Vẫn là Nguyễn Thành Luân?

17:19 | 07/09/2013

2,652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chánh Tín là một nghệ sĩ lừng lẫy một thời, qua vai diễn kinh điển Nguyễn Thành Luân trong “Ván bài lật ngửa” với phong cách hào hoa, điềm đạm, lịch lãm. Hình ảnh đó từng trở thành hình tượng của thế hệ đàn ông một thời. Và có thể nói cho đến nay màn ảnh Việt vẫn chưa có hình ảnh nào thế được chỗ của NSƯT Chánh Tín trong lòng khán giả.

1. Thông thường, ở tuổi ngoài 60 như Chánh Tín, khi con trai lớn đã gần 40 tuổi và có gia đình hạnh phúc ở Canada, con gái cũng đã 25 tuổi và có thể tự lo cho cuộc sống của mình một cách vững vàng thì ông sẽ lui về “vui thú điền viên”, sớm hôm vui đùa cùng con cháu. Thế nhưng suốt thời gian qua, Chánh Tín vẫn lao động quần quật với nghệ thuật và cả kinh doanh. Đầu năm 2013, người ta giật mình khi thấy ông xuất hiện trên màn ảnh nhỏ trong bộ phim truyền hình dài 38 tập “Đi qua dĩ vãng”, rồi sau đó người ta thấy ông lại nhảy sang làm đạo diễn phim điện ảnh “Hiệp sĩ guốc vông”... Song song đó, ông còn giữ vai trò ông chủ Hãng phim Chánh Phương, Chánh Tín phim và không ngần ngại khi nhận được lời mời đóng phim hay làm nhà sản xuất, đạo diễn các phim truyền hình, phim nhựa khác.

Tôi có thắc mắc rằng, ở tuổi ông mà vẫn còn chăm bẵm với nghệ thuật thì hẳn chỉ có hai lý do, một là còn quá yêu nghề, hai là có một lý do hết sức đặc biệt nào đó, như câu chuyện nghệ sĩ Thương Tín, gần 60 tuổi những vẫn tất bật với phim trường để “cày” nuôi con gái 7 tháng tuổi chẳng hạn! Chánh Tín cười và bảo ông chẳng có lý do gì đặc biệt cả, ông làm nghệ thuật là để quên đi thời gian và hơn nữa là để thỏa mãn những tâm huyết với nghệ thuật mà nó vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng ông, trước khi ông đi đến hết hoàng hôn!

Chánh Tín hiện tại ngoài 60 vẫn còn đầy chất lãng tử ngày xưa

Thời gian gần đây Chánh Tín phải trải qua nhiều khó khăn trong chuyện kinh doanh lẫn nghệ thuật phim ảnh. Như chuyện phim “Dòng máu anh hùng” của ông bị ăn cắp bản quyền, làm ông gần như mất trắng khoảng 1,5 triệu đôla hay gần đây là chuyện dự án “đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” tại tỉnh Lâm Đồng rơi vào bế tắc suốt 3 năm, khiến ông mất nhiều tỉ đồng vốn đã đổ ra… Dẫu vậy, Chánh Tín vẫn giữ được sự bình thản và không hề nản chí. Ông chia sẻ, vài năm gần đây ông biết đến “thiền” nên tâm ông dễ dàng tĩnh trước những biến động. Ông cũng đã hiểu rõ sự vô thường ấy của cuộc đời, ông nói “mất cái này thì tôi suy nghĩ làm cái khác, tôi may mắn còn đủ sức khỏe, đủ say mê để tiếp tục dấn thân vào nghệ thuật, làm ra những tác phẩm tâm huyết tiếp theo cho mình!”.

Nói về thưở thiếu thời với đủ đầy vinh quang của ông, tôi nhắc đến ngay hình ảnh rất lãng tử mà khán giả đặc biệt ấn tượng ông, thậm chí cho đến tận bây giờ. Đó là hình ảnh Chánh Tín ngồi trầm tư vừa hút thuốc lá, vừa hát say mê trên sân khấu như thể người đàn ông từng trải qua nhiều mất mát, dù khi ấy Chánh Tín chỉ mới 18 tuổi. Đó cũng chính là hình ảnh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông chỉ sau một đêm.

Chánh Tín kể rằng, năm đó ông đang ở độ tuổi đẹp nhất, 18 tuổi và đang học năm cuối cấp tại Trường trung học Mạc Đĩnh Chi, một ngôi trường nằm ở ngoại ô Sài Gòn. Do có khiếu văn nghệ, nên ở trường ông là đinh văn nghệ trong những buổi diễn. Hôm đó có hội thi văn nghệ liên trường và Chánh Tín được nhà trường giao hát lĩnh xướng giọng nam cho trường ca “Hòn vọng phu”.

Và cơ hội, may mắn như đã sắp đặt sẵn từ trước, do một sự cố nhỏ nên chương trình thừa 5 phút. Lúc này đạo diễn chương trình đã yêu cầu Chánh Tín hát để bù khoảng trống đó. Trong lúc luống cuống, ông đã chọn 2 bài đơn ca là “Tìm nhau”, “Nghìn trùng xa cách” vốn là hai bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy thời đó. Đặc biệt, do bài hát nằm ngoài kế hoạch nên khi đó trên sân khấu rất trống và ban tổ chức phải chọn cách tắt hết đèn, chỉ để một vệt sáng rọi xuống gốc cây và Chánh Tín ngồi hát như độc thoại… Rơi vào tình huống bất ngờ này, Chánh Tín bị hẫng, ông thấy mình không bình tĩnh nên xin một điếu thuốc lá. Thế là ông ngồi vừa hút thuốc, vừa hát như một người đàn ông từng trải đối diện với mất mát. Hát xong ông còn dụi dụi điếu thuốc dưới giày, trầm tư một lúc rồi sân khấu mới chìm vào bóng tối…

Có thể nói đó là một hình ảnh rất lãng tử, điện ảnh và đặc biệt “chất”, nó hoàn toàn khác với khuôn mẫu cúi chào sau mỗi lần kết thúc bài hát thường thấy ở những giọng ca khác. Cũng chính vì thế mà sau đêm diễn “định mệnh” đó, khoảng 40 tờ báo của Sài Gòn đồng loạt đăng tin về “hiện tượng” người thể hiện bài hát“Nghìn trùng xa cách”; và hình ảnh người đàn ông trầm tư bên điếu thuốc đã đi vào lòng công chúng từ đó.

Sau đó ông trở thành một ca sĩ nổi tiếng khắp miền Nam. Không chỉ thế, khi được biết đến với vai trò ca sĩ, cũng là lúc nhiều đạo diễn điện ảnh nổi tiếng chú ý bởi vẻ ngoài hào hoa, lãng tử và gương mặt điện ảnh của ông. Họ mời ông tham gia đóng phim, mà mới vào phim là đã giao cho ông đóng vai chính! Vào năm 1973, Hãng phim tư nhân Lam Sơn đã thực hiện cuốn phim điện ảnh “Đời chưa trang điểm”phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Văn Quang, do Hoàng Vĩnh Lộc làm đạo diễn. Cuốn phim có sự tham gia của các tài tử điện ảnh bao gồm: Huy Cường, Như Loan, Thanh Hương, Bích Thuận, Phong Trần Tiếu, Bùi Đăng Khoa… Và năm 1973 là năm thực sự thành công và đáng nhớ của ông với Huy chương Vàng điện ảnh và giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

2. Vào năm 1974, khi đó Chánh Tín 22 tuổi, ông lấy vợ. Ở tuổi đấy, thời đấy, sẽ không là sớm cũng chẳng là muộn để ông chọn bến đỗ bình yên. Nhưng với một người có rất nhiều bóng hồng xung quanh như Chánh Tín thì rõ ràng đó là một quyết định khiến nhiều người bất ngờ, nhiều cô tiếc nuối! Ông nói, đơn giản là vì cô gái đó (vợ ông) là người duy nhất đã cho ông hiểu sâu sắc thế nào là tình yêu, hạnh phúc.

Người ta nói ông đào hoa lắm, thật ra cũng dễ hiểu vì lúc đó ông quá nổi tiếng, lại có dáng vẻ lịch lãm, phong nhã nên được nhiều cô gái đẹp đem lòng yêu mến. Ông cũng cho biết đã có đôi lần, xao lòng trước những bóng hồng nhưng đó chỉ là những rung động của trái tim đa cảm của người nghệ sĩ, còn sự thật ông luôn biết đặt hạnh phúc của mình ở đâu, là gì? Chánh Tín xác định hạnh phúc chính là gia đình và ông chỉ có thể tìm được hạnh phúc dưới mái ấm của mình, bên cạnh vợ và hai đứa con. Cũng chính vì thế mà ông đã xây dựng và nuôi dưỡng được một mái ấm hạnh phúc gần 40 năm qua. Và cũng chính vì lối sống khá nghiêm túc ấy nên Chánh Tín đã giữ được hình ảnh một người nghệ sĩ cao quý,  trong sạch nhất, không vướng vào bất cứ một scandal nào cho đến tận bây giờ. Đó là một hình ảnh, một bài học quan trọng mà các hậu bối của Chánh Tín phải học hỏi!

Chánh Tín trong phim "Ván bài lất ngửa"

Vợ ông là nghệ sĩ Bích Trâm, ngày đó là một người bạn học cùng Trường Luật với ông và cùng tham gia đội văn nghệ của trường. Hai người lấy nhau được một năm, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống của vợ chồng ông từ sung túc, đủ đầy ban đầu bỗng trở nên vô cùng khó khăn. Ông đã phải dừng con đường nghệ thuật lại một thời gian dài và lao vào làm đủ thứ nghề lặt vặt như bán dứa, rau muống, những nghề mà ông chưa từng nghĩ tới trong đời!

Ông kể, giai đoạn khủng hoảng nhất trong cuộc sống vợ chồng ông là giai đoạn 1975-1977, khi cả hai đều không có nghề nghiệp, mà tiền để dành cũng đã cạn đến đồng cuối cùng. Những lúc chợ chiều vắng tanh, ông ứa nước mắt vì thương vợ đang bụng mang dạ chửa đứa con đầu lòng nhưng vẫn cùng ông ra chợ buôn bán. Nhưng việc buôn bán không phải ai cũng làm được, nhất là với một người nghệ sĩ, vợ chồng ông bán gì lỗ đó, khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Cuối năm 1975, Chánh Tín tham gia vào Đoàn kịch nói Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng là một trong hai đoàn kịch lớn nhất miền Nam bấy giờ. Nhưng đồng lương bấy giờ thấp, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn. Đứa con trai đầu của Chánh Tín đẻ ra giữa thời khốn khó, vợ anh không có sữa nhưng cũng không có tiền để mua sữa nhiều cho con nên có khi phải cho con uống nước cháo đường.

Nhưng cũng ngay sau đó, Chánh Tín thành công và nổi đình nổi đám qua 5 vở kịch lớn ăn khách nhất thời bấy giờ như: “Hoa sim gai trắng”, “Đôi bông tai”, “Đi xa”, “Cho tình yêu mai sau”, “Cánh cửa sổ mở rộng”, “Biệt thự hoang tàn”… Sân khấu Bông Hồng những năm đó sáng đèn hàng đêm và đầy ắp khách, cuộc sống vợ chồng ông có phần đỡ vất vả, cơ cực hơn. Và từ khi nổi tiếng với kịch nói, ông bắt đầu được mời đóng phim trở lại. Và cơ duyên của ông với vai diễn kinh điển trong “Ván bài lật ngửa” cũng đến từ đó. 

Năm 1980, đoàn làm phim “Ván bài lật ngửa” khi đó đã tìm được một vai diễn đóng vai điệp viên Nguyễn Thành Luân nhưng khi phim đã quay hết tập 1 mà vẫn cảm thấy không ưng ý nên đạo diễn phim khi ấy là cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa quyết định chọn lại diễn viên cho vai này. Lúc bấy giờ, Chánh Tín đang rất được chú ý trên sân khấu ca nhạc, kịch nói lại có gương mặt rất điện ảnh nên được mời đến thử vai. Vì thấy diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người nên đạo diễn đã quyết định chọn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân. Có thể nói vai Nguyễn Thành Luân là một mơ ước của ông, bởi đó là một vai lớn, một vai diễn để bắt đầu lại sự nghiệp phim ảnh của mình.

Nhưng sau khi xem những tư liệu về nguyên mẫu Nguyễn Thành Luân, tức Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Chánh Tín đã từng có ý từ chối vì nghĩ rằng, mình không đủ sức thể hiện vai diễn nặng ký này. Hơn nữa, nhân vật có tính cách khác hẳn với tính cách của ông như khi nói chuyện, ông thường vung tay vung chân và nói rất nhanh chứ không điềm đạm và trầm tĩnh như ông. Thế nhưng, được sự động viên, ủng hộ và chỉ dẫn nhiệt tình của đạo diễn, nhà biên kịch nên Chánh Tín đã nhận lời và ông đã thành công vượt bậc với vai diễn đó.

Chánh Tín kể, sau khi gật đầu nhận vai ông cảm thấy rất áp lực, ông đã lao vào diễn vai này với một niềm hứng khởi cao độ, bởi đó không còn là vai diễn vì cơm áo gạo tiền nữa, đó còn là vai diễn giúp ông lấy lại danh dự đã mất cũng như cơ hội để làm lại sự nghiệp. Ông đã lao vào đọc kịch bản, tìm tư liệu về nhân vật với tất cả tâm huyết của mình, không những thế ông còn cất công đi tìm gặp những cán bộ lãnh đạo công an tìm hiểu tác phong, tính cách của người cán bộ tình báo để nhập vai. Khi được xem những tư liệu về Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Chánh Tín đã hình dung được một hình ảnh xuyên suốt để nhập vai. “Khi đó tôi nghĩ, người sĩ quan nằm vùng thì đương nhiên bên ngoài nhìn phải giống người Sài Gòn, phải thể hiện tinh thần, tâm hồn người cộng sản, nhưng tác phong đi đứng, cách ăn nói là phong thái của người Sài Gòn cũ, cũng may cái phong thái phải thể hiện là người Sài Gòn thì tố chất của tôi lại có tất cả điều đó” - ông nhớ lại. Thậm chí, trong nhiều đêm trăn trở với vai diễn, ông đang nằm bỗng bật dậy tập khi chợt nghĩ ra một cử chỉ, giọng điệu nào đó.

Sau biết bao nỗ lực cố gắng với vai Nguyễn Thành Luân thì may mắn đã mỉm cười với Chánh Tín, “Ván bài lật ngửa” - một bộ phim nhựa 8 tập về đề tài tình báo đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trong cả nước. Chánh Tín, người thủ vai điệp viên Nguyễn Thành Luân trở thành một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất khi ấy. Vai diễn này đã mang lại vinh quang cho đời diễn viên của ông và nó có sức sống mãnh liệt mãi cho đến tận bây giờ.

3. Có một điều là khi viết về Chánh Tín, nhiều nhà báo ít đề cập đến đó là việc ông là người có công làm sống dậy làng kịch nói Sài Gòn vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, làng kịch miền Nam đang trong tình trạng thoi thóp, sân khấu tắt đèn hàng đêm vì không có khách, nhà sản xuất chán nản, diễn viên tuyệt vọng, bỏ nghề. Chánh Tín là người tập hợp anh em lại làm một vở kịch lớn mang tên “Tình nghệ sĩ” ở Nhà hát Hòa Bình. Vở kịch này ra đời trong tâm thế giống như dịp để anh em ngồi lại say chén “tống hành tửu”, để anh em có thể vui chơi thỏa thích một lần cuối rồi… đường ai nấy lo!

Thế nhưng không ngờ đó lại là vở kịch hồi sinh làng kịch nghệ miền Nam. Vở kịch cũng đưa những tên tuổi như: Thành Lộc, Hồng Vân, Thương Tín, Hồng Đào… thành công với nghề kịch nói cho đến tận bây giờ. Thành công của “Tình nghệ sĩ” phải nói đến đó là chuyện doanh thu đỉnh nhất thời ấy; vở kịch này được công diễn suốt 1 tháng, thu về hơn 4 tỷ. Chánh Tín gọi đó là doanh thu tối cao nhất! “Tình nghệ sĩ” cũng đoạt nhiều giải thưởng về kịch nói trong nước. Và từ vở kịch này, người ta bắt đầu chú ý tới kịch, sau đó là hàng loạt các sân khấu kịch đã sống dậy mạnh mẽ, nhiều sân khấu kịch mới ra đời như sân khấu kịch Phước Sang, 5B Võ Văn Tần, Idecaf, kịch Phú Nhuận…

Và sẽ thật là thiếu sót nếu nói về đóng góp của NSƯT Chánh Tín với nền nghệ thuật mà không kể đến sự thành công của ông trong vai trò nhà sản xuất phim, đặc biệt ông là người đã góp phần “mở cửa” và phát triển dòng phim kinh dị Việt. Sau khoảng 15 năm kể từ năm 1975, phim kinh dị Việt rơi vào tình trạng gần như bị bỏ quên. Đầu những năm 90, nhà sản xuất Nguyễn Chánh Tín mới vực dậy thể loại này, qua bộ phim “Ngôi nhà oan khóc” (1992). Với mức đầu tư rất cao, khoảng 300 triệu, bộ phim “Ngôi nhà oan khốc” đã thành công và thu về 1 tỉ đồng doanh thu cho Chánh Tín, đó là một con số rất “khủng” thời điểm đấy. Sau cú đột phá này, ông sản xuất hàng loạt các phim cùng thể loại như: “Xác chết trên cao nguyên”, “Chiếc mặt nạ da người”… Phim “Chết lúc nửa đêm” (2007) đoạt giải Bông sen Vàng, đây là giải thưởng đầu tiên của thể loại này cho đến bây giờ….

Có thể nói, suốt khoảng 40 năm làm nghệ thuật, ông tham gia vào hầu hết các lĩnh vực từ âm nhạc, phim ảnh, kịch nói cho đến nhà sản xuất. Và ở lĩnh vực nào ông cũng đều để lại dấu ấn đặc biệt, thậm chí ông còn được công nhận là người có công “mở cửa” hay “hồi sinh” đối với nhiều thể loại. Chánh Tín hào hoa phong nhã ngày nào giờ đã bước sang hoàng hôn nhưng ông vẫn đang miệt mài “cày bừa” trên cánh đồng nghệ thuật của mình.

Thú thật, ở tuổi 61, Chánh Tín khác với những gì mà người ta dễ hình dung, kể cả tôi khi chưa gặp lại ông sau gần 5 năm qua. Lửa nhiệt huyết với nghệ thuật trong ông vẫn cháy bừng qua những chia sẻ, những trăn trở cũng như dự định của ông với phim ảnh. Về hình tướng, đương nhiên ông không còn điển trai, hào hoa phong nhã như thủơ thiếu thời, đó vốn là quy luật của thời gian rồi. Nhưng hình ảnh ấy khác hoàn toàn với những gì mà nhiều đồng nghiệp của tôi hay miêu tả ông đầy vẻ già nua, đau khổ, nhất là sau những thất bại trên phim trường hay thương trường. Ở Chánh Tín hiện tại, tôi thấy vẫn còn đầy chất lãng tử, nghệ sĩ của một thời. Đó là hình ảnh của một con người điềm đạm, phong cách lịch lãm cùng nụ cười tươi trên hàng ria con kiến. Có thể nói, phong cách của “Đại tá Nguyễn Thành Luân” vẫn còn nguyên vẹn trong Chánh Tín của hôm nay.

Trúc Vân - Thanh Loan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.