Về bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng (1960)

09:20 | 25/07/2015

|
Bạn đọc: Có vẻ như muốn nhắc đến bài viết của ông về hai tiếng “xín xái” trên Báo Năng lượng mới số 434, có người đã viết trên facebook như sau: “Xín xái đây, Xín xái là âm Triều Châu đọc hai chữ tiên thuyết (先說), nghĩa là “được châm chế”. Giáo sư Lý Văn Hùng khi ghi nhận nghĩa từ này có cả diễn giải bằng Hán văn: chước lượng ưu đãi (酌量優待) = được châm chế/ châm chước. Sách này in năm 1960, không ngờ hơn nửa thế kỷ sau nghĩa của từ này còn gây tranh cãi. Haizzzz.” Kèm theo những lời lẽ trên, tác giả còn đưa lên cả bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng để làm bằng (Xin xem ảnh). Tôi đoán ẩn ý của tác giả này như có vẻ mỉa mai: người ta đã giải quyết vấn đề cách đây hơn nửa thế kỷ rồi mà mấy anh còn... ở đó tranh cãi. Ông thấy thế nào, thưa ông An Chi? Xin cám ơn ông.  
Về bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều Châu” của Lý Văn Hùng (1960)

Học giả An Chi: Chắc ai cũng biết, với bảng “Tiếng thái - dụng âm Triều - Châu” này thì GS Lý Văn Hùng muốn giới thiệu với người đọc 21 trường hợp mà ông cho là tiếng Việt đã mượn ở tiếng Triều Châu. Còn chúng tôi thì xin nói thẳng rằng ngay cái tên của nó mà ông đã dịch sang tiếng Hán (“Triều hóa Việt ngữ” [潮化越語]) cũng đã sai vì hoàn toàn trái ngược với dụng ý của ông. “Triều hóa Việt ngữ” là “Tiếng Việt Triều [Châu] hóa”; mà nếu muốn xem nó như một ngữ vị từ thì đó cũng phải là “Triều [Châu] hóa tiếng Việt”.

Còn ở đây, điều mà Lý Văn Hùng muốn nói đến lại là “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” (tức “từ Việt gốc Triều [Châu]) mà “Tiếng Triều [Châu] Việt hóa” thì phải là “Việt hóa Triều ngữ” [越化潮語]. Tất cả những ai mới học được những điều căn bản về cú pháp tiếng Hán cũng đều có thể biết được như thế. Đến như cách chú âm và/hoặc chú nghĩa thì lại có vấn đề ở nhiều chỗ, kể cả ở mục “xín xái” (Xin x. mục 10), như sẽ phân tích dưới đây. Hình thức phiên âm tiếng Triều Châu ở đây ghi theo Triều Châu âm tự điển của Đạt Phủ - Trương Liên Hàng (Quảng Châu Lữ du xuất bản xã, 1996). Ký hiệu chỉ thanh điệu ghi bằng chữ số Arập (nhưng không in nhỏ như trong nguyên bản). Chúng tôi sẽ trích từng mục cần thiết rồi xuống dòng để nhận xét.

1a- Thầu kê: ông chủ 頭家;

1b- Bà tàu kê: mụ tú bà 鴇母.

Thực ra thì ông “thầu kê” và bà “tàu kê” là đôi “vợ chồng từ nguyên” rất nên duyên: “thầu” trong “thầu kê” và “tàu” trong “tàu kê” là hai điệp thức bắt nguồn ở từ /tao5/ trong /tao5 gê1/, là âm Triều Châu của hai chữ “đầu gia” [頭家], có nghĩa là người chủ. Âm Quảng Đông của hai chữ này là “thầu cá” nhưng người Quảng Đông lại không gọi “ông chủ” là “thầu cá” mà gọi là “xì thẩu”, tức “sự đầu” [事頭]. Thế là ông “thầu kê” trong tiếng Việt thì giữ lại phụ âm đầu “th” (ghi âm bằng /t/) của tiếng Triều Châu còn bà “tàu kê” thì đổi “th” của nó thành “t” (ghi âm bằng /d/ trong từ điển). Nghĩa là cả hai ông bà đều do hai chữ /tao5 gê1/ trong tiếng Triều Châu mà ra chứ âm Triều Châu của hai chữ “bảo mẫu” [鴇母] lại là /bao2 bho2/ thì làm sao cho ra hai tiếng “tàu kê”.

2- Tài phú “ người thủ quỹ 財富,大夫.

Nhưng “tài phú” thực chất lại là tiếng Việt và là âm Hán Việt của hai chữ [財富] còn âm Triều Châu của hai chữ này thì lại là /cai5 bu3/ nên hai bên chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Còn âm Triều Châu của hai chữ [大夫] là /dua7 hu1/ nên cũng chẳng dính dáng gì về ngữ âm với “tài phú”.

3- Tằng khạo: tài phú ghe chài 企叩: 駁船司理

Âm Triều Châu của hai chữ “xí khấu” [企叩] là /gi6 kao3/; chữ [企] cũng đọc /kia6/ nhưng dù đọc theo cách nào thì âm của chữ này cũng tuyệt đối không liên quan gì đến “tằng” trong “tằng khạo” (còn có các biến thể “tầng khạo”, từng khạo”trong tiếng Việt). Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ chú chính xác hơn như sau: Do âm Triều Châu của hai chữ “đồng khảo” [同考]. Âm Triều Châu của hai chữ này là /dang5 kao2/ thì mới có thể cho ra “tằng khạo” được. Còn bốn chữ “bác thuyền tư lý” [駁船司理] chỉ là phần chú nghĩa (= tài phú ghe chài).

4- Tổng khậu : người đầu bếp 總铺: 伙頭.

