VNR sẽ hoàn thành các dự án 7.000 tỷ trong năm 2021 như thế nào?

10:46 | 15/03/2021

179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ được triển khai các dự án thực hiện hoàn thành trong năm 2021 này nhằm mục đích cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu.

Bởi theo đánh giá thì nếu VNR không sớm triển khai các dự án, công trình cải tạo, nâng cấp mang tính thiết yếu thì nguy cơ tụt hậu, lùi xa trong biểu đồ dịch vụ vận tải trong thời gian tới.

Thị phần vận tải giảm sút

Cách đây 18 năm (2003), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Và, mãi đến 7 năm sau, VNR chuyển mô hình với hơn 60 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc.

Tiếp đó, đến năm 2013, đề án tái cơ cấu VNR được thực hiện một cách đồng bộ trên phạm vi cả nước, trọng tâm là Cty vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội. Nhưng, việc tái cơ cấu VNR vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Đến năm 2017, VNR lại được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận mới một đề án tái cơ cấu khác cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, qua hơn 41 tháng, con đường để thực hiện trọn vẹn đề án mới này vẫn phải chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Thị phần vận tải hành khách giảm sút mạnh trong năm 2020 vừa qua do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID -19 tác động
Thị phần vận tải hành khách giảm sút mạnh trong năm 2020 vừa qua do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID -19 tác động

Chính vì vậy, nhìn vào biểu đồ thị phần tham gia vận tải của VNR trong những năm qua chẳng “phất” lên là bao nhiêu. Thậm chí, trong bối cảnh dịch COVID -19 xảy ra từ đầu năm 2020, VNR đã phải báo lỗ.

Riêng các chỉ tiêu về vận tải hành khách trong năm 2020 sụt giảm mạnh, chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo của VNR, năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng, chỉ bằng 79% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp thì năm 2020, là năm đầu tiên lỗ và mức lỗ này là tương đối cao.

Được biết, hiện nay VNR là đơn vị được giao quản lý nhiều tài nguyên tài sản nhưng khai thác kinh doanh ra tiền là gần như không có mà dựa vào ngân sách hàng năm.

Có nhiều lý do khiến VNR “trượt dài theo con đường cũ” đó là có chế chính sách, nguồn lực, hạ tầng quá lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào sự điều tiết từ nhà nước trong khi thu hút vốn đầu tư từ tư nhân nhỏ giọt…

Kỳ vọng vào logistics để “hồi sinh” ngành đường sắt?

Vào tháng 5/2020, Bộ GTVT đã tiến hành khởi công dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam trị giá 7.000 tỉ đồng.

Các công trình cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM dự kiến hoàn thành trong năm 2021 gồm: Xây mới, cải tạo trên 100 cầu yếu; Cải tạo, nâng cấp hơn 200km đường sắt; Cải tạo, nâng cấp 30 nhà ga, mở mới 7 ga; Gia cố vỏ hầm kết hợp thay thế kiến trúc tầng trên khoảng 10 hầm yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng giao cho Ban quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư các dự án như: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn với tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỉ đồng.

Với hàng loạt các công trình, dự án nâng cấp, cải tạo như vậy, VNR sẽ tăng tốc độ chạy tàu, đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m và tăng 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm.

Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR làm trưởng đoàn đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đi khảo sát vị trí xây dựng ga hàng hóa tại huyện Diễn Châu
Ông Vũ Anh Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR làm trưởng đoàn đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đi khảo sát vị trí xây dựng ga hàng hóa tại huyện Diễn Châu vào ngày 05/3 vừa qua

Mới đây, vào ngày 05/3, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR làm trưởng đoàn đã đi khảo sát vị trí xây dựng ga hàng hóa tại huyện Diễn Châu và làm việc với UBND tỉnh về việc kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác, kết nối các khu vực trọng điểm sản xuất, xuất nhập hàng hóa trên địa bàn này. Đây cũng là địa phương năm trong gói dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (tổng chiều dài 319,02 km, riêng Nghệ An có 94km đường sắt Bắc – Nam chạy qua) với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng.

Tại Nghệ An, VNR dự kiến sẽ tiến hành nâng cấp, cải tạo 04 nhà ga gồm: Ga Chợ Sy (huyện Diễn Châu), khảo sát vị trí đề xuất xây dựng Ga Đò Đao (xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu), khảo sát Ga Mỹ Lý (huyện Diễn Châu), ga Nghi Long (huyện Nghi Lộc).

Được biết, VNR cũng đã phối hợp với tỉnh Nghệ An tiến hành khảo sát để đưa vào quy hoạch các địa điểm phù hợp tiến hành xây dựng bãi hàng, khu vực logistics đường sắt để kết nối với các khu công nghiệp, các trọng điểm hàng hóa và các phương thức vận tải đường bộ, đường biển nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông của địa phương này.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp