Về khoản nợ 415.347 tỉ đồng của các DNNN: Phải dựa trên hiệu quả chứ đừng quy kết, đánh đồng!
Thậm chí, khi mà danh tính những khoản nợ này vẫn chưa “ba năm rõ mười”, nhiều tờ báo đã nói tới vấn đề này như là một nguy cơ. Những ý kiến có phần quy kết, đánh đồng đó đang làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của nền kinh tế nói chung và của các DN này nói riêng.
Có một thực tế là, nợ xấu đang trở thành nỗi ám ảnh của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Những Hy Lạp hay Bồ Đào Nha – những quốc gia được nhắc tới nhiều nhất trong suốt thời gian vừa qua về vấn đề nợ công, tình trạng thất nghiệp, lạm phát… chính là minh chứng, là nỗi khiếp sợ của các nền kinh tế. Cũng chính vì vậy, chủ đề “vay nợ” của các DN đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và của người dân thời gian gần đây. Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường, chuyện “vay nợ” là một hoạt động tất yếu trong các hoạt động kinh tế. Vấn đề là phải có sự phân định rạch ròi, nhìn nhận chính xác các khoản nợ này như thế nào? Hiệu quả của các khoản vay đến đâu rồi mới đánh giá đến khả năng thanh toán nợ trước khi quy kết nó.
Trình bày quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã làm ăn kinh doanh thì chuyện vay nợ là việc bình thường. Quan trọng là xem việc các DN làm ăn có lãi không, đóng góp vào NSNN như thế nào. Bên cạnh đó, vấn đề là hiệu quả quản lý, sử dụng đồng vốn Nhà nước như thế nào. Đánh giá lỗ hay lãi cũng nên dựa vào tiêu chí hiệu quả.
Và đây cũng là quan điểm của ông Phạm Đình Soạn – nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) khi ông cho rằng, con số dư nợ lớn của các tập đoàn, DNNN cần phải được phân tích thật kỹ, xem trong số nợ này nợ nào là bình thường, nợ nào không có khả năng hoàn trả. Còn việc DN thiếu vốn nên phải đi vay để sử dụng vốn đó trang trải hoạt động kinh doanh, đầu tư là bình thường.
Dưới góc độ của một DNNN mà bản Đề án tái cơ cấu DNNN của Bộ Tài chính “điểm mặt chỉ tên”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhấn mạnh, việc DN phải vay vốn trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án là đương nhiên bởi khó có DN nào đủ vốn làm tất cả.
Nói như vậy để thấy rằng, việc một số ý kiến đề cập tới những khoản nợ trên của các DNNN như là một nguy cơ có phần quá vội vàng và quy kết. Chuyện vay nợ để làm kinh doanh là bình thường và trong quá trình tham gia vận hành nền kinh tế thị trường, đôi lúc các mục tiêu kinh tế, tính hiệu quả của các khoản vay có thể không như mong muốn nên dẫn tới nợ quá hạn, nợ khó đòi và nợ xấu. Tuy nhiên, nợ quá hạn, nợ khó đòi chưa chắc đã phải là nợ xấu, bởi thực tế bởi theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì, trong số những DNNN vay nợ trên, có không ít DN lãi lớn trong năm 2011 như PVN, VNPT, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Viettel…
Và điều này đã được thể hiện rất rõ tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc phân loại đối với nợ được điều chỉnh quá hạn trả nợ, gia hạn trả nợ. Theo đó, dựa theo đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng, các tổ chức tín dụng, NH sẽ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ và vẫn giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
