Ván cờ Syria và sự đấu trí của các cường quốc

13:42 | 20/10/2015

4,586 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 30/09/2015, Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS; các loại máy bay thế hệ mới, tên lửa hành trình tối tấn được sử dụng trong chiến dịch không kích này.

Đằng sau bước đi mang tính quyết đoán của Nga, cũng như tác động của nó đến cuộc chiến Syria và mối quan hệ của Nga vs các nước phương tây là như thế nào? Liệu Syria có trở thành chiến tranh Việt Nam thứ hai, nơi các cường quốc so tài để giành giật địa chính trị? Nó cho thấy những nước đi chiến lược của các cường quốc trên “bàn cờ” Syria.

van co syria va su dau tri cua cac cuong quoc

Nước Nga đang trỗi dậy để lấy lại những gì đã mất?

Kể từ khi Liên Xô tan rã cho đến ngày nay, đây là lần đầu tiên nước Nga hiện đại có hành động can thiệp quân sự ở xa lãnh thổ. Hoạt động quân sự này của Nga đã cho thấy những ưu tên rõ ràng của nước này tại vùng đại chính trị quan trọng bậc nhất Trung Đông, đó là ngăn chặn sự thành lập của một chính phủ thân phương Tây ở Damascus; giữ vững mối quan hệ bảo trợ đồng minh, hợp tác quân sự và năng lượng với Syria và trên tất cả là nhận thức rằng Nga phải ngăn chặn làn sóng phiến quân Hồi giáo lan nhanh tràn tới miền bắc Caucasus, cửa ngõ của nước mình.

Không như Mỹ và phương Tây, nước Nga có mục đích rõ ràng khi tham gia cuộc chơi này, đảm bảo chắc chắn rằng bất cứ cái kết nào cho cuộc nội chiến ở Syria cũng đều mang lại lợi ích cho Moscow và với một lý lẽ không thể khách quan hơn: bảo vệ một chính thể hợp hiến, hợp pháp theo Hiến chương LHQ; Nga đã thể hiện sự trung thành với đồng minh chiến lược của mình. Với Nga, Syria không những là đồng minh chiến lược tối quan trọng mà còn là nước có vị trí địa chiến lược trong khu vực và có cảng nước ấm quan trọng. Nga đã có những đầu tư chiến lược đáng kể ở Syria, một nước Arập hàng đầu bị coi là thù địch trong tính toán chiến lược của Mỹ. Vì vậy, Syria trở thành tài sản chiến lược có giá trị đối với Nga.

Nhìn vào tấm bản đồ Trung Đông, có thể dễ dàng thấy được Syria đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong địa chính trị ở Trung đông và tới đây, sẽ giúp Nga hiện diện quân sự và chính trị ở Syria, từ đó Nga có thể gây tầm ảnh hưởng, thắt chặt mối quan hệ với Iran và các nước Trung đông. Đồng thời, lấp khoảng trống về chính trị ở Trung đông trong khi vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt dần.

Về phương diện quân sự, Syria mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho Hải quân Nga ở Địa Trung Hải, căn cứ duy nhất ở nước ngoài của Nga hiện nay. Nga phát động cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS là nhằm bảo đảm an toàn và tiếp tục duy trì căn cứ tại cảng Tartus (Syria); đồng thời, hướng tới việc xích lại gần Iran, một quốc gia có nhiều ảnh hưởng tại Trung Đông. Gần đây, Nga cũng đã bày tỏ cam kết chiến lược đối khi các tàu chiến của lực lượng hải quân Nga ghé thăm các căn cứ ở Syria nhằm đánh đi tín hiệu Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài chống lại Syria.

Nhưng trên tất cả là quan niệm về mối đe dọa cũng như vị thế lấn lướt của phương Tây. Nếu như trước, chỉ cần làm Nga phật ý, thì cả Châu Âu sẽ phải sống trong “mùa đông giá rét”. Số liệu thống kê của Gazprom cho thấy hiện nay, 2/3 tổng lượng nhu cầu khí đốt hàng năm của EU phải nhập khẩu và đều đến từ Nga. Con số này khiến cho Nga có đầy đủ tự tin trong quan hệ thương mại khí đốt đối với châu Âu. Gazprom dự đoán rằng nếu tỷ trọng khí đốt nhập khẩu trên thị trường châu Âu từ năm 2000-2015 tăng 17%, thì thị trường khí đốt châu Âu từ năm 2015-2030 sẽ phát triển theo cùng một tỷ lệ. Với vị trí địa lý quan trọng như thế, ta có thể biết ngay được hậu quả sẽ như thế nào khi Nga mất Syria. Dòng khí đốt từ Trung Đông sẽ chảy qua Syria, vào Thổ Nhĩ Kỳ và đến được Châu Âu. Lúc đó, Nga sẽ gần như mất đi vị thế thượng phong và ảnh hưởng lớn của mình đối với Châu Âu trong các cuộc đàm phán.

Đồng thời, Chính phủ của ông Assad đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc chiến Syria; ở đây ta nói đến cuộc chiến chống lại Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS-một cuộc chiến hết sức lâu dài chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai kể cả khi Syria đã bình ổn. Hiện nay, trên thế giới đang hình thành vòng cung IS bao vây nước nga từ Bắc Phi, Trung Đông, đến Trung Á, Pakistan. Như vậy, mục tiêu cuối cùng của IS ko chỉ là Syria mà là nước Nga. Theo ước tính của Moscow, trong số 70.000 phần thuộc IS có tới 5.000 người là người Nga và CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập gồm các quốc gia thành viên của Liên Xô cũ). Vì thế để ngăn chặn mầm mống các chiến binh này trở về nước, đào tạo tân binh, gây bất ổn, Moscow đã tiến hành không kích diệt tận gốc IS.

Việc Nga đưa binh sĩ, vũ khí, máy bay vào Syria, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad mục đích chủ yếu là để bảo vệ chính bản thân mình khỏi sự mở rộng lan tràn của IS tới miền Bắc Caucasus và Trung Á. Thủ tướng Nga Medvedev khẳng định: “Nga không đấu tranh vì lợi ích của một nhà lãnh đạo nào. Việc Nga triển khai không kích tại Syria là do nhận được yêu cầu giúp đỡ từ chính quyền hợp pháp của Syria và việc này cũng là vì lợi ích quốc gia của Nga” và “lực lượng Nga ở Syria đang chống lại các mối đe dọa từ nhóm khủng bố IS bởi nếu như IS không bị tiêu diệt, thì nhóm khủng bố này có thể nhắm tới nước Nga”. Ông tuyên bố đánh phủ đầu IS tại Syria là tấn công vào một khâu quan trọng nhất trong mắt xích bao vây nga của IS và như vậy vòng cung bao vây nước nga sẽ dần tan vỡ. Với nguồn lực quân sự vững mạnh, Moscow có thể duy trì cam kết quét sạch IS hiệu quả và lâu dài tại Damascus bất chấp sự chỉ trích của Mỹ và một số nước phương Tây.

Mặc dù vậy, nước Nga cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong cuộc chiến tại Syria như dẫm phải vết xe đổ của Liên Xô trước đây khi sa lầy tại Afganistan đồng thời là quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu dần đi.

Liệu Mỹ và phương Tây có ngồi yên để Nga “chiếu tướng”?

Trong tính toán chiến lược ở khu vực, Mỹ và phương Tây luôn đặc biệt chú ý và coi Syria là nước đối địch vì Damacus có quan hệ chiến lược, chính trị gần gũi với Iran và Nga.. Điều quan trọng hơn là sự thù địch không ngừng của Syria đối với Israel. Sự chiếm đóng quân sự ở Lebanon trong một thời gian dài và sự gắn kết chiến lược với Iran trong giai đoạn gần đây. Tất cả những điều này đã tạo ra sự cộng hưởng thế đối đầu và thù địch trong nhận thức của Mỹ đối với Damacus.

Tuy không phải là ứng viên cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, nhưng Syria lại là đối trọng nặng ký cho bất cứ bên nào Syria ngả theo. Hiện nay, Syria nghiêng cán cân chiến lược về phía Iran và đó chính là nguồn gốc rắc rối mà nước này phải đối mặt. Syria đã tạo cho Iran một số lợi thế như sức mạnh chiến lược quan trọng chống lại Israel: ảnh hưởng lớn của Syria ở Lebanon cùng với ảnh hưởng của Iran với các lực lượng vũ trang dòng Sunni đặc biệt là Hezbollah ở nước này càng làm cho mối đe dọa của Iran đối với Israel trở nên mạnh mẽ hơn; sự liên kết Iran và Syria đã cho thấy tình đoàn kết Hồi giáo chống lại Israel. Đồng thời, với đường bờ biển dài Syria còn giúp mở đường cho Iran ra biển Địa Trung Hải. Vì vậy, có thể nói rằng vai trò trung tâm của Syria không hạn chế trong thế giới Ảrập mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông. Đối với Mỹ và Israel cũng như các nước đang cạnh tranh vai trò cường quốc khu vực với Iran như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, sự cô lập chiến lược khu vực đối với Iran sẽ không đầy đủ nếu không cắt đứt được quan hệ giữa Syria và Iran.

Tuy nhiên, từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra, không khó để nhận ra rằng ở Libya, Mỹ và phương Tây sốt sắng với chiến dịch can thiệp quân sự bao nhiêu thì lại thận trọng bấy nhiêu trước bài toán tương tự ở Syria. Syria không phải là Libya và không nên nghĩ rằng chỉ cần sao chép đúng kịch bản quân sự-ngoại giao là đủ để giải quyết vấn đề trong một vài tuần lễ. Hơn nữa, Syria còn nằm ở vị trí quan trọng liên quan đến lợi ích của nhiều nước lớn.

Như đã nói ở trên, Mỹ và phương Tây, đặc biệt là Châu Âu muốn thông qua Syria để thoát cái gọi là “mùa đông giá rét” mà Nga gây ra. Khi mà thực tế, Châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Trong năm 2014, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu với trữ lượng chiếm tổng cộng 42%, Gazprom đã xuất khẩu tổng cộng 117,92 tỉ m3 khí đốt sang thị trường Tây Âu vào năm 2014, theo số liệu của Uỷ ban châu Âu. Trong quý 1-2015, Gazprom đã vận chuyển 20,29 tỉ m3 khí đốt đến thị trường Tây Âu. Đủ để thấy, sự nhúng tay của Châu Âu vào Syria cho thấy họ dường như đã quá ngán ngẩm Nga rồi.

Trong bối cảnh phe nổi dậy Syria phải hứng chịu những đợt không kích nặng nề từ Nga, các nhà phê bình cho rằng ông Obama đứng trước hàng loạt những chỉ trích ngay ở Washington do không đưa ra đối sách tương ứng và rằng uy tín của nước Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Washington cần phải “áp dụng răn đe” với Nga. Thực tế bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào đều nguy hiểm và không đem lại lợi ích cho Mỹ, Nga không đe dọa đến các đồng minh của Mỹ như Israel hay các nước vùng Vịnh. Tổng thống Nga cũng không lựa chọn giải pháp đối đầu với NATO vậy nên với chiến lược của Tổng thống Mỹ Obama, ông có lý do để thận trọng trước việc Nga can thiệp vào Syria bởi chỉ có đàm phán mới có thể tìm kiếm giải pháp hòa bình trong khu vực.

Quan trọng hơn, việc ông Assad ra đi mang lại lợi ích cho Mỹ và phương Tây, nhưng trong ván cờ quyền lực thế giới, Syria không phải là một quân cờ chiến lược "vô chủ" vì Syria được cả Nga và Trung Quốc ủng hộ. Đồng thời, bối cảnh cảnh nội tại của cả Mỹ và phương Tây đều phải dành ưu tiên cho các vấn đề sống còn như nợ công, thất nghiệp, bế tắc tại chiến trường Libya, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Mối quan tâm này đồng nghĩa với việc đặt ưu tiên tiêu diệt phiến quân IS và các nhóm khủng bố khác có những hành động chống lại phương Tây. Khi IS và các tổ chức khủng bố trỗi dậy, Syria trở thành trại huấn luyện khủng bố thu hút hàng ngàn công dân châu Âu, Mỹ tới tham chiến và trở thành mối đe dọa khi trở về nước. Đó là chưa kể đến cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ đang diễn ra ở châu Âu vẫn còn đang bế tắc.

Mỹ và Phương Tây đang đứng trước một cuộc đua dài hơi và phải có một biện pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng nhân đạo, làm suy yếu và tiêu diệt IS cũng như thừa nhận những lợi ích hợp pháp của Nga trong khu vực và tránh để bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự với Moscow bởi Syria không phải là một Libya để họ có thể tiến hành phiêu lưu quân sự. Hơn nữa, sẽ khó lường được hậu quả khi Al-Qaeda và các lực lượng khủng bố cũng muốn thay đổi chế độ ở Syria để có chỗ ẩn nấp.

Xung đột Syria diễn ra trên hai bình địa, đó là trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Nếu Mỹ và phương Tây công  nhận sự thất bại trên chiến trường thì trên bàn đàm phán họ sẽ phải công nhận vai trò của Assad trong việc chống IS. Đồng thời châu âu cũng cần nhận ra sự tác động của IS tới chính trị xã hội Châu Âu. Nên đây là cuộc chiến lâu dài, khi mà các nước đồng tâm hiệp lực như Tổng thống Putin nói thì mới có thể giệt trừ mầm mống khủng bố IS. Tuy vậy, thiết nghĩ dù có giằng co như thế nào thì kịch bản tốt nhất cho Syria nên là các bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra giải pháp xây dựng lại một Syria thống nhất, lập lại hòa bình, ổn định xã hội, phát triển kinh tế và loại bỏ nguy cơ IS lan sang châu Âu và Nga.

 

Tiến Đạt