Thiếu tiến sĩ hay thiếu người có năng lực?

07:07 | 15/11/2017

1,305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đề án đào tạo tiến sĩ của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) từ nay đến 2025 lại khiến dư luận bất ngờ.

Bất ngờ vì nước ta đã có quá nhiều tiến sĩ mà rất nhiều người không phát huy được tác dụng gì, chỉ để trang trí cho oai mà bây giờ lại rót tiếp hàng nghìn tỉ đồng để đào tạo thêm hàng nghìn tiến sĩ nữa.

Cụ thể là “để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, Việt Nam cần đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỉ đồng!

Dự thảo đề án mang tiêu đề: “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”. Dự thảo đề án vừa được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.

Theo đề án này thì với 9.000 tiến sĩ cần đào tạo sẽ có khoảng 5.000 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 600-700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài; khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người; khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam.

thieu tien si hay thieu nguoi co nang luc

Bên cạnh đó, đề án đề ra mục tiêu thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam. Đồng thời, phấn đấu 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị với học vị tiến sĩ.

Nhìn lại ngành giáo dục hiện có 4.687 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 6,4% tổng số giảng viên), trong đó 574 giáo sư (chiếm 0,8%) và 4.113 phó giáo sư (chiếm 5,6%). Bộ GD&ĐT cho rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.

Nếu tính trên tổng thể thì tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 23% tổng số giảng viên). Số lượng giảng viên và cán bộ quản lý có chức danh giáo sư và phó giáo sư công tác tại các cơ sở giáo dục đại học cũng thấp (6,4%).

Vấn đề cần đặt ra là nước ta hiện có 9.000 giáo sư, phó giáo sư, 24.300 tiến sĩ nhưng nghiên cứu khoa học lại tụt hậu xa so với thế giới. Số lượng công trình nghiên cứu tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Số lượng công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn còn rất ít, kể cả so với các nước trong khu vực ASEAN (chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia và 1/14 so với Singapore). Vì thế, đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của ngành giáo dục cần phải cân nhắc đến chất lượng và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Chuyện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của cả xã hội nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến được bao nhiêu. Nay tiếp tục đổi mới sách giáo khoa và đào tạo thêm tiến sĩ là điều đáng được dư luận quan tâm, bàn thảo.

Câu chuyện “lò ấp” tiến sĩ, thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mấy năm nay đã gây bức xúc trong dư luận. Báo chí đã tốn không ít giấy mực phanh phui những sai phạm trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của học viện này. Bởi vì là cơ sở đào tạo đại học nhưng Học viện Khoa học Xã hội được xem như một “siêu học viện”, không đào tạo trình độ cử nhân mà chỉ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Một thầy của học viện cùng lúc hướng dẫn tới 44 học viên thạc sĩ của 3 chuyên ngành. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, số học viên thạc sĩ tối đa được phép hướng dẫn đối với giáo sư là 7; phó giáo sư - tiến sĩ khoa học là 5; tiến sĩ là 3. Một lúc mà một thầy hướng dẫn số học viên nhiều gấp 6-7 lần như thế thì còn đâu là chất lượng. Với kiểu đào tạo lấy số lượng làm đầu và lấy học vị cho oai thì làm gì chẳng tạo ra một lô tiến sĩ vô dụng, tự đánh mất đi cái “sĩ” của mình!

Từ thực tiễn ấy mà xem xét đến đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ của ngành giáo dục. Khi mà chất lượng giáo dục đã ở mức báo động từ hàng chục năm nay thì những cán bộ, giáo viên được đào tạo ra đã không bảo đảm chất lượng để làm quản lý và giảng dạy. Nay đào tạo tiếp lên trình độ tiến sĩ thì làm sao bảo đảm rằng, họ sẽ nâng cao chất lượng và đổi mới ngành giáo dục. 12.000 tỉ đồng là số tiền rất lớn nhưng nếu thực sự đáp ứng được yêu cầu của giáo dục thì vẫn phải làm. Song, ai dám chắc rằng, chất lượng đào tạo sẽ bảo đảm được đúng như kỳ vọng.

Linh Trang