Vì sao Hongkong "nổi loạn"?

14:42 | 30/09/2014

3,587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bắt đầu từ ngày 27/9, tại Hongkong đã chứng kiến cảnh hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình. Vào hôm trước, lực lượng an ninh đã phải sử dụng đến hơi cay để trấn áp đám đông biểu tình đòi dân chủ và cải cách trong hình thức bầu cử trưởng đặc khu hành chính. Đây được coi là cuộc biểu tình lớn và dữ dội nhất kể từ khi chính quyền Anh trao trả Hongkong cho Trung Quốc vào năm 1997.

 Tại sao lại biểu tình?

Khi Hongkong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã cam kết trao cho Hongkong một quyền tự trị theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Tức là Hongkong và một số vùng tự trị khác sẽ vẫn được duy trì hệ thống kinh tế - chính trị của CN tư bản trong khi phần còn lại – Trung Hoa đại lục nằm dưới chế độ XHCN. Theo đó, Hongkong có một hệ thống chính trị riêng và được giữ quyền lực về kinh tế và pháp luật.

Chính vì vậy, việc Bắc Kinh hồi cuối tháng 8 bác bỏ yêu cầu được tự chọn lãnh đạo cho năm 2017 của người dân đặc khu đã làm bùng phát biểu tình nơi đây. Theo lãnh đạo Trung Quốc, cuộc bầu cử sẽ chọn ra trưởng đặc khu hành chính Hongkong trong 2-3 ứng cử viên được đề cử bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên thân Bắc Kinh. Các đại biểu Hongkong sẽ bắt đầu bỏ phiếu kín thông qua hình thức này vào năm 2015. Cần có 2/3 số phiếu tán thành của Hội đồng Lập pháp để được thông qua.

Thành phần biểu tình

Khi Anh trao trả Hongkong cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997, đã có 510.000 người xuống đường diễu hành tại trung tâm thành phố. Cuộc diễu hành sau đó kéo dài thành cuộc biểu tình ngồi đến đêm xung quanh nhiều khu ngoại giao. Đây là khởi đầu của phong trào "Chiếm trung tâm" dựa trên lý tưởng Tình yêu và Hòa bình (OCPL). Những người đi theo phong trào này đe dọa sẽ ngăn chặn mọi lối ra vào khu trung tâm tài chính nếu hình thức bầu cử vào năm tới không được thay đối theo tiêu chuẩn quốc tế một cách dân chủ.

Kể từ khi Bắc Kinh đưa ra ý tưởng bỏ phiếu đó, ngày 1/9, OCPL đã lập một trang Facebook gủi đến các cơ quan truyền thông quốc tế với tiêu đề "Thời đại của sự không vâng lời" (The Age of Disobedience ). Họ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc đại biểu tình vào ngày 1/10 tới nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc khánh CHND Trung Hoa.

Thành phần tham gia biểu tình rất đông đảo và đa dạng, từ học sinh, sinh viên cho đến giáo viên, doanh nhân, tăng lữ cũng tham gia biểu tình kể từ ngày 22/9. "Thanh niên chính là những người khao khát nền dân chủ, chính họ sẽ tạo nên những điều bất ngờ" - đánh giá của Alain Le Pichon, giảng viên và nhà ngôn ngữ học, tác giả cuốn sách "Nguồn gốc của HongKong" (1999).

Joshua Wong, 17 tuổi, thủ lĩnh cuộc biểu tình của học sinh Hongkong

Vào tuần này, OCPL đã đẩy nhanh, kêu gọi sự tham gia của tầng lớp học sinh sinh viên. Lần đầu tiên lịch sử Hongkong chứng kiến cuộc biểu tình lớn như vậy. Hàng chục nghìn người đã xuống đường, như một biểu tượng của sự đoàn kết, liên minh "Ô chống lại hơi cay và dùi cui". Họ tập trung hầu hết ở trung tâm  thành phố Hongkong và trước các tòa nhà chính phủ nhằm làm tê liệt hệ thống giao thông.

Trung Quốc phản ứng ra sao?

Bắc Kinh hiện nay vẫn chưa tính đến việc can thiệp trực tiếp vào sự hổn loạn này. Tuy nhiên, Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đã kêu gọi sự giúp đỡ của chính quyền Hongkong. “Chính quyền Trung ương đang cứng rắn chống lại các hoạt động bất hợp pháp có thể gây bất ổn cho quốc gia, mất trật tự xã hội”, khẳng định của phát ngôn viên Quốc vụ viện.

Hongkong là khu tự trị của Trung Quốc, cũng như Macao, nếu cần, Trung Quốc có thể sử dụng tới quân đội. "Quốc gia này vẫn sở hữu lực lượng tại gần đảo Stanley nhưng gần như không huy động đến từ năm 1997", Alain Le Pichon nhấn mạnh.

Ô được sử dụng như vũ khí chống lại lực lượng cảnh sát

Lịch sử Thiên An Môn có lặp lại?

Đã có một số ý kiến so sánh cuộc biểu tình lần này với sự kiện Thiên An Môn, nhưng có vẻ như vẫn còn khá khập khiễng với những hình ảnh về 2 tháng biểu tình đẫm máu từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1989 .

Về phía những người ủng hộ Bắc Kinh, một số đã dự đoán rằng Trung Quốc ngay từ bây giờ có thể huy động xe tăng tới Hongkong nếu cuộc biểu tình không có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhưng dự đoán này nghe chừng khó thực hiện.

Sự kiện Thiên An Môn vẫn luôn được nhắc tới và giảng dạy trong các trường học tại khu tự trị. Nó đã nâng cao ý thức chính trị của những người Hongkong, đặc biệt là những người trẻ sinh sau năm 1990. Chính vì vậy, Hongkong được coi là nơi đi đầu trong việc đòi tự do dân chủ tại Trung Quốc. So với những nơi khác, các chính sách ở đây có phần tự do hơn: hệ thống chính trị đa đảng đã tồn tại từ 20 năm nay, tự do báo chí và nền tư pháp độc lập.

Diễn biến tiếp theo

Chính quyền Hongkong đến nay vẫn luôn đi theo sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc. Trưởng đặc khu hành chính Hongkong Lương Chấn Anh vẫn coi các hành động biểu tình chiếm đường phố là phi pháp.

Theo lời Ủy viên Cảnh sát Hongkong, ông Tsang Wai Hung, để đối phó với các cuộc biểu tình leo thang, phía cảnh sát đã có những phương án cứng rắn hơn về sử dụng vũ lực. « Chúng tôi chỉ sử dụng vũ lực khi cần thiết và chúng tôi đảm bảo chỉ sử dụng ở mức thấp nhất có thể », trích lời ông Hung, sau khi đã có 68 người biểu tình bị bắt giữ và 26 người bị thương.

Về phía những người theo phong trào "Chiếm trung tâm", họ đã bày tỏ sự bất bình đối với thái độ "nhập nhằng" của chính quyền Hongkong và sự thụ động của giới lãnh đạo đặc khu hành chính này với những mong muốn, nguyện vọng của người dân. Họ yêu cầu phía cảnh sát xin lỗi và ông Lương Chấn Anh từ chức.

Việc sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình có thể sẽ làm tăng thêm số người ủng hộ phong trào này.

Hà My

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc