Việt Nam sẽ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày với sự có mặt của 250 đại biểu đến từ nhiều quốc gia thành viên của Liên đoàn các nhà sản xuất Sợi Dệt Quốc tế.
Hội nghị đã đề cập tới các vấn đề về tình hình biến động trên thị trường nguyên vật liệu trong bối cảnh khủng hoảng nợ tại nhiều quốc gia phát triển, tranh chấp tiền tệ, bất ổn chính trị ở một số vùng; Ngành dệt may Việt Nam trên đường phát triển; Chính sách thương mại dệt may Mỹ; Sự phát triển của ngành dệt may Trung Quốc; Các vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng; Ngành dệt kỹ thuật và các sản phẩm không dệt; Thị trường máy móc dệt may toàn cầu…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị.
Dệt may được coi là ngành công nghiệp đầu tiên của Việt Nam với bề dày 120 năm xây dựng và phát triển. Đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu hàng năm liên tục tăng cao, từ 5,9 tỉ USD năm 2006 đến 15,8 tỉ USD năm 2011, tăng trung bình 21%/năm. Năm 2012, với bối cảnh thị trường dệt may thế giới gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 vẫn đạt 12,6 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm 2011.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia cung cấp hàng dệt may lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, thứ ba vào Nhật Bản và thứ tư vào EU, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 15,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Kể từ tháng 9/2011, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trở thành thành viên của Liên đoàn các nhà sản xuất Sợi dệt quốc tế (ITMF), có sự kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới; được cập nhật những thông tin mới nhất về ngành sợi dệt trên thế giới; tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu; có cơ hội tiếp xúc với các chuyên gia kinh tế đầu ngành về các xu hướng phát triển trong tương lai.
Đồng thời, đây là cơ hội lớn để Vinatex giới thiệu về ngành dệt may Việt Nam với các bạn hàng, đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực mà ngành còn đang gặp khó khăn.
Theo Chủ tịch ITMF Bashir H. Ali Mohammad, trong lĩnh vực may mặc, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Lĩnh vực dệt trong thời gian qua cũng đã được quan tâm và đầu tư hơn. Sự đồng thuận tham gia của Vinatex mang ý nghĩa rất lớn đối với ITMF, góp phần giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong ITMF có thể học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam, cùng nhau hợp tác, đầu tư và phát triển.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Chúng ta xác định sợi, dệt, nhộm là sản phẩm nối dài của may, nhưng sản phẩm may là từ trung và cao cấp trở lên. Tạo điều kiện môi trường đầu tư, quy hoạch trồng bông, trồng cây nguyên liệu. Song song sản xuất là thiết kế về nhãn hiệu và thương hiệu. Mục tiêu 2020 ngành dệt may phải có 5 - 7% ở thị trường lớn. 2013 đặt mục tiêu xuất khẩu từ 20 - 21 tỉ USD. Đến 2015 đạt 25 -27 tỉ USD là nằm trong tầm tay của chúng ta.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao vai trò của ngành dệt may Việt Nam trong nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam xác định, đến năm 2020 công nghiệp dệt may là ngành công nghiệp quan trọng, đẩy mạnh sản xuất vải với nòng cốt là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là các đơn hàng dệt may trong 9 tháng vừa qua sụt giảm so với năm 2011, giá cả nguyên phụ liệu tăng cao.
Bên cạnh đó còn yếu về kết nối trực tiếp với ngành công nghiệp dệt của nhiều quốc gia trên thế giới. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hội nghị thường niên của ITMF là cơ hội tốt để các nhà sản xuất sợi, dệt, vải của Việt Nam tham gia học hỏi, trao đổi kinh nghiệm đồng thời tìm kiếm đối tác, giao thương mở rộng thị trường ra thế giới
Chính vì vậy, Hội nghị thường niên của ITMF sẽ là cơ hội tốt để các nhà sản xuất sợi, dệt, vải của Việt Nam tham gia học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, từng bước khắc phục những điểm yếu nói trên, đồng thời tìm kiếm đối tác, giao thương mở rộng thị trường với thế giới.
Bên cạnh các vấn đề lớn được nêu, Hội nghị còn có các hội thảo chuyên đề hướng dẫn, giới thiệu công nghệ xử lý các loại vải đặc biệt, các mô hình hệ thống quản lý nhà xưởng tiên tiến và hệ thống công nghệ thông tin trong giao thương ngành dệt để các doanh nghiệp thành viên tìm hiểu, tiếp cận.
Văn Dũng
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025