Về bản "săn" học trò

07:00 | 24/08/2019

1,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời điểm hiện tại, cùng với việc chuẩn bị hành trang cho “chuyến đò” của năm học mới, có những thầy cô giáo ở rẻo cao biên giới Nghệ An đang đến từng bản làng để vận động học trò đi học. Không chỉ là trách nhiệm, việc làm đó còn xuất phát từ tâm nguyện của những người làm nghề “gieo chữ” nơi vùng cao đầy gian khó. 

Theo bước chân di cư

Xã biên giới Nhôn Mai (huyện Tương Dương) có 3 bản dân tộc Mông là Huồi Cọ, Huồi Măn và Phá Mựt. Thời gian gần đây, bà con người Mông vẫn còn sống di cư, nghĩa là một số gia đình dắt díu nhau đến vùng khác cách nơi ở cả ngày đường để phát rẫy, dựng lán sinh sống, dần dần hình thành một cụm dân cư. Những đứa trẻ đương nhiên phải theo bố mẹ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành. Bởi lẽ, nương rẫy thường ở nơi heo hút, nằm rất xa bản làng và không thể có trường lớp cho các em học tập. Để giúp các em có thể theo học, các thầy cô giáo bố trí cho học ở điểm trường gần nhất.

ve ban san hoc tro
Giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai đến từng nhà vận động trẻ đến trường

Năm học này, vùng Piêng Na có em Xồng Y Chò và Xồng Sông Dờ lên 5 tuổi. Ngay từ đầu tháng 8, các cô đã vượt đèo dốc lên đây vận động hai em xuống học tại điểm trường chính. Vì đỉnh Piêng Na trước đây là vùng canh tác nương rẫy của bà con người Thái, khi bà con di dời theo diện tái định cư lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, hơn 20 hộ người Mông ở bản Phá Mựt dời về đây làm ăn sinh sống. Số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học liên tục tăng lên, trường mầm non từng lập một điểm lẻ để các cháu được học tập. Nhưng vì nhiều lý do, điểm Piêng Na phải sáp nhập về điểm trường chính ở bản Nhôn Mai, cách nửa ngày đi bộ hoặc 2 giờ chạy xe máy. Khoảng cách ấy thực sự không dễ dàng cho việc di chuyển của các cháu nhỏ, trong khi bố mẹ mải miết với nương rẫy, đời sống lại gặp nhiều khó khăn. Không đành để các cháu đã đến tuổi nhưng không được đến trường, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học, các cô giáo Trường Mầm non Nhôn Mai lại lên vận động các bậc cha mẹ cho các con xuống học.

Cô giáo Vi Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhôn Mai - kể: “Vật lộn hàng giờ với chiếc xe máy, lên đến nơi chờ mãi cha mẹ mới đi rẫy về. Khi nghe các cô giáo trình bày việc đưa con xuống điểm chính để học, anh Xồng Bá Thái và Xồng Nhía Cu - bố của hai em - chối đây đẩy. Họ bảo muốn lắm, nhưng không ai đưa các con xuống được, bố mẹ phải đi làm”. Các cô giáo thuyết phục, bàn bạc mãi, cuối cùng hai gia đình đồng ý đưa con xuống học tại điểm chính bằng cách gửi ở nhà anh em, họ hàng gần trường và đưa đón về nhà vào dịp đầu và cuối tuần.

ve ban san hoc tro
Việc vận động học sinh vùng cao luôn phải có sự phối hợp với Ban quản lý bản và già làng

Không chỉ Piêng Na, ở Nhôn Mai còn có vùng Con Toọc là nơi một số hộ người Mông ở Huồi Măn dời đến, cách điểm trường Piêng Luống cũng khoảng nửa ngày đi bộ. Chuẩn bị năm học mới, Ban Giám hiệu và các cô giáo ở điểm Piêng Luống cũng sắp xếp thời gian lên Con Toọc vận động trẻ 5 tuổi đến trường nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn vì cha mẹ thường xuyên ở rẫy.

