trần: "Minh Tiến là một xã miền núi nghèo từ xưa đến nay. Đời sống người dân chỉ trông chờ vào cây lúa, cây ngô, trình độ dân trí còn thấp. "Phong trào" người dân rủ nhau đánh bắt cá bằng mìn ra đời từ mấy chục năm nay. Thấy được sự nguy hiểm của việc đánh bắt cá bằng mìn nên lâu nay chính quyền địa phương không ngừng tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng mìn, mua bán thuốc nổ. Thậm chí việc áp dụng luật pháp đối với những người sử dụng thuốc nổ đã được thực thi để răn đe và làm gương cho dân bản. Tuy nhiên, người dân vẫn lén lút dùng mìn để đánh cá”.

  Phóng sự của Hà Văn Long