Về khoản nợ 72.300 tỉ đồng của PVN, dưới góc nhìn của một NH đã tham gia vào quá trình cung cấp tín dụng cho vay đối với nhiều dự án lớn của PVN, bà Nguyễn Minh Thu – Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đại dương (OceanBank) cho biết, trong hoạt động tín dụng, OceanBank luôn bám sát định hướng chiến lược và phát triển của PVN để hướng dòng vốn vào 5 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Từ nguồn vốn của NH, đồng tài trợ hoặc nhận ủy thác từ các tổ chức tín dụng khác, OceanBank triển khai hoạt động tín dụng, tài trợ dự án cho tất cả đơn vị thành viên PVN khi có yêu cầu. Chúng tôi đã và đang tham gia vào những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế – xã hội cao của các DN dầu khí chủ lực như: Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí; Tổng Công ty Điện lực Dầu khí, Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Bình Sơn…
“OceanBank có quy định rất chặt chẽ trong quá trình cấp tín dụng. Bất cứ khoản vay của DN nói chung và DN trong lĩnh vực dầu khí nói riêng đều phải đáp ứng đúng và đủ 5 điều kiện cho vay theo quy chế của NH Nhà nước, trong đó quan trọng nhất là DN phải chứng minh được khả năng tài chính bảo đảm trả nợ gốc, lãi trong thời hạn cam kết; Có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; Thực hiện đúng các quy định, thủ tục về bảo đảm tiền vay trên cơ sở quy định của pháp luật và của NH. Đến nay, cơ cấu vốn và tình hình tài chính của các DN dầu khí mà OceanBank cấp tín dụng, đồng tài trợ hoặc thu xếp vốn đều đảm bảo các chỉ số hoạt động tốt, thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng, có đóng góp hiệu quả kinh doanh vào doanh thu của DN”, bà Nguyễn Minh Thu nhấn mạnh.
Những chia sẻ trên của bà Nguyễn Minh Thu đã được khẳng định mạnh mẽ tại bản báo cáo tổng hợp tình hình sản xuất, kinh doanh của Bộ Công Thương thì, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN trong tháng 5 và 5 tháng đều đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu. Tổng doanh thu PVN 5 tháng đạt 316 nghìn tỉ đồng, nộp NSNN 5 tháng đạt 71 nghìn tỉ đồng, bằng 124% kế hoạch 5 tháng và 53% kế hoạch năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng theo bản báo cáo trên, trong tháng 5/2012, PVN đã ký 1 hợp đồng dầu khí mới ở trong nước vào ngày 17/5/2012 – lô 127 với nhà thầu Mitra Energy (Malaysia). Còn tính trong 5 tháng đầu năm 2012, PVN đã tổ chức lễ công bố sản phẩm đầu tiên từ Nhà máy Đạm Cà Mau vào ngày 30/1/2012; có sản phẩm chạy thử đầu tiên từ Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vào ngày 3/2/2012; hoàn thành đầu tư và tổ chức bàn giao giàn khoan 90 nước vào ngày 30/3/2012; hạ thủy thành công chân đế giàn Gấu Trắng vào ngày 20/4/2012; hạ thủy chân đế giàn khoan Hải Thạch vào ngày 2/5/2012; hạ thủy giàn khai thác Sư Tử Trắng vào ngày 14/5/2012, hạ thủy khối thượng tầng giàn H4 mỏ Tê Giác Trắng vào ngày 16/5/2012; khánh thành Nhà máy Thủy điện Nậm Cắt vào ngày 10/5/2012;…
Nói như vậy để thấy rằng, các dự án mà PVN đang được triển khai thực hiện rất hiệu quả. Và trong thời gian tới của năm 2012 cũng như những năm tiếp theo, khi mà những dự án khai thác dầu khí trong nước và ngoài nước đi vào hoạt động sẽ mang lại cho PVN một khoản lợi nhuận lớn thì khoản nợ 72.300 tỉ sẽ không đáng lo ngại. Đặc biệt khi mà khoản nộp NSNN trong những năm qua luôn chiếm tới trên dưới 30% tổng thu NSNN thì các khoản vay của PVN là không đáng lo ngại. Vậy nên, việc một số ý kiến nói PVN là “chúa chổm”, là “quán quân” về nợ cần phải xem xét, nhìn nhận lại.
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới số 128, ra thứ Ba ngày 12/6/2012
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
-
Thái Lan gia nhập nhóm các nước muốn tăng nhập khẩu LNG của Mỹ để tránh thuế quan