“Với những em ở xa trường như Piêng Na và Con Toọc, chúng tôi chỉ vận động trẻ 5 tuổi để giúp các cháu chuẩn bị tâm lý trước khi vào tiểu học. Còn độ tuổi 2-4 gần như không thể vận động, vì các cháu còn bé, chưa thể rời xa bố mẹ cả tuần” - cô Hiền cho biết thêm.

Nói chung, ở Nhôn Mai, việc vận động trẻ mầm non đến trường hết sức khó khăn, vì cha mẹ đưa ra nhiều lý do: Kinh tế khó khăn; công việc bận rộn không có thời gian đưa đón; có ông bà hay anh chị trông nom…

Vượt suối, đèo vào bản

Ở các huyện vùng cao hiện còn có tình trạng bố mẹ đi làm ăn xa hoặc đang thụ án hay đã mất vì liên quan đến ma túy, bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, sống cùng ông bà nội, ngoại, anh chị, cô bác, họ hàng và cơ hội được tiếp tục đến lớp rất ít. Với những em nhỏ này, việc vận động khó khăn hơn bao giờ hết, vì vắng bố mẹ, những người cưu mang hầu hết đều khó khăn về kinh tế, kiếm đủ cái ăn đã khó, nói gì đến chuyện tạo điều kiện cho các cháu học hành.

ve ban san hoc tro
Giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai trên đường lên bản Huồi Cọ vận động trẻ đến trường
Ở các huyện vùng cao hiện còn có tình trạng bố mẹ đi làm ăn xa hoặc đang thụ án hay đã mất vì liên quan đến ma túy, bỏ lại những đứa trẻ bơ vơ, sống cùng ông bà nội, ngoại, anh chị, cô bác, họ hàng và cơ hội được tiếp tục đến lớp rất ít.

Thầy Trần Văn Hùng - giáo viên Trường bán trú THCS xã Keng Đu (Kỳ Sơn) cho biết, ở bản Huồi Xui hiện có nhiều người đi làm ăn xa, để các con ở nhà, đứa lớn trông đứa bé, việc học hành có nguy cơ đứt đoạn. Các thầy cô vừa vượt gần 20km, qua 10 con đèo, 5 con suối lớn vào đây vận động hai em Moong Thị Minh và Moong Thị Thơi. Năm học này, cả hai em đều lên lớp 7, cùng chung hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa, phải ở nhà với anh chị. Số tiền bố mẹ gửi về không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày nên khó đáp ứng cho nhu cầu học tập. Gần một ngày thuyết phục, cuối cùng Moong Thị Thơi đáp: “Ít ngày nữa em sẽ ra lớp học, nhưng vẫn chưa có sách vở”. Còn Moong Thị Minh buồn bã: “Em không đi học nữa đâu”.

Trước đó, các thầy giáo lên Huồi Tông thuyết phục gia đình ông Moong Phò Hồng cho con trai là Moong Văn Hiếu (lên lớp 8) được đến lớp. Biết có giáo viên đến vận động, ông Hồng đi sang nhà hàng xóm, rồi lên rẫy. Không nản lòng, các thầy ngồi chờ đến chiều, lúc chủ nhà về để tiếp tục vận động. Vừa bước lên cầu thang, ông Hồng cất lời: “Các thầy về đi! Thằng Hiếu không đi học nữa đâu, nó phải ở nhà đi rẫy, không thì cả nhà thiếu đói”.

Được biết, xã biên giới Keng Đu không chỉ có Huồi Xui và Huồi Tông, mà các bản Huồi Cáng, Khe Linh và Quyết Thắng đều có học sinh có nguy cơ nghỉ học. Nguyên nhân chủ yếu do đời sống khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, nhà ở xa trường nên không có điều kiện đến lớp.

Thầy Phan Văn Thiết - Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện tại, một số ít học sinh ở các trường vùng sâu, vùng xa đang có ý định nghỉ học vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phần lớn là bố mẹ đi làm ăn xa, các em trở thành “trụ cột” của gia đình. Các thầy cô giáo đang tích cực vào cuộc vận động, giúp đỡ và tạo điều kiện cho các em được tiếp tục theo học”.

Trần Công Kiên