Vì sao nhà đầu tư "chuộng" cổ phiếu BID?

06:54 | 16/12/2020

194 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có mức bứt phá lên vùng giá mới 46.100 đồng/cp sau gần 1 năm nằm sâu dưới quanh 39.000- 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu BID cán mốc 46.100 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 15/12/2020
Cổ phiếu BID cán mốc 46.100 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 15/12/2020

Có thể nói, trong nhóm cổ phiếu "Big 3" ngân hàng gồm CTG, VCB và BID, thì BID được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng nhất do ngân hàng này còn dư địa bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong khi CTG và VCB đã kín room ngoại. Đây cũng chính là lý do mà các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến BID.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của BID khá tích cực, cũng hậu thuẫn cho đà tăng của cổ phiếu này. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của BID giảm 4,42% so với cùng kỳ xuống 23.232 tỷ đồng. Thế nhưng, các mảng kinh doanh khác lại có tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay của BID đạt 3.667 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ kinh doanh ngoại hối của ngân hàng tăng 16,4% đạt 1.253 tỷ đồng... Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh của BID đạt 479 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, mua bán chứng khoán đầu tư cũng có lãi đột biến tới 1.009 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 266 tỷ đồng...

Tổng thu nhập hoạt động trong 3 quý đầu năm 2020 của BID đạt 34.558 tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cơ cấu đóng góp của các mảng kinh doanh có sự thay đổi đáng kể, tỷ trọng của thu nhập lãi thuần giảm từ 77% xuống còn 73%.

Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 7.062 tỷ đồng và lãi ròng của ngân hàng đạt 5.667 tỷ đồng.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae cho thấy, sự phục hồi hình chữ V trong mảng thu nhập từ lãi được thấy rõ ràng trong kết quả kinh doanh quý 3 của BID. Hơn nữa, mảng thu nhập từ phí của BID giữ được đà tăng trưởng tốt. Hai điểm sáng này được kỳ vọng sẽ duy trì trong quý 4/2020. Trong khi đó, với danh mục tín dụng tập trung cho vay doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 65%), tăng trưởng tín dụng của BID sẽ đạt mức 8,2% năm nay. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) quý 4/2020 của BID được kỳ vọng tiếp tục tăng 34 điểm cơ bản chủ yếu nhờ kỳ vọng chi phí sử dụng vốn giảm. Trong khi đó, BID đẩy mạnh việc xóa nợ xấu, với mức nợ xấu đã xóa trong 9 tháng lên đến hơn 9 nghìn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu năm nay của BID sẽ được kiểm soát ở mức 2%.

Cổ đông Nhà nước hiện năm giữ tỷ lệ cao nhất tại BID, vì vậy ngân hàng còn nhiều dư địa bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược
Cổ đông Nhà nước hiện nắm giữ tỷ lệ sở hữu cao nhất tại BID

Tuy nhiên theo Mirae, BID có vốn cấp 1 mỏng, hàm ý khả năng tiếp tục bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược. Với lớp đệm dự phòng tương đối mỏng, lợi nhuận ngân hàng này sẽ chịu áp lực khi điều kiện kinh tế chung không thuận lợi.

Do vậy, Mirae định giá mức giá hợp lý của BID vùng giá là 45.000- 50.000 đồng/cp, tương ứng với mức định giá P/B là 1,3x. Dựa trên cơ sở phân tích tiềm năng lợi nhuận của BID trong 5 năm tới, ROE trung bình giai đoạn 2020-2025 của ngân hàng này được kỳ vọng quanh mức 10,35%, với sự hồi phục từ năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng dài hạn được giữ ở mức giả định 6%. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ BID cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên cắt lỗ khi BID về vùng giá dưới 41.000 đồng/cp.

Theo enternews.vn