Vì sao doanh nghiệp sợ thanh tra?

19:00 | 31/03/2019

597 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra năm 2017 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 2 lần trở lên mỗi năm lên đến 39,8%; 13% doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra nhiều lần.    
vi sao doanh nghiep so thanh traDoanh nghiệp tư nhân cũng nằm trong phạm vi phòng chống tham nhũng
vi sao doanh nghiep so thanh traThanh tra Chính phủ sắp công bố kết quả thanh tra bán đảo Sơn Trà
vi sao doanh nghiep so thanh traThanh, kiểm tra 7 doanh nghiệp bảo hiểm

Thông tin này được TS. Trần Đức Lượng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ chia sẻ tại Hội thảo - tọa đàm “Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, diễn ra sáng 30/3 tại Hà Nội.

Ông Lượng cho biết, theo báo cáo tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ công tác ngành thanh tra năm 2019, năm 2018, toàn ngành đã triển khai 7.166 cuộc thanh tra hành chính và 219.796 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 33 nghìn tỷ đồng, hơn 33,9 nghìn ha đất, đã kiến nghị thu hồi hơn 29,7 nghìn tỷ đồng và 1.007 ha đất (đã thu hồi được 16.656 tỷ đồng và 345 ha đất).

vi sao doanh nghiep so thanh tra
Thanh kiểm tra một doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Riêng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành 59 cuộc thanh tra, đã ban hành kết luận 25 cuộc, phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền hơn 12,4 nghìn tỷ đồng, 23.918 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, 278 ha đất.

Đặc biệt, TTCP đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra, kiểm tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thanh tra dự án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu; công tác cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam; cổ phần hóa cảng Quy Nhơn; kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến khiếu nại của công dân về khu đô thị Thủ Thiêm, TP HCM.

Ông Lượng nhấn mạnh, kết quả đạt được là rất tích cực, công tác ngành cũng có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, công tác thanh, kiểm tra cũng nảy sinh một số vướng mắc, cần có giải pháp toàn diện để khắc phục việc bị chồng chéo mà vẫn bảo đảm kịp thời phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm, gian lận, tạo ra sự công bằng trong môi trường kinh doanh.

“Việc lạm dụng thanh, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Doanh nghiệp luôn phải chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn. Khi đó môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Lượng nói.

Dẫn chứng về câu chuyện lạm dụng công tác thanh, kiểm tra gây khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, ông Lượng đưa ra vụ nổi cộm như vụ Con Cưng; cơm tấm Kiều Giang; vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tại Cần Thơ, bị cơ quan quản lý kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm, hoặc chỉ là lỗi nhỏ nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy ín của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp có tâm lý sợ, né đoàn thanh, kiểm tra.

TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thanh tra, TTCP, cho biết, qua khảo sát được biết, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng công tác thanh, kiểm tra chủ yếu là gây khó khăn, sách nhiễu cho doanh nghiệp. Và hễ thấy các doanh thanh tra là doanh nghiệp đều thấy mệt mỏi và muốn “né”.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Minh cho rằng câu chuyện bắt nguồn từ 3 phía: Thứ nhất là do cơ chế chính sách. Nhiều khả năng lực lượng thanh, kiểm tra sẽ lợi dụng bộ công cụ đó để "hành" doanh nghiệp. Do đó ông Minh cho rằng Nhà nước nên rà soát để bỏ bớt những điều kiện không cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân thứ hai là từ bản thân doanh nghiệp và cuối cùng là từ phía cơ quan thanh, kiểm tra.

Ông Minh nhấn mạnh, công tác thanh, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định, công bằng hơn khi kịp thời phát hiện, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nếu lạm dụng quá việc thanh tra lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, công tác thanh tra và xử lý vi phạm hiện có nhiều bất cập và chồng chéo, gây khó khăn phiền phức cho doanh nghiệp.

“Kết luận thanh tra nhiều khi không đầy đủ, thậm chí không chỉ ra được lỗi của người sai phạm. Và đây là gốc gác dẫn đến một loạt doanh nghiệp xảy ra những sai phạm. Bên cạnh đó, năng lực trình độ, tính chịu trách nhiệm, vấn đề xử lý những thanh tra sai phạm chưa nghiêm…” – ông Kim nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt – Đức cho biết, cách đây 10 năm VCCI đã hình thành quy định là một năm thanh tra một lần, theo chủ đề và phải thông báo trước. Nhưng giờ tất cả đã khác, hệ thống thanh tra đang rất “sung sức" (thậm chí xã hội hóa).

Ông Thực cho rằng, sở dĩ công tác thanh tra rất sung sức, nhiệt là bởi sau thanh tra thì sẽ được “thank you” (Cảm ơn).

“Hiện có bao nhiêu cuộc thanh tra mà qua đó doanh nghiệp hoạt động tốt hơn? Nói thẳng ra là không có, mà chủ yếu thanh tra để xử lý hình sự...”, ông Thực thẳng thắn nói.

Nêu ra những giải pháp, ông Thực cho rằng, nên chăng ngành thanh tra chỉ nên thanh tra một lần, không nên triển khai chồng chéo như hiện nay khi cứ thấy vấn đề gì nổi cộm là lại có một đoàn tìm đến doanh nghiệp để thanh tra, gây khó khăn, mất thời gian cho doanh nghiệp. “Chẳng doanh nghiệp nào muốn thanh tra để rồi phải “cảm ơn”. Vì doanh nghiệp nào cũng có hệ thống kiểm soát của họ...”, ông Thực cho biết.

Nói về vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ, dường như công tác thanh tra hiện nay chưa minh bạch, chưa làm rõ mục tiêu thanh tra là gì...

“Tôi cho rằng thanh tra phải là bạn tốt của doanh nghiệp. Cơ quan thanh tra không phải là đi thanh tra để rồi thu hồi được bao nhiêu tiền, bao nhiêu đất. Mà quan trọng cơ quan thanh tra và doanh nghiệp phải là quan hệ bạn tốt, giúp doanh nghiệp phát triển đúng”, TS. Ánh nói.

Ông Ánh cũng cho biết, chỉ có không làm gì mới không sai phạm. Vai trò của thanh tra là phải ngăn ngừa và chỉ ra cho doanh nghiệp biết để những sai phạm không xảy ra.

Ông Ánh cho rằng, nên có cơ quan điều phối về thanh tra, nếu không sẽ chồng chéo, mỗi người thanh tra một kiểu. “Riêng trong ngành y tế, việc bệnh viện này sử dụng kết quả phim của bệnh viện khác đã khó chứ không nói đến cơ quan này sử dụng kết quả thanh tra của cơ quan khác. Chúng ta cần có giải pháp cụ thể, thay đổi cơ chế chính sách để nâng cao công tác thanh tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp…”, ông Ánh nói.

Nguyễn Anh