Vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo và có dư thừa
Chủ động các giải pháp điều hành thị trường tiền tệ
NHNN cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid bùng phát đã chủ động các giải pháp điều hành thị trường tiền tệ nên thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp, vốn khả dụng của các TCTD đảm bảo và có dư thừa; đến nay hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, không có biến động bất thường.
NHNN khẳng định vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo và có dư thừa |
NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Cụ thể, ngày 12/3/2020 ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngày 31/3/2020, NHNN ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV/TGĐ các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp để dành nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng...
Từ ngày 17/3/2020, NHNN giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cụ thể: Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm.
Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong trường hợp tiếp cận vốn từ NHNN và hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế.
Đồng thời, tại cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các NHTM đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% so với thời điểm trước dịch.
Nhiều kết quả khả quan
Nhờ những chỉ đạo kịp thời, ngành ngân hàng đã thu nhận được những kết quả tốt. Đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.
Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện nay các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản…
Về lãi suất, với các giải pháp điều hành của NHNN, các TCTD đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định; đồng thời lãi suất huy động các kỳ hạn từ trên 6 tháng được nhiều TCTD chủ động giảm để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Việc điều chỉnh giảm đồng bộ lãi suất kể từ ngày 17/3/2020 cộng hưởng với độ trễ tác động của chính sách điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN được TCTD giảm lãi suất huy động trong Quý 4 năm 2019 góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ vốn có chi phí hợp lý cho doanh nghiệp, người dân vay để phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Mặt bằng lãi suất huy động của TCTD đã liên tiếp giảm ở cả ngắn, trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay cũng theo xu hướng giảm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.
Về kết quả miễn, giảm phí thanh toán, NHNN cho biết sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng . Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng trong cả 02 lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.
M.T