Vụ tấn công ngày 11/9 trong văn học đương đại Mỹ

09:33 | 07/09/2011

753 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
10 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9, những đống đổ nát từ tòa tháp đôi ở New York vẫn tiếp tục là đề tài được giới văn chương đeo đuổi, nhằm khám phá về những thân phận, nỗi đau, sự mất mát của con người...
Bìa cuốn "Windows on the World” của Frederic Beigbeder.

Tuy nhiên, không có nhiều nhà văn được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở khu Ground Zero, mà chỉ có thể theo dõi sự kiện đó qua truyền hình. Thế nên, một số người đã chọn thủ pháp siêu thực, qua đó cố gắng mô tả thời khắc định mệnh ấy: chiếc máy bay đâm vào tòa tháp, những đống gạch vụn, những con người lao qua cửa sổ…

Trong cuốn "Windows on the World” (tạm dịch là “Cửa sổ nhìn ra thế giới,” xuất bản năm 2003), tác giả người Pháp Frederic Beigbeder nói rằng ông muốn “kể lại những gì đã không được kể.”

“Cách duy nhất để biết điều gì đã xảy ra ở nhà hàng trên tầng thứ 107 ở tòa tháp phía Bắc thời điểm từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 29 sáng ngày 11/9 chỉ có thể là… tưởng tượng ra nó,” Beigbeder đã nói như vậy.

Rất nhiều tác giả đương đại đã lấy vụ 11/9 làm đề tài cho những trang viết của mình, như một nỗ lực nhằm thấu hiểu một cách bao quát tầm ảnh hưởng, cũng như vị trí của thảm họa đó trong lịch sử nhân loại.

“Trước đấy, chúng ta chưa từng có chút kinh nghiệm nào về những sự kiện tương tự. Vì thế, thật khó để mà phát triển câu chuyện, hư cấu sự việc,” tác giả người Anh Martin Amis viết năm 2007.

“Ngày 11/9 vẫn tiếp diễn, với tất cả những bí ẩn, sự bất ổn và sự vận động của nỗi sợ hãi,” Amis viết trong cuốn “The Second Plane” (Chuyến bay thứ hai), tập hợp những bài tiểu luận, những câu chuyện ngắn về vụ tấn công khủng bố.

Tác giả Don DeLillo – người đã tạo được dấu ấn trên văn đàn Mỹ bằng những cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi, cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những dòng chảy cuồn cuộn của sự kiện 11/9.

Ngay từ đầu tháng 11/2001, ông đã đề cập đến chuyện các nhà văn sẽ đối mặt với sự khủng khiếp của vụ tấn công khủng bố ấy như thế nào trong một bài luận được nhà Harpers xuất bản, có nhan đề “In the Ruins of the Future” (Trong sự lụi tàn của tương lai).

“Có một thứ gì đó thật trống rỗng trên bầu trời. Các nhà văn phải cố gắng vá víu những khoảng trống đó bằng ký ức, những ý nghĩa và sự nhạy cảm,” De Lillo nói. “Những con người đang chạy đua để giành lấy sự sống là một phần của câu chuyện mà họ để lại cho chúng ta.”

Năm 2008, DeLillo tiếp tục cho ra mắt cuốn “Falling Man,” kể về cuộc sống thường nhật của một nạn nhân sống sót sau thảm họa, về mối tình của nhân vật với một người phụ nữ nảy nở từ sau ngày 11/9.

Cũng trong năm 2008, tác giả John Updike đã viết cuốn “Terrorist” (Tên khủng bố), cuốn sách nhằm khám phá nội tâm của một chiến binh Hồi giáo cực đoan, quá trình từ một cậu bé sinh ra trong một gia đình đạo Hồi ở Mỹ, cho đến lúc gia nhập phong trào Thánh chiến.

Một cây đại thụ khác của văn học Mỹ, Phillip Roth đã viết cuốn “Exit Ghost” năm 2007, trong đó kể lại câu chuyện nhân vật Nathan Zuckerman đi tìm lại bản ngã của mình, sau khi đồng ý trao đổi căn nhà với một cặp đôi, những người “không muốn bị tiêu tan trong cái tên Allah.”

Năm 2006, tác giả Jay McInerney xuất bản cuốn “The Good Life” (Cuộc sống tươi đẹp) trong đó kể về một nhóm bạn cùng nhau ăn tối vào ngày 10/9/2001, rồi sau đó bị cuốn vào thảm họa kinh hoàng trong ngày hôm sau.

Một số tác giả khác, thay vì dựng lại những sự kiện trong vụ 11/9, thì đi vào khai thác bề sâu của những nỗi đau. Paul Auster, người đã chứng kiến cảnh tòa tháp WTC đổ sụp từ bancông nhà mình, đã tiếp tục củng cố vững chắc vị trí trên văn đàn bằng tác phẩm “Man in the Dark” (Người đàn ông trong bóng tối).

Trong câu chuyện của Auster thì vụ tấn công chưa bao giờ xảy ra, nhưng trong lòng nước Mỹ thì vẫn luôn diễn ra những cuộc nội chiến dai dẳng.

Tác giả Jonathan Franzen thì khắc họa bức chân dung của nước Mỹ trong tuần xảy ra vụ khủng bố, vẽ lên một bức tranh đầy ảm đạm về nước Mỹ một thập kỷ sau đó trong cuốn “Freedom” (Tự do) được xuất bản năm ngoái.

Trong cuốn sách thuộc dạng “best-seller” đó, gia đình Berglund, dù không bị ảnh hưởng trực diện của vụ 11/9, song những ảnh hưởng của nó đối với xã hội đã khiến cho thành tố gia đình, những mối ràng buộc rồi đạo đức, tất cả đều sụp đổ.

Đó mới là điều ghê sợ nhất sau cái ngày kinh hoàng 11/9.

Theo Vietnam+

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.