Vùng cao Nghệ An:

Nhức nhối tình trạng lao động xuất cảnh trái phép

09:10 | 02/08/2017

248 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tình trạng lao động đi làm ăn xa ở nước ngoài trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. 

Vấn nạn này xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, là một bài toán khó đối với chính quyền địa phương.

Chúng tôi tìm đến xã Lượng Minh - nơi từng nổi tiếng với tên gọi “vùng đất trắng” bởi sự tàn phá của tệ nạn ma túy, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã cho hay, hầu như bản nào cũng có người đang cư trú ở Trung Quốc. Theo chỉ dẫn của ông Phúc, chúng tôi tìm đến nhà bà Lò Thị Lợi ở bản Xốp Mạt. Bà Lợi chồng mất sớm, có hai con gái là Lô Thị Vân (SN 1984) và Lô Thị Hoàn (SN 1986) sang làm ăn và lấy chồng ở Trung Quốc. Trước khi sang Trung Quốc, Vân và Hoàn đều có chồng, con; sang bên đó cả hai tiếp tục lấy chồng và sinh con, thi thoảng lại trở về Việt Nam.

nhuc nhoi tinh trang lao dong xuat canh trai phep
Bản Xốp Mạt (Lượng Minh) - một trong những bản có nhiều lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Khi chúng tôi có mặt, hai cô con gái của bà Lợi đang ở nhà, Lô Thị Hoàn tìm cách lánh mặt khi có khách lạ, còn Lô Thị Vân vẫn ngồi trò chuyện bình thường. Vân cho biết, do cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng chia tay, cô gửi con cho mẹ đẻ rồi tìm cách sang Trung Quốc làm ăn. Sang đó, cô nhận lời kết hôn với một người đàn ông bản xứ rồi có thêm một đứa con và đứa trẻ gần 3 tuổi đang ngồi cạnh cô được sinh ra ở Trung Quốc được đặt tên là Lô Tiểu Quyên. Vân không nói rõ sang bên đó cô làm những việc gì mà chỉ nói rằng, ở đâu cũng phải chăm chỉ làm lụng mới có cái ăn, không có chuyện làm ít, lương cao như bao người khác từng nói. Lần này có khả năng chị em Vân về hẳn, không sang Trung Quốc nữa, vì không hợp khí hậu và cách chế biến thức ăn bên đó. Nhưng muốn ở lại quê hương, trước mắt phải tìm được việc làm để có thu nhập, hiện tại chị em cô chưa nghĩ ra được cách nào hợp lý.

Ông Vi Đình Phúc cho biết thêm, ở xã Lượng Minh, bản ít nhất cũng có khoảng 10-15 người, còn bản nhiều nhất như Chăm Puông, Minh Thành và Minh Tiến có trên dưới 50 người đang làm ăn, sinh sống ở Trung Quốc. Những đối tượng này hầu hết đều xuất cảnh bất hợp pháp, nghĩa là không làm thủ tục tạm vắng và các thủ tục, giấy tờ cần thiết tại UBND xã. Trong số đó, không ít người đi một thời gian rồi trở về địa phương, sau đó lại đi tiếp, việc đi đi, về về diễn ra liên tục. Do vậy, chính quyền địa phương không thể thống kê chính xác số lượng lao động đi khỏi địa bàn và đang cư trú ở đâu.

Tính sơ bộ, đến thời điểm hiện nay toàn xã có khoảng 370 người đi làm ăn xa, trong đó khoảng 160 người sang Trung Quốc. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc sống đói nghèo, người dân thiếu công ăn, việc làm, trình độ dân trí hạn chế nên dễ dàng bị những kẻ buôn bán người dụ dỗ và lừa bán, trở thành nạn nhân. Rồi những nạn nhân lại tìm cách trở về dụ dỗ, lừa bán người khác, trở thành một cái vòng luẩn quẩn chưa tìm được lối ra. Đó là chưa kể có những gia đình vì nghèo nên chấp nhận lấy một khoản tiền nhất định rồi để con cái theo kẻ xấu đi làm ăn xa và có những người để có tiền tiêu xài đã sẵn sàng nghe và đi theo những kẻ hành nghề lừa đảo, buôn bán người.

Không chỉ ở Lượng Minh, mà đến các xã khác như Xá Lượng, Lưu Kiền, Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My, Xiêng My... chúng tôi đều nghe bà con dân bản nói về tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Những người đi làm ăn ở Trung Quốc chủ yếu là phụ nữ và các em gái, trong đó nhiều người sang bên đó để lấy chồng, hầu hết đều bị kẻ xấu dụ dỗ và lừa bán. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ hè và nghỉ tết, không ít học sinh nữ cấp THCS đã bỏ học đi làm ăn xa, trong đó một số em đi Trung Quốc. Thủ đoạn của những kẻ buôn người là tìm đến các bản làng, gặp những gia đình khó khăn, những hoàn cảnh bất hạnh và những cô gái nhẹ dạ, cả tin để dụ dỗ, thuyết phục. Chúng vẽ ra viễn cảnh cuộc sống đủ đầy, làm công việc nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao, lấy chồng giàu có, được ăn ngon, mặc đẹp, không còn phải sống cảnh vất vả, thiếu thốn như ở quê nhà. Nghe theo lời đường mật ấy, không ít chị em phụ nữ đã rơi vào cạm bẫy và trở thành nạn nhân, rồi từ nạn nhân trở thành kẻ chủ mưu, khiến số lượng vụ việc trên địa bàn liên tục tăng lên.

Trao đổi về tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, ông Lô Thanh Nhất - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Đây thực sự là một vấn đề khó khăn, hiện tại chưa có giải pháp nào hơn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và xử lý nghiêm những kẻ vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, tạo nhiều việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân địa phương”.

Theo số liệu của Ban Dân vận Huyện ủy Tương Dương, 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có tổng cộng 4.875 người đi làm ăn xa, trong đó 1.510 người đi Trung Quốc. Dẫn đầu số lượng lao động xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc là xã Lưu Kiền (280), tiếp đến là Nga My (253), Lượng Minh (162), Yên Tĩnh (128), Yên Na (99), Xiêng My (98)...

Công Kiên