“Tổng phố” [總铺] thì âm Triều Châu là /zong2 pou1/ không thể cho ra “tổng khậu” được; còn “hỏa đầu” [伙頭] (= đầu bếp) thì chỉ là hai chữ dùng để chú nghĩa của hai chữ” tổng phố”. Ở Đài Loan, người ta gọi đầu bếp là “tổng phố sư” [總铺師]. Vậy vấn đề từ nguyên của hai tiếng “tổng khậu” xin cứ treo lại ở đây.

5- Ông bang: bang trưởng 翁帮: 帮長.

Thực ra, “ông bang” là tiếng Việt chứ không phải do tiếng Triều Châu mà ra. Ông bang tức là bang trưởng. Trước kia, có 5 bang (ngũ bang) là bang Quảng Đông, bang Triều Châu, bang Hẹ (Khách Gia), bang Hải Nam và bang Phước Kiến. Còn hai chữ “ông bang”
[翁帮] mà Lý Văn Hùng đã dùng thì lại là chữ Nôm, không phải Hán. “Bang” là âm Hán Việt của chữ [帮], không có liên quan gì đến tiếng Triều Châu.

6- Tầu giá: đậu nha 荳芽: 芽菜 .

Người Việt và người rành tiếng Việt chỉ nói “giá”chứ không nói “tầu giá”. Còn âm Triều Châu của hai chữ “đậu nha” [荳芽] lại là /dao7 ghê5/; vậy do phép lạ nào mà /ghê5/ có thể cho ra “giá”? Thực ra,“giá”là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [稼] mà âm Hán hiện hành là “giá”, có nghĩa là lúa má, ngũ cốc, bông lúa. Ở đây, “giá” được hiểu theo nghĩa rộng, là mầm nảy ra từ hạt đỗ xanh.

7- U môi: ô mai 烏梅.

Trước nhất, người Việt miền Nam không nói “u môi”mà chỉ nói“ô môi; đồng thời “môi” trong “ô môi” và“mai”trong “ô mai”là hai điệp thức bắt nguồn từ chữ [梅], mà âm Triều Châu lại là /bhuê5/. Chẳng ai có thể tưởng tượng được /bhuê5/ mà lại cho ra được “môi/mai”. Tóm lại, “môi” và “mai’ đều là âm Hán Việt của chữ
[梅]. Chữ này có hai âm “môi” và “mai” cũng y chang như chữ [媒] có âm “môi” trong “môi nhân” và âm “mai”trong “mai mối”trong đó “mối” cũng là điệp thức của “môi” và “mai”.

8- Cải bắc thảo: cải hủ 北草: 冬菜

“Bắc thảo” là âm Hán Việt chính cống của hai chữ [北草] mà âm Triều Châu là / bag4 cao2/. Vậy /cao 5/ làm sao cho ra “thảo”. Cải bắc thảo, tiếng Triều Châu là “tăng xại”mà “tăng xại” là âm Triều Châu của hai chữ “đông thái” [冬菜] thì làm sao có thể nói “bắc thảo” là do tiếng Triều Châu mà ra?

9- Cải khát ná: cải rổ 芥蘭菜

Âm Hán Việt của 3 chữ Hán mà Lý Văn Hùng đưa ra ([芥蘭菜]) là “giới lan thái” còn âm Triều Châu của nó là/gai3 lang5 cai3/, tuyệt đối không có liên quan gì về ngữ âm với “cải khát ná” cả.

10- Xín xái: được châm chế 先說: 酌量優待.

Cái nghĩa của hai tiếng “xín xái”đã được Lê Ngọc Trụ giảng một cách chính xác và súc tích là “sao cũng được” (Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam). Đồng thời tác giả này cũng đã ghi nhận một sự thật là hai tiếng này “không có chữ để viết”. Ông Lê Ngọc Trụ đã khẳng định đúng với thực tế là, hiện nay, người Triều Châu cũng không biết phải viết hai tiếng này như thế nào. Còn Lý Văn Hùng thì đã có sáng kiến “phiên âm” hai tiếng “xín xái”bằng hai chữ“tiên thuyết” [先說] mà âm Triều Châu là /soin1 suêh4/ rồi chú nghĩa của nó là “ưu đãi” [優待].

Lý Văn Hùng đã không bõ công với sáng kiến này vì hơn nửa thế kỷ sau cũng có người mặc nhiên cho rằng, ông đã “giải quyết ổn thỏa”từ nguyên của hai tiếng “xín xái”. Nhưng thực ra thì con đường để đi tìm từ nguyên của hai tiếng này hãy còn … mờ mịt.

Nếu nhìn vấn đề bằng con mắt của người có chút ít hiểu biết cần thiết về ngữ học, đăc biệt là từ nguyên học, thì đâu có thể dễ dàng cả tin vào “sáng kiến” của GS Lý Văn Hùng trong khi mà cộng đồng người Triều Châu xem như “xín xái” là hai tiếng đã mất gia phả. Dĩ nhiên là ta có thể hy vọng đi ngược thời gian để tìm lại nguồn gốc của nó, đặc biệt là trong những tư liệu về tục tự Triều Châu nhưng con đường chắc chắn là sẽ quanh co, khúc khuỷu chứ không đơn giản như sáng kiến của GS Lý Văn Hùng.

Kết luận: Bảng “Tiếng Thái - dụng âm Triều - Châu” của GS Lý Văn Hùng chỉ có 21 mục mà đã sai đến 10 mục, ngót nghét 50%. Vì vậy ta phải dùng nó với con mắt phê phán sáng suốt chứ không nên, và càng không thể, dùng nó một cách ngây thơ để phản bác những ý kiến thực sự xuất phát từ những điều hiểu biết chính xác về ngữ học.

Năng lượng Mới 442