Vì sao thế giới không thể ngăn được Triều Tiên thử tên lửa?

13:41 | 29/08/2016

4,207 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/8, Triều Tiên lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án các vụ phóng tên lửa của nước này và cho đó là sản phẩm mang tính “luật rừng” của Mỹ và cáo buộc Washington phớt lờ cảnh báo, xúc phạm đến danh dự của người Triều Tiên.
vi sao the gioi se khong bao gio ngan duoc trieu tien thu ten lua
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un theo dõi vụ bắn thử tên lửa từ tàu ngầm ngày 25/8

Đài KCNA hôm qua dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói rằng Mỹ đe dọa đến phẩm cách và quyền tồn tại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thách thức cảnh báo của Bình Nhưỡng, nên Triều Tiên sẽ tiếp tục có loạt hành động của một quốc gia với sức mạnh quân sự toàn diện.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên có đoạn: “Mỹ đã thông qua tuyên bố bằng cách mạo danh Hội đồng Bảo an LHQ. Đó là sự vi phạm trắng trợn danh dự và quyền tự chủ của Triều Tiên, và sự khiêu khích thiếu thận trọng này gây hại cho hòa bình và ổn định trên báo đảo Triều Tiên”.

Phản ứng của Triều Tiên được đưa ra sau khi Liên Hợp Quốc lên án 4 vụ phóng tên lửa diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 của Bình Nhưỡng, gọi đây là sự vi phạm trắng trợn lệnh cấm.

Tuyên bố chung do Mỹ thảo, được Trung Quốc, đồng minh chính của Triều Tiên, hậu thuẫn. Các thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí "tiếp tục theo dõi sát tình hình và thực hiện thêm biện pháp cụ thể". Hội đồng cũng kêu gọi các nước "nỗ lực gấp đôi" trong việc trừng phạt Triều Tiên sau những vụ thử tên lửa.

Triều Tiên đã hứng chịu 5 đợt trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ khi bắt đầu thử thiết bị hạt nhân năm 2006.

Theo Uỷ ban Quốc gia về Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Bình Nhưỡng được cho là đang nắm trong tay hơn 1.000 tên lửa các loại, bao gồm cả những tên lửa đạo đạo liên lục địa, có thể được sử dụng để bắn đầu đạn nguyên tử.

Việc Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm tiếp tục thử tên lửa trong nhiều năm qua khiến công luận quốc tế phải đặt câu hỏi: Vì sao cho tới nay các cường quốc vẫn không thể ngăn chặn được Triều Tiên, mặc dù quốc gia này đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo An LHQ?

Michael Ivanovitch, chủ tịch hãng nghiên cứu MSI Global, cho rằng câu trả lời rất đơn giản: Hiện giờ chỉ có ba cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc (và cũng là ba trong số năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an) là có thể ngăn chặn được Triều Tiên leo thang, thế mà ba cường quốc này vẫn không hợp tác với nhau, do hiện giờ lợi ích của họ không tương đồng với nhau.

Theo giải thích của ông Ivanovitch, ba cường quốc nói trên đã từng là các phe đối nghịch nhau trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và cho tới nay những hệ quả của cuộc xung đột quốc tế này vẫn chưa được giải quyết xong.

Tranh cãi gay gắt về hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD mà Mỹ sẽ đặt ở Hàn Quốc phản ánh những căng thẳng dai dẳng giữa ba cường quốc. Seoul và Washington muốn dùng THAAD để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh và Moskva lại phản đối, cho rằng chính hệ thống này mới là mối đe dọa cho an ninh khu vực.

Sự phản đối quyết liệt hệ thống THAAD làm giảm đi hy vọng là Trung Quốc sẽ giúp chặn đứng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, mặc dù chính Bắc Kinh nay cũng lên án những vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Về phần mình, nhà phân tích Harry Sa, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cũng thấy rằng ba nước Mỹ, Nga, Trung Quốc vẫn có lợi ích địa chính trị khác nhau trên bán đảo Triều Tiên và điều này cản trở khả năng ba cường quốc đi đến đồng thuận về các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng.

Cần nghiên cứu phương án khác

Theo trang SinoNK, ngày 26/8, Chính phủ Hàn Quốc cử ông Lee Jong-seok, cựu Bộ trưởng Thống nhất, đi dọc biên giới Trung Quốc - Triều Tiên để xem xét tình hình sau khi Triều Tiên bị LHQ trừng phạt ngặt nghèo nhất bởi nghị quyết 2270, xem có ép phê không.

Báo cáo của ông Lee Jong-seok cho thấy giao thương Trung - Triều phục hồi, chỉ chút chững lại vào tháng Tư; Đặc khu kinh tế Sinuiju vẫn hoạt động bình thường, các tòa nhà mới mọc như nấm gặp mưa, cây cầu mới sắp hoàn thành và một khu trung tâm thương mại chung của 2 nước cũng sắp khai trương hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách du lịch. Tính đến tháng 8/2016 hiện có 3 vạn người Triều Tiên đang làm việc tại Dandong kể cả trong lĩnh vực CNTT, ước tính ở các thành phố khác nữa có thể tới 10 vạn; Dọc sông đồ môn các công trình xây dựng đang phát triển mạnh, tại Đồ Môn một khu công nghiệp đang xây dựng sẽ thu hút trên 2 vạn lao động; Một số nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, thành phố Hyesan nằm ở độ cao nhất, nghèo nhất, tối tăm nhất của Triều Tiên, thì nay mỗi gia đình đã được dùng điện miễn phí 2KWh/ngày; Đặc khu kinh tế Rason vẫn hoạt động nhịp nhàng đều đặn...

Báo cáo của cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc kết luận kinh tế Triều Tiên vẫn đang phát triển, lệnh trừng phạt của LHQ không "ép phê" và đề nghị ngâm cứu phương án khác.

Nh.Thạch

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc