Văn chỉ làng Dòng - một biểu tượng văn hóa làng

07:00 | 12/09/2013

3,880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Địa phương nào muốn lập Văn chỉ thì phải có nhiều người đỗ đạt mà trước hết phải có người đỗ đại khoa, từ tiến sĩ trở lên, nghĩa là phải có nhân vật và sự kiện để khắc vào bia đá lưu danh muôn thuở ở Văn chỉ.

Có bột mới gột nên hồ

Làng Dòng xã Xuân Lũng, thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã sớm đạt đến tiêu chí gần như bắt buộc đó. Và, cách nay gần năm thế kỷ, Văn chỉ làng Dòng đã ra đời. Trong cải cách ruộng đất, do nhận thức yếu kém của lãnh đạo địa phương mà nhiều bia đá cổ của làng Dòng đã bị đập đem nung vôi, "đất thánh" biến thành thổ cư.

Văn chỉ làng Dòng xưa là nơi hàng năm, các quan hàng huyện, hàng tỉnh thường về dâng hương. Học trò trước khi đi thi đều đến Văn chỉ làng cầu phúc. Mỗi tấm bia đá được tạo dựng cách nhau nhiều thập kỷ, có khi hàng thế kỷ hoặc hơn thế. Chỉ tính riêng 3 tấm bia khoa bảng đặt ở khu vực Văn chỉ làng Dòng đã có tới 205 người đỗ đạt với đủ các thứ bậc cao, thấp; trong đó có 4 đại khoa là Bùi Ứng Đẩu, Nguyễn Doãn Cung, Nguyễn Mẫn Đốc, Nguyễn Chính Tuân; 21 trung khoa (gồm 17 giám sinh cùng 4 cử nhân là Nguyễn Thông, Nguyễn Văn Kỷ, Bùi Tư Thuận, Đặng Văn Hòa). Đường dốc Đồng Thưa từ năm 1897 đã được vinh danh là "Vinh quy lộ" - đường đón cử nhân Đặng Văn Hòa vinh quy, bái tổ.

Lễ đặt bia Văn chỉ làng Dòng.

Trong số các giám sinh phải kể Nguyễn Hãng, tác giả hai bài phú nổi tiếng Tịch cư ninh thểĐại Đồng phong cảnh, cũng là một trong những trung thần của nhà Lê. Ngoài ra là nho sinh (12 người), quan chức 8 vị (1 tri phủ, 2 tri châu, 5 tri huyện). Đó là những con số "biết nói". Điều đó chứng tỏ truyền thống hiếu học của làng Xuân Lũng đã có từ rất lâu đời và được lưu truyền liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ dòng họ này sang dòng họ khác; nó bắt nguồn từ nhân tố địa lý, nhân tố khuyến học và nhân tố trọng người có học. Trong ba nhân tố ấy thì nhần tố trọng người có học là hết sức quan trọng, vì nó là "đầu ra" cho việc học.

Khoảng những năm 20-30 của thế kỷ trước, trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, EFEO, đã cho người lên Xuân Lũng kịp thời in dập lại 3 tấm bia ghi việc học (gồm 5 mặt) cùng một vài tấm bia hưng công khác và những thác bản quý giá này hiện vẫn còn được lưu giữ tại Viên nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội. Bia Xuân Lũng có hai loại. Bia ghi danh những người đỗ đạt ở các thứ bậc khác nhau (bia khoa bảng) được đặt ở Văn chỉ làng. Bia hưng công, tức bia xác nhận công tích những người tu tạo, sửa chữa, nâng cấp chùa Phổ Quang, gác chuông tam quan... được đặt ngay tại các công trình nhà Phật. Cổ tích Phổ Quang tự bi là bia có rùa đội, mái che được tạo dựng năm 1620, là bia hưng công duy nhất hiện vẫn còn lưu giữ được trên sân chùa (cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng).

Lục tìm và khắc tiếp

"Lục tìm" những vị từ tiền bối đỗ đạt trước khi làng có Văn chỉ. "Khắc tiếp", tức là cố gắng ghi lại, không bỏ sót nhân tài, kể cả những người đang thịnh sự hiện nay. Sự hiếu học, tinh thần tôn sư, trọng đạo, uống nước nhớ nguồn như một dòng chảy văn hóa không bị đứt đoạn, luôn được khơi dậy và phát huy đúng lúc, tạo động lực cho những người kế nhiệm. Các bia ở Văn chỉ làng Dòng được phép ghi rộng rãi hơn, gồm họ tên những người thành đạt từ cấp nhất trường, nhị trường, đến sinh đồ, tú tài, giám sinh, cử nhân, tiến sĩ, bảng nhãn. Hội Tư văn bản xã xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, tồn tại cho đến những năm đầu thế kỷ XX với tên gọi mới là hội Văn thân.

Trong số những tiến sĩ nho học nổi lên bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, không hẳn vì ông là con vị quan đầu triều Nguyễn Doãn Cung, lại có học vị cao nhất làng mà vì phẩm chất yêu nước của ông - vì phù Lê, diệt Mạc tuẫn tiết. Ông được gia phong Tiết nghĩa Đại vương, Thượng đẳng phúc thần. Được dựng "Tiết nghĩa từ" ở quê hương, năm 1667, đời Lê Huyền Tông.

Năm 2011, Văn chỉ làng Dòng được khôi phục lại. Người có công đầu là Bí thư đảng ủy xã Cấn Xuân Bình và chủ tịch xã Nguyễn Ngô Long. Nhà bia mới đã được tạo dựng trên địa điểm mới thoáng đãng, có tòa chính đường, trong ngoài có hành lang, lợp ngói, sàn lát đá hoa, xung quanh là rào sắt kiên cố, hàng năm hợp tế xuân thu nhị kỳ, con cháu gần xa đã có nơi chiêm bái, văn chương ngưỡng mộ, đạo học phấn chấn.

Tháng 9/2012, ba tấm bia cổ là Cấu tác Từ vũ bi, Trùng thuyên bi ký Tu tác Từ chỉ bi đã được phục chế nguyên dạng và đưa về đặt tại Văn chỉ làng với sự hảo tâm công đức của các ông bà Đặng Văn Huấn, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Tư Liêu. Thế là những tấm bia cổ ẩn giấu nhiều nội dung phong phú về văn hóa làng, về phong tục, tập quán, lối sống ở một miền quê vốn coi trọng chữ nghĩa mà người xưa đã dày công vun đắp sau mấy thập kỷ trôi nổi đã trở về với vị trí xứng đáng của nó, không chỉ với hàng huyện, hàng tỉnh mà còn với cả nước.

Bài minh trong Trùng thuyên bi ký (dựng năm 1793) có câu: "Kẻ sĩ chen vai - Nhà nhà thi lễ", phải chăng đây là bức tranh sinh động về một "xã hội học tập" đã từng được dấy lên từ vài trăm năm trước ở Xuân Lũng, một làng trung du hẻo lánh mà các sĩ tử lều chõng đi thi chỉ bằng đôi chân vượt núi, xuyên rừng? Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, người làng Dòng đời nay đã và đang viết tiếp vào trang sử văn hóa làng mình tên tuổi những người đỗ đạt trên mọi lĩnh vực văn học, khoa học, kinh tế, doanh nghiệp, văn hóa giáo dục..., đáp ứng ngày càng cao nhu cầu xây dựng nông thôn mới. Danh sách các GS, TS, thạc sĩ đã lên tới con số trăm. Những người tốt nghiệp đại học, cử nhân, kỹ sư... đã xấp xỉ cả ngàn. Tất cả đang hợp sức tạo nên một "xã hội học tập" thời đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những thành tựu xuất sắc về học vấn được sánh ngang với những cống hiến trong các lĩnh vực khác của xã hội. Quan niệm đề cao sự học này trước, sau đều tỏ rõ tính công bằng và nhân văn trong việc đánh giá phẩm chất một con người.

Nguyễn Văn Toại

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.